Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 224.000 ca), trong khi nước này cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 340 ca.
Nguồn: Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 - Cập nhật lúc 00:00 07/04/2022
Số mũi đã tiêm toàn quốc
208.244.568
Số mũi tiêm hôm qua
865.209
6 diễn biến
24 giờ, Hàn Quốc có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến sáng 8/4, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 495.849.027 ca, trong đó có 6.193.721 người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 431 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 55 triệu ca và trên 62.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 7/4, thế giới có 66 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 224.000 ca), trong khi nước này cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 340 ca.
Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong, với hơn 81,9 triệu ca mắc và hơn 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 660.782 ca.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với hơn 182,1 triệu ca mắc, tiếp đó là châu Á với hơn 142,4 triệu ca. Xét về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với hơn 1,7 triệu ca, tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ với 1.446.731 ca, trong khi con số này ở châu Á là 1.408.365 ca. Khu vực Nam Mỹ hiện ghi nhận hơn 56,2 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu ca tử vong.
Thượng Hải chạy đua xây dựng hàng trăm nghìn giường bệnh cách ly
Thành phố đông dân nhất của Trung Quốc đang thực hiện chuyển đổi các trung tâm hội nghị và huy động lực lượng từ các tỉnh lân cận để tạo ra những cơ sở cách ly cho hàng trăm nghìn người. Động thái này cho thấy sự kiên định của họ trong việc thực hiện cam kết “Zero Covid”, trong bối cảnh Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất cho tới nay.
Thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, đang bổ sung thêm hàng chục nghìn giường tại một số địa điểm vốn đã là khu cách ly lớn hàng đầu thế giới. Thành phố tuân theo chính sách cách ly tất cả người dương tính với vi-rút corona bất kể mức độ nghiêm trọng và tất cả người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân. Theo thông tin chính phủ, gần 150.000 người được xác định tiếp xúc gần (F1) đã đưa vào diện cách ly, trong khi hơn 100.000 người khác được xác định là tiếp xúc thứ cấp (F2) đang được theo dõi.
Chiến lược Zero COVID-19 bắt nguồn từ các đợt bùng phát dịch bệnh ở thành phố Vũ Hán mà Trung Quốc đã dập tắt thành công. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn để theo đuổi chiến lược, trong bối cảnh xuất hiện biến thể COVID-19 có khả năng lây lan nhanh và liên tục bùng phát các đợt dịch mới.
Nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm Covid cho người dân ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 4/4/2022. Ảnh: Getty Images.
Thượng Hải đã báo cáo gần 20.000 ca nhiễm mới vào hôm 7/4, là mức ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục khi chính quyền thành phố tiếp tục mở rộng khu vực cách ly. Nhiều người trong số 25 triệu cư dân thành phố đã phàn nàn rằng công tác quản lý kém và thời gian cách ly dài. Họ bày tỏ thất vọng về sự thiếu thốn của nguồn cung thực phẩm và dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, chính quyền chưa cho thấy dấu hiệu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Ông Wu Qian Yu, quan chức cấp cao của Ủy ban Y tế Thượng Hải, cho biết vào hôm 6/4: "Công tác phòng chống dịch ở Thượng Hải hiện đang ở giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất"; “Chúng ta phải tuân thủ chính sách chung về phòng chống dịch bệnh, không do dự và không dao động".
Thành phố đã chuyển đổi Trung tâm Triển lãm Quốc tế Mới Thượng Hải (SNIEC) trở thành cơ sở cách ly với gần 15.000 giường bệnh. Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc gia (NECC) tại Thượng Hải, địa điểm tổ chức những sự kiện thương mại nhập khẩu hàng đầu của Trung Quốc, cũng đang được chuyển đổi thành cơ sở cách ly cho 40.000 bệnh nhân khác. Các nhà thi đấu, sân vận động trong nhà và khách sạn khác trong toàn thành phố cũng được chính phủ nhắm tới chuyển đổi thành nơi cách ly.
Thương Hải còn huy động cả sự hỗ trợ từ các địa điểm bên ngoài thành phố. Nhiều cơ sở ở tỉnh Chiết Giang và tỉnh Giang Tô đang được dựng lên để giúp cách ly khoảng 60.000 người từ Thượng Hải.
Mắc COVID-19 nhẹ cũng có nguy cơ phát triển cục máu đông
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra COVID-19 làm tăng nguy cơ đông máu, nhưng nghiên cứu mới công bố ngày 6/4 trên tạp chí y khoa BMJ cho thấy mối đe dọa có thể tồn tại trong vòng 6 tháng.
Theo đó, những người mắc COVID-19 trong 6 tháng kể từ khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ thuyên tắc phổi - do phát triển cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch trong phổi - cao gấp 33 lần người không nhiễm virus.
Nguy cơ phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu - thường ở chân - của bệnh nhân COVID-19 cũng tăng trong vòng 3 tháng sau khi bệnh, cao gấp 5 lần người bình thường.Nguy cơ đặc biệt gia tăng ở nhóm bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng, tuy nhiên nghiên cứu chỉ ra những người mắc COVID-19 nhẹ không phải nhập viện điều trị vẫn có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh liên quan đến cục máu đông này.
Để có được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu của hơn 1 triệu người mắc COVID-19 từ tháng 2/2020 đến tháng 5/2021 (dữ liệu của cơ quan y tế Thụy Điển), và nhóm 4 triệu người âm tính với virus.
Ngoài ra, họ còn phát hiện, tỉ lệ phát triển huyết khối trong đợt đầu tiên của đại dịch cao hơn so với các giai đoạn sau. Theo các nhà khoa học, đó là nhờ mức độ bao phủ của vắc-xin và các phương pháp điều trị tốt hơn theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu cho biết, phát hiện của họ có "ý nghĩa chính sách lớn", kêu gọi điều trị sâu hơn để ngăn ngừa cục máu đông phát triển, đặc biệt trong những trường hợp có nguy cơ cao. Họ cũng nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiêm chủng.
Nghiên cứu trên một lần nữa nhắc nhở người mắc COVID-19 cần cẩn trọng với những di chứng của bệnh này, ngay cả khi có triệu chứng nhẹ
"Tất tần tật" thông tin về Hộ chiếu vắc xin, muốn đi du lịch nên đọc để biết cho rõ
"Hộ chiếu vắc xin" điện tử là gì?
Hiện nay "Hộ chiếu vắc xin" điện tử là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức y tế thế giới và Liên minh Châu Âu ban hành.
Thời hạn của "Hộ chiếu vắc xin" điện tử
Thời hạn của "Hộ chiếu vắc xin" điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.
Tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 có được cấp "Hộ chiếu vắc xin" điện tử không?
Việc sử dụng "Hộ chiếu vắc xin" người dân cần tìm hiểu thông tin từ Bộ Ngoại giao trước khi xuất cảnh.
"Hộ chiếu vắc xin" điện tử của Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật nào, có bao nhiêu quốc gia sử dụng tiêu chuẩn này?
"Hộ chiếu vắc xin" điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.
"Hộ chiếu vắc xin" điện tử của Việt Nam được sử dụng ở những quốc gia nào?
Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành biểu mẫu, quy trình và thực hiện cấp "Hộ chiếu vắc xin". Để biết "Hộ chiếu vắc xin" được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao.
Người dân phải làm gì để được cấp "Hộ chiếu vắc xin"?
Người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp "Hộ chiếu vắc xin" mà không phải làm thủ tục gì thêm.
Xem "Hộ chiếu vắc xin" ở đâu?
"Hộ chiếu vắc xin" điện tử được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và PC-COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.
Thông tin tiêm chủng COVID-19 sai/thiếu thì phải làm gì?
Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng hoặc trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.
Nếu có sai sót/thiếu thông tin đề nghị người dân liên hệ (trực tiếp hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn) với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.
Trường hợp người dân tiêm tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau thì phải làm gì để được cấp "Hộ chiếu vắc xin"?
Trường hợp người dân tiêm chủng các mũi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau thì các cơ sở có trách nhiệm ký số chứng nhận, Bộ Y tế sẽ cấp "Hộ chiếu vaccine" bao gồm thông tin các mũi tiêm. Người dân không cần phải làm thủ tục gì thêm.
Quy trình cấp "Hộ chiếu vắc xin"
Theo quyết định số 5772/QĐ-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế, quy trình cấp Hộ chiếu vắc xin bao gồm 3 bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng với CSDL quốc gia về dân cư theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Dữ liệu sẽ được đẩy về Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Bước 3: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế thực hiện ký số tập trung chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Người dân có thể xem Hộ chiếu vaccine trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC- COVID hoặc tra cứu trên Cổng thông tin do Bộ Y tế công bố trong thời gian tới.
Thời gian dự kiến triển khai cấp hộ chiếu vắc xin trên cả nước là khi nào?
Ngày 8/4/2022, các cơ sở tiêm chủng bắt đầu thực hiện ký số, từ 15/4/2022, Bộ Y tế sẽ thực hiện ký tập trung để cấp "Hộ chiếu vaccine" cho người dân.
Người dân không có/mất chứng nhận tiêm chủng bản giấy có được cấp "Hộ chiếu vắc xin" điện tử không?
Nếu trên hệ thống đã có thông tin tiêm chủng COVID-19 thì người dân sẽ được cấp "Hộ chiếu vắc xin" điện tử mà không cần bản giấy.
Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng trên Cổng thông tin điện tử tiêm chủng COVID-19 hoặc ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.
Bình Thuận lên kế hoạch tiêm vaccine cho 126.000 trẻ từ 5-11 tuổi
Ngày 7/4, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh đã ký ban hành kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh nhằm tăng diện bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng.
Dự kiến, 126.860 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ được tiêm.
Việc tiêm chủng được thực hiện tiêm theo thứ tự độ tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 10 đến 11 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Việc tiêm vaccine cho trẻ tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định (trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện), tại trường học và điểm tiêm lưu động.
Trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp. Trẻ không đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm cố định hoặc lưu động trên địa bàn do Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quyết định.
Trẻ có bệnh nền sẽ tiêm tại các bệnh viện đa khoa hoặc các trung tâm y tế có chuyên khoa nhi. Thời gian triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ sẽ được thực hiện ngay sau khi được phân bổ vaccine.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị, địa phương huy động nhân lực, trang thiết bị và phương tiện để tham gia và phục vụ hậu cần, an ninh, đảm bảo cho việc tiêm chủng an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, vận động phụ huynh cho con em tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trung Quốc khẳng định "Zero COVID-19 năng động" là đúng đắn và hiệu quả
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 7/4 thông báo ghi nhận thêm 1.284 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 160.116 ca.
Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 21.711 ca nhiễm không triệu chứng. Trung Quốc không liệt kê các trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng vào số liệu thống kê chính thức, song những trường hợp này vẫn được báo cáo và những người dương tính không có triệu chứng vẫn phải cách ly.
Rào chắn phong tỏa trước một khu dân cư ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chính sách "Zero COVID-19" (Không COVID-19) nhưng đã chuyển sang trạng thái "Zero COVID-19 năng động", với cách phòng chống dịch nhanh, linh hoạt tùy theo tình hình, đặc điểm và điều kiện từng nơi.
Khái niệm này lần đầu tiên được nhắc đến hồi tháng 12/2021. Kể từ thời điểm đó đến nay, nước này hầu như rất hiếm khi đưa được số ca bệnh trong cộng đồng về 0 và hiện đang phải đối mặt với làn sóng dịch lớn nhất kể từ sau đợt Vũ Hán 2 năm trước.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, một số phương tiện truyền thông ở Anh gần đây nhận định, chính sách "Zero COVID-19 năng động" của Trung Quốc là "không bền vững" và mang lại "rủi ro chuỗi cung ứng" cho nền kinh tế toàn cầu.
Bình luận về vấn đề trên, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh ngày 6/4 (giờ London) cho biết, một số phương tiện truyền thông đã "bóp méo" ý nghĩa của từ "năng động" nhằm đề xuất Trung Quốc nên nới lỏng các biện pháp phòng chống và kiểm soát và lựa chọn "sống chung với virus".
Người phát ngôn nhấn mạnh, "Zero COVID-19 năng động" không phải là đưa "số ca nhiễm về 0". Mục tiêu chính xác của chính sách này là "theo đuổi chi phí xã hội thấp nhất, khống chế dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, bảo vệ tối đa cuộc sống, sức khỏe của người dân, đảm bảo trật tự sản xuất và sinh hoạt bình thường".
Quan chức này cho biết thêm, kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, Trung Quốc "luôn tuân thủ nguyên tắc đặt tính mạng con người lên trên hết, đặt sự an toàn và sức khỏe của con người lên hàng đầu và quả thực đã phải trả cái giá không nhỏ".
"Bất kỳ biện pháp phòng, chống dịch nào cũng sẽ có những chi phí nhất định nhưng so với việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của con người thì những chi phí đó là xứng đáng", người phát ngôn này cho hay.
Về vấn đề chính sách "Zero COVID-19 năng động" của Trung Quốc có thể mang lại "rủi rõ chuỗi cung ứng" nền kinh tế toàn cầu, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh khẳng định, các biện pháp chống dịch của chính phủ Trung Quốc nhằm "duy trì và đảm bảo trật tự, ổn định của dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu".
Người phát ngôn chỉ ra rằng, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt mức tăng trưởng kinh tế dương vào năm 2020. Năm 2021, GDP của Trung Quốc phá ngưỡng110 nghìn tỷ NDT (gần 400 triệu tỷ đồng), tăng 8,1% so với năm 2020. Mức tăng tương đương với tổng số tiền của nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 12.500 USD (hơn 285 triệu đồng), lần đầu tiên vượt qua mức trung bình của thế giới. Hơn 12 triệu việc làm mới cũng đã được tạo ra và chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc được đặt ở mức khoảng 5,5%. Các nguyên tắc cơ bản để cải thiện kinh tế trong dài hạn sẽ không thay đổi, những dự án duy trì và ổn định dây chuyền sản xuất sẽ được thực hiện để đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới.
Năm 2021, quy mô thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng 6 nghìn tỷ USD, mức cao kỷ lục, và việc sử dụng vốn nước ngoài thực tế sẽ vượt 170 tỷ USD.
Trong hai tháng đầu năm 2022, việc sử dụng vốn nước ngoài thực tế của Trung Quốc đã tăng 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Thực tế đã chứng minh chính sách 'Zero COVID-19 là phù hợp với điều kiện quốc gia và quy luật khoa học của Trung Quốc. Chính sách này là đúng đăn và hiệu quả", người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh khẳng định.