COVID-19 19/3: Lao động chăm con F0 có được hưởng bảo hiểm xã hội?
- Thứ bảy - 19/03/2022 09:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
9 diễn biến
Lao động chăm con F0 có được hưởng bảo hiểm xã hội?
Đề xuất coi cấp giấy chứng nhận mắc COVID-19 là dịch vụ công
Trong văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ TT&TT nhận định, hiện nay, số ca nhiễm COVID-19 trên cả nước đang tăng nhanh, đặc biệt là tại Hà Nội với số ca F0 ghi nhận được hàng ngày đã vượt ngưỡng 25.000 ca.
Việc chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh một mặt giúp người lao động được hưởng các chế độ và quyền lợi theo quy định, đồng thời cũng sẽ giúp các cơ quan y tế thực hiện tốt công tác quản lý, thống kê số lượng ca nhiễm một cách chính xác; từ đó phục vụ việc phân tích, dự báo xu hướng dịch bệnh.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT cho biết đã nghiên cứu và chỉ đạo các đơn vị phát triển phần mềm quản lý ca bệnh COVID-19 và đề nghị Bộ Y tế xem xét, đánh giá áp dụng.
Hiện một số địa phương đang xây dựng phần mềm để triển khai chuyển đổi số trong công tác xác nhận F0 và các thủ tục xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà.
Việc thực hiện dịch vụ công cho F0 sẽ giảm tải cho các cơ sở y tế và hạn chế lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Lao động chăm con F0 được hưởng bảo hiểm xã hội
Đại diện cơ quan BHXH Việt Nam cho biết, người lao động có con mắc COVID-19 sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau trong thời gian chăm con nếu con dưới 7 tuổi và là F0 có xác nhận của cơ sở y tế.
Thời gian nghỉ được giải quyết chế độ ốm đau sẽ xác định theo thời gian được ghi trên giấy ra viện của con.
Thời gian nghỉ để chăm con dưới 3 tuổi là tối đa 20 ngày/năm; dưới 7 tuổi tối đa 15 ngày/năm. Người lao động được hưởng 75% tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian này.
Hà Nội ra chỉ đạo mới về dạy học trực tiếp
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có công văn về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong việc tổ chức dạy học trực tiếp các khối lớp từ 7 đến 12 trong tình hình mới.
Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các trường học, cơ sở giáo dục thực hiện tổ chức dạy và học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch, kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh và giáo viên.
Cùng đó, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, kịp thời, chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy học trực tiếp tại trường cho các khối lớp từ 7 đến 12. Đặc biệt, quan tâm đến học sinh khối lớp 9, lớp 12 và báo cáo UBND các quận, huyện, thị xã xem xét, phê duyệt theo quy định.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng giao các phòng GD-ĐT là đầu mối tổng hợp, tham mưu UBND quận, huyện, thị xã trong việc xem xét, phê duyệt phương án dạy học trực tiếp của các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn an toàn, linh hoạt, hiệu quả.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/lao-dong-cham-con-f0-co-duoc-huong-bao-hiem-xa-hoi-1692203191...
F0 ở Hà Nội sắp không phải đến xã, phường lấy giấy xác nhận khỏi bệnh
Chiều nay (18/3), chia sẻ với báo chí, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Việt Hùng đã thông tin về phần mềm quản lý, chăm sóc F0 tại nhà được Sở TT&TT nâng cấp và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào tuần tới.
Phần mềm quản lý, chăm sóc F0 tại nhà là một trong những giải pháp để hỗ trợ người dân, hỗ trợ chính quyền và y tế cơ sở, đã được triển khai từ trước đó. Nay phần mềm phát triển thêm các tính năng như: cho phép trả mẫu kết quả xét nghiệm, giấy nghỉ ốm, đơn thuốc, giấy xác nhận khỏi bệnh.
Theo ông Hùng, trước mắt phần mềm có 4 mẫu giấy ký số được tích hợp: Kết quả xét nghiệm, giấy nghỉ ốm, đơn thuốc, giấy xác nhận khỏi bệnh. Người dân sẽ không phải trực tiếp đến trạm y tế xã phường để lấy các giấy này.
Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng
"Trước tình trạng người dân xếp hàng rất đông ở các trạm y tế xã phường để xin giấy xác nhận F0, lấy kết quả xét nghiệm, đơn thuốc, kết quả khỏi bệnh, Sở TT&TT đã chủ động tham mưu và được Thành ủy, UBND TP ủng hộ, cho phép phối hợp với Sở Y tế, BHXH xây dựng phần mềm trả kết quả qua mạng áp dụng chữ ký số", ông Hùng cho biết thêm.
Đồng thời, phần mềm chăm sóc, quản lý F0 tại nhà trước đó nhiều khi quá tải do lượng người truy cập, vì vậy với phần mềm được Sở TT&TT nghiên cứu, thiết kế nâng cấp khoảng 10.000 người có thể truy cập một lúc.
Ngoài ra, phần mềm mới cũng được xây dựng để tích hợp lưu trữ hồ sơ chữ ký số để sau này phục vụ cho công tác xác thực, thanh toán, đối chiếu với bảo hiểm xã hội, với khả năng lưu trữ hơn 10 triệu hồ sơ.
Sau 10 ngày phối hợp giữa các bên phần mềm cơ bản đã hoàn thành. Đây là nỗ lực rất lớn của Sở TT&TT, Sở Y tế và các đối tác khi trong thời gian ngắn đã giải được bài toán lớn về khả năng lưu trữ và bảo đảm an toàn thông tin.
Do lợi ích của phần mềm này chỉ phát huy khi ở dưới cơ sở phường xã được triển khai hiệu quả, cho nên cuối tuần này, dự kiến Sở TT&TT sẽ tập huấn cho các xã, phường để có thể áp dụng phần mềm từ tuần tới.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/f0-o-ha-noi-sap-khong-phai-den-xa-phuong-lay-giay-xac-nhan-...
Cả nước có 403 xã, phường thuộc vùng đỏ
Theo cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 tại 63 địa phương trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến ngày 18/3, cả nước hiện có 4.337 xã, phường thuộc “vùng xanh”, chiếm 40,9% trong tổng số xã, phường đánh giá; 2.711 xã, phường thuộc “vùng vàng”, chiếm 25,6%; số xã, phường thuộc “vùng cam” là 3.134 chiếm 29,6%; số xã, phường thuộc “vùng đỏ” là 403 chiếm khoảng 3,8%.
Qua thống kê trên cho thấy số xã, phường thuộc cấp độ dịch 1 (tương đương “vùng xanh”) vẫn chiếm nhiều nhất, tuy nhiên so với khoảng 10 ngày trước thì tỷ lệ xã, phường thuộc “vùng xanh” trên cả nước đã tiếp tục giảm (đánh giá ngày 9/3 là 44,4%); số xã, phường thuộc cấp độ dịch 2,3 và 4 (tương đương “vùng vàng”, “vùng cam” và “vùng đỏ”) có tỷ lệ gia tăng...
Tổng cộng 3 vùng này chiếm khoảng 59,1% tổng số xã, phường đánh giá (9 ngày trước tỷ lệ này là khoảng 55,6%). Theo Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 mới vẫn tiếp tục tăng cao tại Việt Nam, 1 tuần qua ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm, trung bình 171.446 ca/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong ở nước ta giảm, trung bình 74 ca tử vong/ngày.
Nguồn: https://cand.com.vn/y-te/ca-nuoc-co-403-xa-phuong-thuoc-vung-do-i647469/
Đắk Lắk ghi nhận thêm 4.468 trường hợp mắc Covid-19
Chiều 18/3, thông tin từ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 4.468 trường hợp mắc Covid-19.
Trong đó, có 3.793 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng gồm: Tp.Buôn Ma Thuột 1.316 ca, huyện Krông Pắk 290 ca, huyện Ea Kar 280 ca, huyện Krông Năng 278 ca, huyện Ea Súp 247 ca, huyện Ea H’leo 246 ca, huyện Buôn Đôn 200 ca, huyện Cư Mgar 186 ca, huyện Krông Bông 170 ca, huyện Cư Kuin 164 ca, huyện Krông Ana 152 ca, huyện M’Đrắk 90 ca, huyện Krông Búk 65 ca, huyện Lắk 60 ca, thị xã Buôn Hồ 49 ca.
Bên cạnh đó, có 665 trường hợp ghi nhận cách ly tại nhà gồm: Huyện M’Đrắk 182 ca, huyện Lắk 77 ca, thị xã Buôn Hồ 72 ca, huyện Krông Ana 66 ca, huyện Cư Mgar 58 ca, huyện Ea H’leo 43 ca, huyện Krông Búk 42 ca, huyện Krông Năng 28 ca, huyện Krông Bông 27 ca, huyện Ea Kar 26 ca, huyện Krông Pắk 19 ca, huyện Cư Kuin 9 ca, Tp.Buôn Ma Thuột 8 ca, huyện Ea Súp 4 ca, huyện Buôn Đôn 4 ca.
Ngoài ra, còn có 10 trường hợp ghi nhận qua sàng lọc gồm: Huyện Lắk 2 ca, huyện Krông Pắk 2 ca, huyện Krông Ana 2 ca, huyện M’Đrắk 2 ca, huyện Krông Búk 1 ca, thị xã Buôn Hồ 1 ca.
Tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 97.378 trường hợp mắc Covid-19.
Ngay sau khi ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 nói trên, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực tổ chức điều tra, truy vết, triển khai cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan có yếu tố tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Sở Y tế cũng đã hướng dẫn trung tâm y tế các huyện thực hiện phun hóa chất khử khuẩn môi trường tại khu vực nhà bệnh nhân và những nơi bệnh nhân có ghé đến. Đồng thời, phản hồi thông tin cho các đơn vị liên quan để giám sát, truy vết các trường hợp tiếp xúc trong quá trình đi lại của bệnh nhân.
Mặt khác, ngành y tế cũng tiến hành theo dõi diễn biến điều trị bệnh nhân Covid-19 thường xuyên, đặc biệt công tác chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân chuyển mức độ bệnh nhằm giảm thấp nhất tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19.
Như vậy, tính đến chiều 18/3, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 97.378 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đang điều trị 55.412 trường hợp, 41.806 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh và 160 trường hợp tử vong.
Hiện, trên toàn tỉnh có 223 trường hợp cách ly tập trung, 19.476 trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dak-lak-ghi-nhan-them-4-468-truong-hop-mac-covid-19-a546832....
Khánh Hòa phát hiện thêm 1.192 ca nhiễm Covid-19, có 462 ca cộng đồng
Ngày 18/3, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ 17h ngày 17/3 đến 17h ngày 18/3, toàn tỉnh ghi nhận thêm 1.192 ca nhiễm Covid-19 mới.
Các ca bệnh được ghi nhận tại Tp.Nha Trang 484 ca, thị xã Ninh Hòa 190 ca, huyện Vạn Ninh 105 ca, huyện Diên Khánh 130 ca, Tp.Cam Ranh 63 ca, huyện Khánh Vĩnh 22 ca, huyện Khánh Sơn 117 ca, huyện Cam Lâm 81 ca.
Trong đó, có 462 ca ghi nhận trong cộng đồng, 665 ca cách ly tại nhà, 65 ca ghi nhận trong khu cách ly y tế tại dân cư.
Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh giảm 190 ca so với ngày 17/3. Số ca nhiễm mới tại Tp.Nha Trang giảm 144 ca, huyện Diên Khánh giảm 37 ca, Tp.Cam Ranh giảm 10 ca, thị xã Ninh Hòa giảm 3 ca, huyện Cam Lâm giảm 29 ca, huyện Khánh Vĩnh giảm 1 ca, huyện Khánh Sơn tăng 12 ca và huyện Vạn Ninh tăng 22 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, tỉnh Khánh Hòa có 107.817 ca nhiễm, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Riêng đợt dịch từ ngày 23/6/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 107.484 ca. 3 huyện, thị xã, thành phố ghi nhận số mắc cao là thành phố Nha Trang 53.616 ca, tiếp đến là thị xã Ninh Hòa với 14.892 ca, huyện Diên Khánh 12.377 ca.
Trong ngày 18/3, có 1.580 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi, ra viện là 96.233 ca. Tỉnh này có thêm 2 bệnh nhân tử vong liên quan đến Covid-19. Số ca tử vong cộng dồn từ ngày 20/7/2021 đến nay là 335 trường hợp. Số bệnh nhân đang điều trị là 11.249 người. Số bệnh nhân đang điều trị tại nhà là 10.792 người.
Trong 24 giờ qua, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 3.994 lượt người, xét nghiệm RT-PCR cho 81 lượt người.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, tỉnh này đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 6.583.970 lượt người, xét nghiệm RT-PCR cho 1.670.072 lượt người.
Tổng số liều vắc-xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 2.805.610 liều. Trong đó, mũi 1 là 1.096.381 người, mũi 2 là 1.086.064 người, mũi 3 là 796.946 người.
Trong số này, người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 1 là 977.316 người (tỉ lệ 102,56%); tiêm mũi 2 là 975.259 người (tỉ lệ 102,34%); tiêm mũi 3 là 796.947 người (tỉ lệ 83,63%). Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, tiêm mũi 1 là 119.065 người (tỉ lệ 104,57%); tiêm mũi 2 là 110.820 người (tỉ lệ 97,33%).
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn trong phòng, chống Covid-19”, tính đến chiều ngày 18/3, trong toàn tỉnh có 649 thôn, tổ dân phố bình thường mới - vùng xanh; 113 thôn, tổ dân phố nguy cơ - vùng vàng; 87 thôn, tổ dân phố vùng nguy cơ cao - vùng cam và 119 thôn, tổ dân phố nguy cơ rất cao - vùng đỏ.
Về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 195.000 người với tổng kinh phí hơn 389,690 tỷ đồng.
Trong đó, huyện Vạn Ninh 27.255 người, thị xã Ninh Hòa 41.857 người, Tp.Nha Trang 77.029 người, huyện Diên Khánh 16.656 người, huyện Cam Lâm 9.754 người, Tp.Cam Ranh 19.514 người, huyện Khánh Vĩnh 1.118 người, huyện Khánh Sơn 420 người, Công ty Xổ số kiến thiết 1.397 người.
Ngoài ra, tỉnh này cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hộ kinh doanh; người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế…
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khanh-hoa-phat-hien-them-1192-ca-nhiem-covid-19-co-462-ca-co...
Bà Rịa-Vũng Tàu thêm 1.000 ca mắc Covid-19, trong đó 181 F0 cộng đồng
Tối 18/3, tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (gọi tắt BCĐ) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong 24h qua trên địa bàn ghi nhận 1.000 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 181 ca phát hiện ngoài cộng đồng.
Theo đó, Tp.Vũng Tàu ghi nhận 252 ca, gồm 249 ca đang cách ly tại nhà và 3 ca ngoài cộng đồng tại phường 5, phường 7.
Tp. Bà Rịa ghi nhận 167 ca, trong đó 156 ca đang cách ly tại nhà và 11 ca ngoài cộng đồng, phát hiện nhiều nhất tại xã Hòa Long, xã Long Phước.
Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 141 ca, trong đó 130 ca đang cách ly tại nhà và 11 ca ngoài cộng đồng, phát hiện hầu hết tại các phường, xã trên địa bàn.
Huyện Châu Đức ghi nhận 152 ca, gồm 130 ca đang cách ly tại nhà và 22 ca ngoài cộng đồng, phát hiện nhiều nhất ở xã Nghĩa Thành.
Huyện Đất Đỏ ghi nhận 138 ca, trong đó 135 ca đang cách ly tại nhà và 3 ca ngoài cộng đồng, phát hiện ở các xã: Long Mỹ, Long Tân, Láng Dài.
Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận thêm 1.000 ca mắc Covid-19 trong 24h qua.
Huyện Long Điền ghi nhận 24 ca, trong đó 3 ca đang cách ly tại nhà và 21 ca ngoài cộng đồng, chủ yếu phát hiện ở xã Phước Tỉnh.
Huyện Xuyên Mộc ghi nhận 106 ca, trong đó 7 ca đang cách ly tại nhà và 99 ngoài cộng đồng, phát hiện nhiều nhất tại xã Hòa Bình, xã Bình Châu.
Huyện Côn Đảo ghi nhận 20 ca, trong đó 9 ca đang cách ly tại nhà và 11 ca ngoài cộng đồng, phát hiện chủ yếu ở Khu 3.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, BCĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chấp hành nghiêm nguyên tắc 5K để giữ an toàn cho chính mình và cộng đồng.
Đồng thời, thực hiện khai báo y tế tại Trạm y tế nơi cư trú hoặc Trạm y tế lưu động khi có bất kỳ một trong các biểu hiện bất thường như ho, sốt, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ba-ria-vung-tau-them-1-000-ca-mac-covid-19-trong-do-181-f0-c...
Bộ Y tế đề nghị tăng cương quản lý việc bán thuốc điều trị COVID-19 trên mạng
Theo VietNamNet, ngày 17/3, bộ Y tế đã có công điện gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thuốc điều trị COVID-19.
Trong công điện, bộ Y tế nhận định diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng nhu cầu mua và sử dụng các loại thuốc điều trị COVID-19, bao gồm các loại thuốc kháng virus như Molnupiravir, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19. Điều này đã dẫn đến nguy cơ đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc, bán thuốc không đúng quy định, rao bán thuốc trên mạng xã hội.
Trước đó, ngày 1/3, bộ đã ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Trong công điện mới, bộ tiếp tục đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định pháp luật và hướng dẫn về mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng thuốc, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh dược.
Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, công văn của bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chức năng như Ban chỉ đạo 389, quản lý thị trường, công an tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng khác tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả trong sản xuất kinh doanh thuốc điều trị COVID-19, các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 tại các điểm kinh doanh không được cấp phép theo quy định hoặc trên các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, các hoạt động mua, bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dược cần tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong việc mua, bán thuốc nói chung và thuốc điều trị COVID-19 nói riêng, niêm yết giá và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai, hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn; thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt thuốc trong kinh doanh dược và các quy định khác trong kinh doanh dược.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm các tổ chức, cá nhân vi phạm và xử nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/bo-y-te-de-nghi-tang-cuong-quan-ly-viec-ban-thuoc-dieu-...
Đề xuất coi cấp chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như 1 dịch vụ công trực tuyến
Số lượng F0 quá đông trong khi lực lượng cán bộ y tế mỏng, khiến nhiều cơ sở y tế xảy ra hiện tượng quá tải, đồng thời gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Điều này khiến một bộ phận người dân sau khi phát hiện nhiễm COVID-19 qua tự xét nghiệm nhanh đã cách ly tại nhà mà không khai báo với chính quyền hoặc cơ quan y tế. Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT cho biết đã nghiên cứu và chỉ đạo các đơn vị phát triển phần mềm quản lý ca bệnh COVID-19 và đề nghị Bộ Y tế xem xét, đánh giá áp dụng.
Thời gian vừa qua, một số địa phương đã chủ động áp dụng phần mềm này và bước đầu đã có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, về quy trình thủ tục chứng nhận F0 cho người dân, Bộ Y tế cần sớm nghiên cứu và đề xuất phương án hiệu quả, đồng thời hướng dẫn địa phương triển khai áp dụng công nghệ để quản lý và tạo thuận tiện cho người nhiễm và khỏi bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đề nghị Bộ Y tế cân nhắc việc coi chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như là một dịch vụ công trực tuyến và thực hiện như cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân.
Nguồn: https://cand.com.vn/y-te/de-xuat-coi-cap-chung-nhan-f0-va-f0-khoi-benh-nhu-1-dich-vu-co...
Cà Mau: Ngày đầu triển khai cho F0 đi làm chưa ghi nhận phức tạp
Chiều 18-3, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay qua một ngày thực hiện cho F0 đi làm chưa ghi nhận phản ảnh phức tạp nào từ người dân và doanh nghiệp.
"Trong vài ngày nữa mới có số liệu F0 đi làm và đánh giá tình hình triển khai thực hiện việc này"- ông Luân nói qua điện thoại.
Chủ tịch thành phố Cà Mau, ông Lê Tuấn Hải cũng cho biết tương tự, rằng do mới triển khai nên số liệu người đang F0 đi làm vẫn chưa thống kê được. Tất nhiên việc này sẽ được thống kê, cập nhật bởi hệ thống y tế xã, phường, có giám sát, theo dõi việc thực hiện an toàn và hiệu quả.
Trong báo cáo ngày về tình hình COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ngày 18-3 cũng chưa thể hiện số F0 đi làm. Về số ca nhiễm trong ngày tại Cà Mau là 3.160 ca, thấp hơn hôm qua gần 600 ca.
Theo báo cáo, các nhân viên y tế ở trạm y tế lưu động đang quá tải công việc. Bình quân mỗi nhân viên đang quản lý hỗ trợ điều trị cho 77 F0 tại nhà. Cá biệt tại huyện Cái Nước tỉnh Cà Mau, hiện mỗi nhân viên y tế phải lo cho 107 F0.
Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, các nhân viên y tế tỉnh Cà Mau trong tình trạng quá tải công việc, rất cần những tình nguyện viên tham gia vào các trạm y tế lưu động.
Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/ca-mau-ngay-dau-trien-khai-cho-f0-di-lam-chua-ghi-nhan-phuc-tap-...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-193-lao-dong-cham-con-f0-co-duoc-huong-ba...
Dịch COVID-19