10 nữ đại gia quyền lực nhất châu Á năm 2020, ai cũng tài giỏi, được nhiều người ngưỡng mộ
- Thứ năm - 24/12/2020 04:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm 2020 là một năm nhiều khó khăn và biến động do toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19. Tuy nhiên, rất nhiều người đã vượt qua những thách thức đó và chứng tỏ được bản thân trong thời điểm khó khăn này. Mới đây, tạp chí Forbes đã công bố danh sách những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2020, đến từ rất nhiều ngành nghề khác nhau, từ công nghệ sinh học, công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục đến bán lẻ, vận chuyển hàng hóa hay luật.
1. Melanie Perkins, 33 tuổi
Melanie Perkins là một nữ doanh nhân người Úc, hiện là Tổng giám đốc điều hành và người đồng sáng lập của Canva. Cùng với Cameron Adams và Cliff Obrecht (chồng chưa cưới của Melanie), cả 3 đã sáng lập nên Canva từ năm 2013, khi còn là sinh viên tại Đại học Tây Úc. Công ty phần mềm thiết kế đồ họa này đã huy động được hơn 300 triệu USD kể từ đó và vào tháng 6/2020, nó được định giá 6 tỷ USD.
Canva khởi đầu là một trang web miễn phí cung cấp các công cụ thiết kế, cho phép các nhà thiết kế nghiệp dư tạo ra đồ họa chuyên nghiệp, từ những áp phích đơn giản cho đến ảnh quảng cáo của công ty. Sau đó, Canva đã mở rộng hạng mục, cung cấp các dịch vụ trả phí cho chuyên gia và doanh nghiệp, giúp tăng lãi từ giữa năm 2017 và trở thành đối thủ cạnh tranh với "đàn anh" Adobe. Hiện tại, Canva đã cập nhật hơn 100 ngôn ngữ. Công ty này hiện có hơn 700 nhân viên và hơn 30 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại 190 quốc gia. Với cương vị là Giám đốc điều hành, Melanie đã chèo lái vững vàng Canva vượt qua cơn khủng hoảng năm 2020.
2. Zhao Yan, 54 tuổi
Bà Zhao Yan hiện là Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của Bloomage BioTechnology - công ty sinh học tại Trung Quốc. Sau khi mua lại Bloomage BioTechnology vào năm 2011, bà Zhao Yan đã biến nó trở thành nhà sản xuất axit hyaluronic lớn nhất thế giới - được sử dụng trong dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung - với hơn 1/3 thị phần toàn cầu.
Sau khi hủy niêm yết tại Hồng Kông, bà Zhao Yan đã niêm yết công ty của mình tại Hội đồng Đổi mới Khoa học Công nghệ của Thượng Hải vào năm 2019. Kể từ đó, cổ phiếu công ty đã tăng gần 2/3 so với trước, đưa bà Zhao Yan trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, với khối tài sản ròng vào khoảng 6,4 tỷ USD. Vào năm 2019, lợi nhuận ròng của Bloomage BioTechnology tăng 38% lên 586 triệu nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, bà Zhao Yan còn là chủ tịch của Bloomage International Investments Group chuyên về đầu tư bất động sản, tài chính và thể thao. Ít ai biết rằng trước đây, bà Zhao Yan từng là một giáo viên, sau đó đi bán tủ lạnh và điều hành một xưởng may quần áo.
3. Lily Kong, 55 tuổi
Bà Lily Kong hiện là hiệu trưởng thứ 5 của trường Đại học Quản lý Singapore (SMU) và là nữ hiệu trưởng đầu tiên lãnh đạo một trong những trường đại học hàng đầu của quốc gia này.
Trước đây, bà Lily Kong là một giáo sư địa lý. Năm 2011, bà đã giúp thành lập Trường Cao đẳng Yale-NUS - sự kết hợp giữa Đại học Yale và Đại học Quốc gia Singapore. Kể từ tháng 1/2019, bà lãnh đạo trường Đại học Quản lý Singapore và liên tục đem lại cho ngôi trường này những lợi ích tuyệt vời cho sinh viên. Tháng 2/2020, Đại học Quản lý Singapore đã khai trương một tòa nhà mới rộng 700 m2 nhằm tạo ra không gian thúc đẩy sự đổi mới và tinh thần kinh doanh giữa sinh viên, cựu sinh viên với doanh nghiệp địa phương.
4. Roshni Nadar Malhotra, 38 tuổi
Giữa tháng 7/2020, Roshni Nadar Malhotra đã đảm nhận vị trí chủ tịch của HCL Technologies từ người bố tỷ phú Shiv Nadar, người vừa bước sang tuổi 75. Roshni là con gái duy nhất của ông Shiv Nadar. Trước đó, bà là giám đốc điều hành của công ty Noida, Ấn Độ trong 12 năm, trong đó có 2 năm cuối ở chức vụ phó chủ tịch. Roshni đã từng ủng hộ HCL Technologies mua lại 1,8 tỷ USD từ Tập đoàn IBM với danh mục các sản phẩm của công ty. Năm 2019, việc mua bán kết thúc thành công, trở thành thương vụ lớn nhất trong lịch sử 29 năm của công ty.
Sau khi Roshni thừa kế công ty, bố bà là tỷ phú Shiv Nadar vẫn sẽ tiếp tục hoạt động với tư cách giám đốc điều hành và giám đốc chiến lược để cố vấn và giúp đỡ con gái mình.
5. Caroline Russell
Bà Caroline Russell hiện đang là Chủ tịch điều hành và Giám đốc điều hành công ty BOH Plantations. Bà là thế hệ thứ ba lãnh đạo công ty sản xuất chè lớn nhất Malaysia theo sản lượng.
Công ty này được thành lập vào năm 1929 bởi ông nội của bà Caroline, trong đó BOH là từ viết tắt của “best of highlands”, muốn nói đến các vùng cao nguyên trồng chè của Malaysia. Tuy là doanh nghiệp do gia đình thành lập nhưng BOH sở hữu tới 4 đồn điền trải rộng trên 1.200 ha, sản xuất hàng năm khoảng 4,5 triệu kg chè - khoảng 70% sản lượng chè của Malaysia.
Bà Caroline gia nhập bộ phận tiếp thị của BOH vào năm 1988 sau khi có bằng thương mại hạng ưu từ Đại học Edinburgh (Scotland). Năm 2003, sau khi đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành, bà đã mở rộng phạm vi bán hàng ra quốc tế, tập trung vào tăng trưởng bền vững, bao gồm các sản phẩm phân hủy sinh học, bao bì có thể tái chế và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ về môi trường. Năm 2019, sau khi bố nghỉ hưu, bà Carolien tiếp tục được bổ nhiệm làm Chủ tịch điều hành.
6. Preeyanart Soontornwata, 63 tuổi
Bà Preeyanart là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn đa quốc gia B.Grimm Power. Trong 2 thập kỷ qua, bà Preeyanart đã phát triển đơn vị điện lực B.Grimm Power thành công ty trị giá 3,7 tỷ USD, vận hành 47 nhà máy điện ở Thái Lan, Lào và Việt Nam, cùng 5 nhà máy khác đang phát triển.
Dưới sự điều hành của bà Preeyanart, B.Grimm Power gần như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với lợi nhuận ròng tăng 60% trong quý 2 do sự gia tăng năng lực sản xuất và khách hàng công nghiệp.
Bà Preeyanart bắt đầu làm việc tại B.Grimm từ 28 năm trước với vị trí giám đốc tài chính, sau đó được bổ nhiệm để lãnh đạo B.Grimm Power khi nó được thành lập vào năm 1996.
7. Aya Komaki, 61 tuổi
Sự nghiệp của bà Aya Komaki là một chặng đường rất dài. Sau khi gia nhập công ty Sanrio (nổi tiếng với nhân vật Hello Kitty) từ Đại học Tokyo danh tiếng, bà đã nghỉ việc vào năm 1984 để chăm nom cho gia đình. Tới năm 2003, sau khi mất một đứa con và ly hôn, bà Aya đã quay trở lại công ty. Bà từng phải chiến đấu với căn bệnh ung thư vú và phải cắt bỏ tử cung.
Năm 2015, bà Aya đã trở thành giám đốc hội đồng quản trị tại công ty con của Sanrio là Sanrio Entertainment, một năm sau thì được giao phụ trách công viên giải trí Puroland. Sau này, bà còn tự mình thành lập một công viên giải trí nữa mang tên Harmonyland. Ngay cả khi ảnh hưởng của đại dịch khiến công viên phải đóng cửa trong 5 tuần, bà Aya vẫn đưa doanh thu trên mỗi khách hàng cao hơn trong năm tài chính gần nhất.
8. Samantha Du, 56 tuổi
Samantha Du là cái tên không thể không kể đến trong thị trường dược phẩm Trung Quốc, điều đặc biệt là thành công của bà không đến từ dịch bệnh. Nữ doanh nhân này là người sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty dược phẩm Zai Lab, có trụ sở tại Thượng Hải với số vốn hóa thị trường 6 tỷ USD, tăng gấp 3 kể từ khi định giá IPO trên sàn chứng khoán Nasdaq vào năm 2017.
Bà Samantha thành lập Zai Lab vào năm 2014 và nhanh chóng có bước nhảy vọt so với các đối thủ cạnh tranh cách áp dụng mô hình cấp phép, thường là độc quyền, để bán thuốc của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.
9. Divya Gokulnath, 34 tuổi
Bà Divya là người đồng sáng lập ứng dụng học tập Byju’s - một công ty dạy kèm trực tuyến và công nghệ giáo dục của Ấn Độ, được thành lập từ năm 2011. Bà Divya và chồng là Byju Raveendran đã nhận thấy sự cần thiết của một ứng dụng để giáo dục học sinh trung học cách đây gần một thập kỷ trong khi dạy kèm cho các ứng viên trường kinh doanh đang gặp khó khăn với môn toán và khoa học.
Công ty Byju’s hiện đang có 64 triệu người dùng đang hoạt động trên 1.700 thành phố ở Ấn Độ và nước ngoài. Byju’s đã huy động được 1,6 tỷ USD tài trợ đầu tư cho đến nay và được định giá 10 tỷ USD.
10. Yang Yoon-sun, 56 tuổi
Bà Yang Yoon-sun là người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty y tế Medipost. Năm 2000, khi đang là bác sĩ tại một bệnh viện nổi tiếng ở Seoul, Hàn Quốc, bà Yang đã nhận ra tiềm năng của máu cuống rốn. Nó chứa các tế bào gốc hữu ích trong việc điều trị bệnh tật và chấn thương. Từ đó, bà Yang đã nghỉ việc để thành lập Medipost chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu, trị liệu và lưu trữ máu cuống rốn.
Năm 2005, Medipost đã huy động được 16,5 tỷ won (14 triệu USD) trong một đợt IPO trên sàn giao dịch Kosdaq của Hàn Quốc. Hiện tại, công ty này được định giá khoảng 470 tỷ won với doanh thu năm 2019 vào khoảng 46 tỷ won. Theo dữ liệu của chính phủ, Medipost hiện điều hành ngân hàng máu cuống rốn lớn nhất Hàn Quốc, lưu trữ 43% lượng máu cuống rốn của cả nước. Công ty này cũng đang nghiên cứu phương pháp điều trị sụn khớp bị tổn thương.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/10-nu-dai-gia-quyen-luc-nhat-chau-a-nam-2020-ai-cung-...