Bí ẩn rợn người trong lăng mộ Võ Tắc Thiên - nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử TQ
- Thứ ba - 13/10/2020 22:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Võ Tắc Thiên sinh ngày 17/2/624, mất ngày 16/12/705, còn được gọi là Võ hậu hay Thiên hậu, là phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau trở thành hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị, sau đó lên ngôi hoàng đế thành lập nên triều đại Võ Chu. Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế duy nhất được công nhận trong lịch sử Trung Quốc.
Trong 15 năm trị vì đất nước, Võ Tắc Thiên đã làm được rất nhiều việc như mở mang lãnh thổ, tăng cường sự phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự ổn định trong nước... Tuy nhiên thời điểm đó, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" quá lớn khiến Võ Tắc Thiên trở thành cái gai trong mắt nhiều người.
Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 705, tể tướng đương triều là Trương Giản Chi cùng các đại thần phát động binh biến, ép Võ Tắc Thiên thoái vị. Bà bị giam lỏng ở Thượng Dương cung và không lâu sau thì qua đời, hưởng thọ 82 tuổi. Theo di nguyện trước lúc lâm chung, di hài của Võ Tắc Thiên được hợp táng vào Càn lăng cùng Đường Cao Tông. Bia mộ trước khu lăng tẩm này cũng được để trống hoàn toàn (Vô tự bia) với ý nghĩa là để đời sau phán xét. Nơi an nghỉ của Võ Tắc Thiên và chồng tọa lạc trên đỉnh núi Lương Sơn, thuộc huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Càn lăng được xây dựng từ năm 684 và phải mất ròng rã 23 năm mới hoàn thành. Thời điểm xây lăng cũng là lúc đất nước thịnh trị, quốc thái dân an nên quy mô của lăng rất lớn. Càn lăng bao gồm hoàng thành, cung thành và ngoại quách. Đường trục chính của lăng theo hướng Nam - Bắc dài tới 4,9 km. Chu vi cung thành là 19 km, chu vi ngoại thành khoảng 130 km và sân trong của lăng gồm 308 phòng. Quãng đường từ cổng lăng đi vào cửa hầm mộ dài 631 m được lát đá lớn.
Càn lăng có quy mô vô cùng rộng lớn và hoành tráng.
Là nơi an nghỉ của nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử nên Càn lăng cũng ẩn chứa nhiều giai thoại và bí ẩn. Tương truyền lại rằng, lăng mộ của Võ Tắc Thiên là nơi bất khả xâm phạm. Nơi đây đã trải qua ít nhất 17 lần cướp phá nhưng gần như không bị ảnh hưởng gì nhờ những lời nguyền rợn người. Trong số đó, phải kể đến 3 vụ trộm nổi tiếng.
Vụ trộm đầu tiên xảy ra vào cuối thời nhà Đường, khi nghĩa quân Hoàng Sào dấy binh tạo phản. Người ta đã đem khoảng 40 vạn binh lính tới đập phá núi Lương Sơn, thậm chí còn vạt đi nửa quả núi nhưng điều kỳ lạ là dù có cố gắng thế nào, chúng vẫn không tìm được khu mộ của Võ Tắc Thiên, cuối cùng âm mưu đành tan vỡ.
Lần xâm phạm thứ hai xảy ra vào thời Ngũ Đại thập quốc. Tiết độ sứ Diệu Châu khi đó là Ôn Thao, người từng đào trộm 17 ngôi mộ của hoàng gia thời nhà Đường, cho rằng lăng mộ của Võ Tắc Thiên cũng sẽ bị trộm một cách dễ dàng. Ôn Thao hùng dũng đem người tới Càn lăng đào bới nhưng một sự kiện "kinh thiên động địa" đã xuất hiện. Vào ngày đầu tiên khi Ôn Thao tới, bầu trời đang trong xanh bỗng nổi trận lôi đình, gió lốc xảy ra như muốn cuốn phăng mọi thứ. Điều kỳ lạ là chúng cứ bắt tay đào mộ thì trời sẽ nổi giông lốc, dừng tay thì trời lại trong xanh. Không ít đạo tặc đã phải bỏ mạng, sau đó vì quá sợ hãi nên không ai dám bén mảng tới nữa.
Lăng mộ Võ Tắc Thiên được cho là nơi bất khả xâm phạm.
Lần trộm cắp thứ 3 xảy ra vào thời Dân quốc, do tướng quân Tôn Liên Trọng cầm đầu. Lấy danh nghĩa diễn tập quân sự để điều động binh lính cùng vũ khí tới Càn lăng, Tôn Liên Trọng tưởng sẽ dễ dàng xâm nhập vào trong nhưng sự việc cũng xảy ra tương tự như Ôn Thao. Tương truyền rằng trong đám binh lính tham gia đào mộ hôm ấy, có 7 người đã đột nhiên hộc máu chết tại chỗ.
Không rõ là trùng hợp hay có một lời nguyền kỳ bí nào xung quanh lăng mộ của Võ Tắc Thiên nhưng qua những lời đồn đại và truyền tai, không ai dám xâm phạm vào Càn lăng một lần nữa và những bí mật xung quanh đó vẫn không thể có lời giải đáp.
Bên cạnh đó, lăng mộ của Võ Tắc Thiên còn ẩn chứa một bí ẩn khác mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Đó là ở đường vào lăng mộ có 61 bức tượng người, 32 bức tượng ở phía tây và 29 bức tượng ở phía đông. Tuy nhiên, đặc điểm chung của những bức tượng này là đều mất đầu nhưng lý do tại sao lại bị như vậy thì vẫn chưa rõ.
61 bức tượng mất đầu.
Thông qua ghi chép lịch sử và trang phục của những bức tượng, không khó để suy đoán ra danh tính của họ. Đó đều là quan chức của Tây Vực cũng như các hoàng thân, sứ thần của nước láng giềng. Vậy phần đầu của những bức tượng này hiện đang ở đâu, lý do tại sao lại bị mất đầu như vậy?
Có người cho rằng trong cuộc nổi dậy của An Thạch, đạo quân nghĩ rằng những bức tượng đá này là một sự sỉ nhục với họ nên đã phá hủy chúng. Cũng có người tin rằng một dịch bệnh đã xảy ra vào thời nhà Minh, người dân cho rằng chính những bức tượng đã gây ra nên mới phá hủy chúng.
Người ta tin rằng thiên tai tự nhiên đã gây ra điều này.
Mãi sau đó, khi một người nông dân sống trên núi Lương Sơn đang đi cuốc đất mới phát hiện một vật cứng, đào lên thì thấy một đầu người điêu khắc bằng đá, sau đó chính quyền kết luận đây chính là phần đầu trong số 61 bức tượng trong Càn lăng. Các nhà địa chất cho biết vào năm thứ 35 của triều đại nhà Minh (1556) từng có một trận động đất dữ dội, mạnh từ 8-11 độ richter xảy ra tại tỉnh Thiểm Tây. Chính vì thế, Càn lăng cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Do cấu trúc không vững chắc, phần đầu của những bức tượng trên mới vỡ ra và lăn xuống dưới, bị chôn vùi trong đất cát. Cho đến nay, đây được coi là lời giải thích hợp lý nhất về 61 bức tượng không đầu bên ngoài lăng mộ Võ Tắc Thiên.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/bi-an-ron-nguoi-trong-lang-mo-vo-tac-thien-nu-hoang-d...