Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Bánh bao vuông độc, lạ hơn 30 năm không có biển hiệu vẫn nườm nượp khách, vài tiếng hết veo

Bánh bao vuông độc, lạ hơn 30 năm không có biển hiệu vẫn nườm nượp khách, vài tiếng hết veo
Khác hoàn toàn những chiếc bánh bao có hình tròn, bánh bao ở Quán Thánh có hình vuông và đặc biệt không bao giờ có trứng chim cút.

Video quán bánh bao hơn 30 năm không có biển hiệu vẫn tấp nập khách.

Quà sáng ở Hà Nội vô cùng phong phú, đa dạng và rất nổi tiếng, có thể là những hàng xôi dẻo thơm, bánh mì kẹp ú ụ bên trong, phở bò thơm lừng,… hay chỉ đơn giản là một hàng bánh bao nho nhỏ.

Những hàng quà sáng này mặc dù chỉ bán vài tiếng buổi sáng nhưng lúc nào khách cũng đến đông nườm nượp. Đặc biệt ở Quán Thánh, có một hàng quà sáng chỉ bán 2 món bánh bao và sữa đậu nành, lúc nào cũng phục vụ không kịp nghỉ tay trong 5 tiếng buổi sáng.

Quán bánh bao của cô Oanh nườm nượp khách ghé qua buổi sáng. 

Bánh bao vuông độc lạ, ngày nào khách cũng đến nườm nượp

Bánh bao Quán Thánh nằm ở ngay đoạn giao phố Quán Thánh với Đặng Dung. Sáng nào cũng vậy, cứ từ 6h-8h sáng, khách đến đây tấp nập đông kín khiến ai đi qua cũng phải chú ý.  Được biết, đây là địa điểm ăn sáng lý tưởng cho người dân Quán Thánh nói riêng và người dân Hà Thành nói chung.

Phải nói, khác với những khu vực hàng quán ở phố cổ chật hẹp, quán bánh bao này có diện tích khá rộng, tuy không gian bên trong để khách ngồi chỉ khoảng hơn chục m2 bày đủ 5-6 bàn nhưng không gian làm hàng lại khá rộng gồm 2 nhà nối liền. Chính vì vậy, quán tận dụng được vỉa hè triệt để vừa để thực khách ngồi khi quán đông vừa có chỗ để xe rộng rãi cho mọi người.

Quán không có biển hiệu, trước cửa chỉ là tấm biển nhỏ ghi bánh bao và sữa đậu nành rất khó để mọi người nhìn thấy nên với những ai muốn tìm đến đây thưởng thức chỉ cần lưu ý 2 “đặc điểm nhận dạng”: quán đông nhất con phố và quầy hàng bày vô cùng đơn giản, không hề có gì.

Được biết, quầy hàng bày trước quán chỉ là 2 thùng nước sữa đậu nành, vài hộp đựng thìa và cốc. Khách đến đây chỉ cần "order", chủ quán sẽ làm sữa đậu nành nóng hoặc lạnh, ngọt nhạt tùy theo sở thích và gọi nhân viên bên trong chuẩn bị những phần bánh bao cho khách.

Ở đây, thực đơn có 4 món bao gồm: bánh bao chay, bánh bao nhân, sữa đậu nành nóng và sữa đậu nành lạnh. Trong đó, bánh bao chay thường hết từ sớm còn bánh bao nhân luôn luôn có đầy đủ để đáp ứng nhu cầu.

Vì bánh bao được làm từ sớm chỉ việc hấp lên nên dù quán đông nhưng mọi người không phải chờ đợi lâu, chỉ chưa đầy 2 phút, chiếc bánh bao nóng hổi, thơm phức và cốc sữa đậu nành hương vị đặc biệt sẽ được đến tay.

Mọi thứ được chuẩn bị từ sớm, dù khách đông vẫn phục vụ nhanh chóng.  

Bánh bao ở đây đặc biệt lắm, nó không giống những chiếc bánh bao hình tròn được bày bán khắp các con ngõ Hà Nội mà có hình vuông, khá to vô cùng lạ mắt. Khi xé ra, miếng bánh bốc hơi thơm nức với lớp vỏ có phần xôm xốp, dai dai. Tuy nhiên, khi thưởng thức mọi người sẽ cảm nhận được sự mềm, mượt trong từng miếng bánh mà không hề bị nghẹn.

Chiếc bánh hình vuông lạ mắt. 

Khác với mọi nơi, nhân bánh chỉ có thịt, mộc nhĩ, miến nêm nếm gia vị đậm đà, thơm mùi tiêu mà không hề có trứng chim cút. Chính vì vậy, những khách thích ăn trứng trong bánh bao sẽ hơi hụt hẫng chút nhưng bù lại sẽ được thưởng thức nhân thịt đặc, chất lượng.

Sữa đậu nành ở đây cũng cực thơm không kém. Khi thưởng thức đọng trong khoang miệng là vị ngọt thơm, là hương còn hơi nồng nhưng rất ngon và đặc biệt.

"Combo thần thánh" bánh bao, sữa đậu nành. 

Mọi người đến đây thường gọi "combo thần thánh" bánh bao và sữa đậu nành ấm nóng để tận hưởng được sự tròn vị, mãn nguyện cho một buổi sáng sớm.

Tuy nhiên, điểm trừ của quán là nhân bánh bao hơi ít và giá hơi nhỉnh hơn so với thị trường 15 nghìn/chiếc. Dẫu vậy, được thưởng thức đồ ăn ngon, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn và hương vị bánh bao truyền thống hiếm có, mọi người hoàn toàn có thể bỏ qua tất cả.  

Bí quyết nhà nghề trong chiếc bánh bao hơn 30 năm tuổi

Chia sẻ về món bánh bao của gia đình mình, cô Trần Thị Kim Oanh (57 tuổi, chủ quán) cho biết, quán bán gia đình cô đã có được 32 năm nay ở phố cổ. Bố mẹ cô là người đầu tiên làm nghề và để lại cho các con tiếp quản.

Nhờ cứ phụ bố mẹ làm mọi việc nên dần dần cô biết nghề, yêu nghề và gắn bó với nghề đến nay để mưu sinh cuộc sống gia đình.

Cô Kim Oanh chủ quán. 

Vì là quán gia truyền, mọi chiếc bánh đều được tự làm bằng tay với nguyên liệu tươi ngon đảm bảo nên suốt 30 năm qua, thực khách vẫn luôn tìm đến quán gia đình cô tấp nập mỗi buổi sáng sớm. Ngày nào, cô và mọi người trong nhà cũng phải dậy từ 4h để làm bánh kịp phục vụ. Mặc dù làm nhiều là vậy nhưng nhiều khi khách đông quá, gia đình cô phục vụ cũng chẳng xuể. Đôi khi khách đến hỏi, cô cũng buồn và áy náy phải báo hết bánh.

2 món đặc trưng của quán. 

Chia sẻ về chiếc bánh bao đặc biệt hình vuông và lớp vỏ bánh xù xì, xôm xốp không được đẹp mịn như mọi quán, cô Oanh cho biết, vì gia đình làm thủ công, nặn bằng tay nên chiếc bánh có lẽ không được đẹp như làm công nghiệp bằng máy nhưng cô chắc chắn rằng khi thưởng thức mọi người sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh, nhân thịt không quá nát lại thơm mùi tiêu muốn ăn mãi. Đó là điều mà suốt bao năm qua gia đình cô luôn nhận được những lời khen của mọi người từ vỏ đến nhân mà không phải hình thức của chiếc bánh.

“Nhà tôi làm cổ truyền, của bố mẹ để lại, mọi thứ cứ làm truyền thống nặn bằng tay hết từ bột mì đường gia giảm các thứ, nhân có miến, mộc, nhĩ thịt và không bao giờ có trứng bán được hơn 30 năm rồi. Còn sữa đậu nành để làm ngon phải chọn đỗ ngon, đỗ luôn để mộc nên mọi người sẽ cảm nhận được hương vị tự nhiên nhất, hoàn toàn khác mọi nơi”, cô Oanh cho biết.

Cô Oanh tâm sự, khách đến với gia đình cô chủ yếu là khách quen, gắn bó lâu năm nên mỗi khách đến cô đều nhớ mặt và biết họ thích ăn gì. Tuy khách đông nhưng gia đình cô không làm đại trà, vẫn duy trì nếp làm truyền thống để giữ nguyên hương vị bánh bao xưa.

Cô muốn mang đến chiếc bánh ngon, chất lượng đảm bảo nhất đến với mọi người, thực hiện đúng những điều bố mẹ truyền nghề lại và cô muốn chiếc bánh ấy sẽ là một phần lưu giữ tuổi thơ, kỷ niệm Hà Nội cho mọi người.

Được con dâu truyền nghề, bà cụ lưng còng 18 năm bán nem chua rán, ai đến cũng nhớ mặt
18 năm, khách nào đến ăn bà Thanh cũng nhớ hết mặt và nhớ hết từng người gọi đồ một. Tuy nhiên nhiều lúc, mọi người vẫn trêu vui bảo bà lẩm cẩm người...
Bấm xem >>
Theo Hồng Nhung (Khám phá)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây