COVID-19 26/3: Các địa phương tăng và giảm mạnh nhất ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua
- Thứ bảy - 26/03/2022 09:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
6 diễn biến
Các địa phương tăng và giảm mạnh nhất ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua
Nguồn: https://tienphong.vn/cac-dia-phuong-tang-va-giam-manh-nhat-ca-mac-covid-19-trong-24-gio...
Sơn La thành lập thêm nhiều trạm y tế lưu động để hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, từ đầu năm đến nay trên địa bàn ghi nhận 123.532 ca mắc COVID-19. Trong đó có 87.754 ca khỏi bệnh, 9 ca tử vong. Hiện toàn tỉnh còn 35.096 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà.
Theo thông báo về điều chỉnh cấp độ dịch của Sở Y tế, hiện toàn tỉnh Sơn La có 168/204 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 (chiếm 82,3%), chủ yếu tập trung ở các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn…
Tại huyện Mai Sơn, từ ngày 1/1 đến ngày 25/3, trên địa bàn có trên 16.000 trường hợp F0; trong đó, đã có gần 70% ca điều trị khỏi bệnh, còn hơn 4.600 trường hợp đang điều trị. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện bố trí khu điều trị F0 quy mô 200 giường sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.
Để tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, huyện Mai Sơn đã thành lập 22 trạm y tế lưu động tại 22 xã, thị trấn.
Cán bộ y tế test nhanh kháng nguyên COVID-19 cho người dân. Ảnh: CDC Sơn La
Tại huyện Bắc Yên, công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng được tích cực triển khai. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có trên 5.100 trường hợp F0; trong đó, có trên 3.400 trường hợp đã khỏi bệnh, hiện còn trên 1.600 trường hợp đang điều trị tại nhà và tại cơ sở y tế.
Tại 2 khu điều trị F0 của Bệnh viện Đa khoa huyện có gần 30 bệnh nhân đang điều trị. Các xã, thị trấn đã thành lập trạm y tế lưu động theo chỉ đạo của UBND huyện để hỗ trợ các trường hợp F0 điều trị tại nhà.
Trong khi đó, huyện Phù Yên hiện nay còn gần 1.800 trường hợp F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Căn cứ vào biểu đồ điều chỉnh cấp độ dịch của địa phương, huyện Phù Yên đã triển khai các biện pháp linh hoạt thích ứng với tình hình dịch bệnh. Từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của người dân trong tình hình mới.
Hiện tỉnh Sơn La còn hơn 35.000 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà.
Đối với chương trình năm học 2021-2022, UBND huyện Phù Yên đã chỉ đạo các trường tăng số tiết học trên lớp, đảm bảo thời gian dự phòng trong năm học. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Phù Yên có trên 1.330 học sinh và 259 giáo viên mắc COVID-19. Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, các trường sẽ triển khai việc dạy học trực tiếp kết hợp với học trực tuyến, giao bài cho học sinh. Xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đầu vào cho học sinh cuối cấp.
Cùng với việc thành lập thêm các tổ tư vấn hỗ trợ về phòng và điều trị COVID-19, Sở Y tế tỉnh Sơn La cũng bổ sung các điểm cấp phát thuốc để cung ứng thuốc cho các Trạm y tế xã, Y tế lưu động cấp phát thuốc tại nhà cho người bệnh có chỉ định. Quy trình cấp phát được thực hiện theo chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát của Bộ Y tế…
Để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh gặp các di chứng sau khi nhiễm COVID-19, từ tháng 3/2022, Sở Y tế Sơn La đã chỉ đạo các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, trung tâm y tế và trạm y tế các xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động tư vấn, khám cho người dân khi có nhu cầu. Hiện, các cơ sở y tế đã thông báo thời gian khám, tư vấn và công bố số điện thoại của các y, bác sĩ. Căn cứ vào đặc điểm lâm sàng của từng người sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp để cải thiện sức khỏe.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/son-la-thanh-lap-them-nhieu-tram-y-te-luu-dong-de-ho-tro-benh...
Lâm Đồng: Tăng cường thanh tra, quản lý về thuốc điều trị Covid-19
Ngày 25/3, Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm – Mỹ phẩm tỉnh; phòng y tế các huyện, thành phố trong tỉnh; các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh tiếp tục thanh tra, kiểm tra, tăng cường quản lý về thuốc điều trị Covid-19.
Sở Y tế Lâm Đồng cũng yêu cầu các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thuốc điều trị Covid-19 có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn Bộ Y tế và nhà sản xuất.
Tuân thủ đầy đủ các quy định về mua, bán thuốc điều trị Covid-19 và bán đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai. Thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt bảo quản, phân phối, bán lẻ thuốc theo đúng quy định của Bộ Y tế và các quy định khác trong kinh doanh dược.
Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm tỉnh tăng cường công tác lấy mẫu kiểm nghiệm và giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo kết quả về Bộ Y tế.
Phòng y tế các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết. Kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị Covid-19 bất hợp lý, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng của Tp.Đà Lạt đã tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình bán kít test nhanh Covid-19 trên địa bàn. Kết quả đã kiểm tra 22 cơ sở, phát hiện vi phạm và xử phạt hành chính 14 cơ sở với số tiền hơn 64 triệu đồng.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/lam-dong-tang-cuong-thanh-tra-quan-ly-ve-thuoc-dieu-tri-covi...
Đắk Lắk yêu cầu tăng cường thanh tra, quản lý thuốc điều trị Covid-19
Chiều 25/3, thông tin từ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 3.442 trường hợp mắc Covid-19.
Trong đó, có 2.968 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng gồm: Tp.Buôn Ma Thuột 906 trường hợp, huyện Krông Năng 256 ca, huyện Ea Súp 241 ca, huyện Krông Pắk 239 ca, huyện Ea Kar 196 ca, huyện Buôn Đôn 160 ca, huyện Ea H’leo 145 ca, huyện Cư Kuin 141 ca, huyện Krông Bông 131 ca, huyện Krông Ana 122 ca, huyện Krông Búk 62 ca, thị xã Buôn Hồ 46 ca, huyện Lắk 34 ca.
Bên cạnh đó, có 472 trường hợp ghi nhận cách ly tại nhà gồm: Huyện M’Đrắk 129 ca, thị xã Buôn Hồ 72 ca, huyện Lắk 71 ca, huyện Cư Mgar 41 ca, huyện Krông Năng 33 ca, huyện Krông Bông 28 ca, huyện Krông Ana 27 ca, huyện Ea Kar 26 ca, huyện Krông Búk 19 ca, huyện Ea H’leo 8 ca, huyện Cư Kuin 7 ca, Tp.Buôn Ma Thuột 5 ca, huyện Krông Pắk 4 ca, huyện Buôn Đôn 2 ca.
Ngoài ra, còn có 2 trường hợp ghi nhận qua sàng lọc gồm: Huyện Lắk 1 ca, thị xã Buôn Hồ 1 ca.
Như vậy, tính đến chiều 25/3, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 124.350 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đang điều trị 70.378 trường hợp, 53.801 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh và 171 trường hợp tử vong.
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 124.350 trường hợp mắc Covid-19.
Trước đó, ngày 24/3, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thuốc điều trị Covid-19.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế về mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19.
Đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dược theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Mặt khác, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong mua, bán thuốc nói chung và thuốc điều trị Covid-19 nói riêng; niêm yết giá và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai; hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, Công an tỉnh, Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19...
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dak-lak-yeu-cau-tang-cuong-thanh-tra-quan-ly-thuoc-dieu-tri-...
Số ca mắc Covid-19 mới ở Khánh Hòa giảm còn 657 ca trong ngày 25/3
Ngày 25/3, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ 17h ngày 24/3 đến 17h ngày 25/3, toàn tỉnh ghi nhận thêm 657 ca nhiễm Covid-19 mới.
Các ca bệnh được ghi nhận tại thành phố Nha Trang 217 ca, thị xã Ninh Hòa 175 ca, huyện Vạn Ninh 56 ca, huyện Diên Khánh 64 ca, thành phố Cam Ranh 35 ca, huyện Khánh Vĩnh 22 ca, huyện Khánh Sơn 46 ca, huyện Cam Lâm 42 ca.
Trong đó, có 241 ca ghi nhận trong cộng đồng, 410 ca cách ly tại nhà, 6 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung.
Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh giảm 73 ca so với ngày 24/3. Số ca nhiễm mới tại thành phố Nha Trang giảm 30 ca, thị xã Ninh Hòa giảm 11 ca, huyện Cam Lâm giảm 37 ca, huyện Vạn Ninh giảm 11 ca, huyện Diên Khánh tăng 2 ca, thành phố Cam Ranh tăng 4 ca, huyện Khánh Vĩnh tăng 6 ca và huyện Khánh Sơn tăng 4 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, tỉnh Khánh Hòa có 113.390 ca nhiễm, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Riêng đợt dịch từ ngày 23/6/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 113.057 ca. Ba huyện, thị xã, thành phố ghi nhận số mắc cao là thành phố Nha Trang với 55.699 ca, tiếp đến là thị xã Ninh Hòa với 16.211 ca, huyện Diên Khánh 12.897 ca.
Trong ngày 25/3, có 1.257 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi, ra viện là 106.738 ca. Tỉnh này có thêm 2 bệnh nhân tử vong liên quan đến Covid-19. Số ca tử vong cộng dồn từ ngày 20/7/2021 đến nay là 346 trường hợp. Số bệnh nhân đang điều trị là 6.306 người. Số bệnh nhân đang điều trị tại nhà là 5.972 người.
Trong 24 giờ qua, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 2.181 lượt người, xét nghiệm RT-PCR cho 180 lượt người.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, tỉnh này đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 6.604.074 lượt người, xét nghiệm RT-PCR cho 1.670.630 lượt người.
Tính đến 23h ngày 11/3, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 2.805.610 liều. Trong đó, mũi 1 là 1.096.381 người, mũi 2 là 1.086.064 người, mũi 3 là 796.946 người.
Trong số này, người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 1 là 977.316 người (tỉ lệ 102,56%); tiêm mũi 2 là 975.259 người (tỉ lệ 102,34%); tiêm mũi 3 là 796.947 người (tỉ lệ 83,63%). Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, tiêm mũi 1 là 119.065 người (tỉ lệ 104,57%); tiêm mũi 2 là 110.820 người (tỉ lệ 97,33%).
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn trong phòng, chống Covid-19”, tính đến chiều ngày 25/3, trong toàn tỉnh có 649 thôn, tổ dân phố bình thường mới - “vùng xanh”; 113 thôn, tổ dân phố nguy cơ -“vùng vàng”; 87 thôn, tổ dân phố vùng nguy cơ cao - “vùng cam” và 119 thôn, tổ dân phố nguy cơ rất cao - “vùng đỏ”.
Về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 195.000 người với tổng kinh phí hơn 389,690 tỷ đồng.
Trong đó, huyện Vạn Ninh 27.255 người, thị xã Ninh Hòa 41.857 người, Tp.Nha Trang 77.029 người, huyện Diên Khánh 16.656 người, huyện Cam Lâm 9.754 người, Tp.Cam Ranh 19.514 người, huyện Khánh Vĩnh 1.118 người, huyện Khánh Sơn 420 người, Công ty Xổ số kiến thiết 1.397 người.
Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu, chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tổ tự quản an toàn trong phòng, chống dịch, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, các hộ ở trọ, gia đình chính sách, già làng, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, lao động tự do, cơ sở bảo trợ xã hội, các mái ấm tôn giáo, các bếp ăn khu cách ly tập trung toàn tỉnh, người nước ngoài khó khăn...
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/so-ca-mac-covid-19-moi-o-khanh-hoa-giam-con-657-ca-trong-nga...
Nhật Bản sẽ tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 thứ tư cho người dân
Theo TTXVN, ngày 24/3, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) quyết định sẽ tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 thứ tư để tăng cường khả năng miễn dịch cho người dân.
Quyết định trên được đưa ra sau khi một hội đồng chuyên gia của MHLW phê chuẩn kế hoạch tiêm mũi vắc-xin thứ tư với lý do hiệu quả phòng dịch của vắc-xin có xu hướng giảm sau một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, thời gian triển khai và đối tượng được tiêm mũi thứ tư cũng như khoảng cách giữa các mũi tiêm thứ ba và thứ tư vẫn chưa được quyết định. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, chính phủ sẽ đưa ra quyết định sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia.
Nhiều khả năng Nhật Bản sẽ sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer Inc. hoặc Moderna Inc. để tiêm mũi thứ tư vì trước đó Chính phủ nước này đã mua thêm 145 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 của các hai hãng này. Ngoài ra, khác với 3 mũi đầu tiên, người tiêm mũi thứ tư có thể sẽ mất phí.
Trước đó, việc Chính phủ Nhật Bản trì hoãn triển khai tiêm vắc-xin tăng cường đã khiến nước này dễ bị tổn thương hơn so với các nước giàu khác khi biến thể Omicron dẫn đến gia tăng số ca tử vong, theo Reuters.
Theo hãng tin này, 30% dân số Nhật Bản là người già từ 65 tuổi trở lên, do đó, nguy cơ lây lan Covid-19 cao hơn nếu không có sự bảo vệ của liều tăng cường. Nhật Bản ngày 15/2 ghi nhận 236 trường hợp tử vong mới - một con số không thể coi nhẹ.
Mặc dù Nhật Bản triển khai chiến dịch tiêm chủng ban đầu tương đối chậm, nhưng đã đẩy mạnh chiến dịch một cách nhanh chóng và đến tháng 11/2021, nước này có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất trong G7.
Nhưng sau đó, Bộ Y tế Nhật Bản vẫn giữ nguyên quy định về thời gian chờ 8 tháng giữa đợt tiêm chủng đầu tiên và đợt tiêm nhắc lại, ngay cả khi các quốc gia khác cắt giảm thời gian chờ và các chính quyền địa phương, bao gồm cả Tokyo, thúc giục việc triển khai nhanh hơn.
Thời gian chờ đợi tối thiểu cuối cùng đã được rút ngắn xuống còn 6 tháng - vẫn lâu hơn 3 tháng của Hàn Quốc và 5 tháng của Singapore. Chỉ 10% dân số Nhật Bản đã tiêm mũi thứ 3, trong khi ở Hàn Quốc và Singapore là hơn 50%.
Hidekiyo Tachiya - thị trưởng Thành phố Soma ở miền Bắc Nhật Bản và là Chủ tịch Hiệp hội quốc gia gồm các nhà lãnh đạo thành phố - tháng 10 năm ngoái đã gặp Thủ tướng Fumio Kishida để kêu gọi sớm khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin tăng cường. Song đến tháng 12/2021, Nhật Bản mới triển khai tiêm cho bác sĩ và nhân viên y tế.
Theo ông Tachiya, nếu thời gian chờ được rút ngắn sớm hơn “đã không có quá nhiều đau khổ và mất mát về người”.
Chương trình tiêm liều tăng cường của Nhật Bản sau đó tăng tốc nhanh chóng, khi làn sóng Omicron có tín hiệu đạt đỉnh.
Các số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, tính tới ngày 23/3, có hơn 102,23 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi, trong đó có gần 100,54 triệu người đã được tiêm mũi thứ 2. Riêng đối với mũi thứ 3, có hơn 46,64 triệu người ở nước này đã được tiêm, chiếm khoảng 37% dân số.
Trong ngày 24/3, Nhật Bản ghi nhận thêm 49.930 ca mắc mới, giảm 3.600 ca so với một tuần trước đó nhưng lại tăng 8.892 ca so với một ngày trước đó. Số ca tử vong vì dịch Covid-19 cũng tăng 4 ca so với một ngày trước đó lên 126 người.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nhat-ban-se-tiem-mui-vac-xin-ngua-covid-19-thu-4-cho-nguoi-d...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-263-cac-dia-phuong-tang-va-giam-manh-nhat...
Dịch COVID-19