Vợ chồng Tân Nhàn- Tuấn Anh thăng hoa trong đêm “Sao mai ngày trở về”
- Thứ tư - 31/08/2016 20:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chương trình diễn ra cuối tuần vừa qua tại Phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam quy tụ những giảng viên, cựu sinh viên, sinh viên của khoa - là những nghệ sĩ đã trưởng thành từ cuộc thi Sao mai (tên gọi ban đầu là Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc) như ca sĩ Nguyên Vũ, Phương Nga – Sao mai 2001; Hoàng Tùng – Sao mai 2003; Tuấn Anh, Tân Nhàn - Sao mai 2005; Lê Anh Dũng, Thu Hà, Phúc Tiệp – Sao mai 2007; Trần Hồng Nhung, Ngọc Ký - Sao mai 2009; Đào Tố Loan, Lương Nguyệt Anh, Bích Hồng, Đoàn Thúy Trang, Nguyễn Trần Trung Quân - Sao mai 2011; Huyền Trang, Đinh Trang - Sao mai 2013, Thu Hằng, Ái Linh - Sao mai 2015. Điều thú vị là trong số các nghệ sĩ tham gia chương trình có 3 cặp vợ chồng: ca sĩ Nguyên Vũ – Phương Nga; ca sĩ Tuấn Anh – Tân Nhàn; ca sĩ Lê Anh Dũng – MC Lê Trinh.
Đêm nhạc còn có sự tham gia của ca sĩ Anh Thơ, nghệ sĩ thành danh từ Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc 1999 (tiền thân của giải Sao mai) - một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc dân gian thính phòng và dòng nhạc đỏ; dàn nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội và các nghệ sĩ múa. Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trung Kiên, đệm piano: NSND Phạm Ngọc Khôi. MC: Lê Anh – Lê Trinh.
Chương trình được chia thành 3 phần: phần I là những ca khúc thính phòng hùng tráng, bất hủ đi cùng năm tháng: “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc” (Tân Huyền), “Cánh chim báo tin vui” (sáng tác Đàm Thanh), “Tình ca” (Phạm Duy) với phần thể hiện xuất sắc của các ca sĩ Tuấn Anh, Đinh Trang, Trần Hồng Nhung, Đinh Trang, Ái Linh, Phương Nga, Phúc Tiệp.
Ca khúc “Belle” (nhạc: Richard Cocciante, lời: Luc Plamondon) kết thúc phần I nằm trong vở nhạc kịch tiêu biểu nhất của mọi thời đại: “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris”. Ca khúc được mệnh danh là bản tình Pháp hay nhất nửa cuối thế kỷ XX với sự kết hợp hoàn hảo của 3 giọng ca nam đặc sắc: Nguyên Vũ – Lê Anh Dũng – Phúc Tiệp và phần múa minh họa của biên đạo múa Hải Hà đã làm cho khán giả như chìm đắm trong câu chuyện tình yêu của cá nhân vật trong ca khúc.
Phần II là những ca khúc dân ca ngọt ngào, sâu lắng được các ca sĩ Tân Nhàn, Tuấn Anh, Đào Nguyên Vũ, Lương Nguyệt Anh, Ngọc Ký, Thu Hằng, Hoàng Tùng, Thu Hà, Huyền Trang thể hiện tinh tế, mượt mà: “Quê mẹ” (Trần Mạnh Hùng), “Tình ta biển bạc đồng xanh” (Hoàng Sông Hương), “Mẹ tôi” (Trần Tiến), “Nghe em hát còn duyên” (Nguyễn Tiến) “Gặp nhau giữa rừng mơ” (Bảo Chung) “Áo lụa Hà Đông” (Ngô Thụy Miên), “Đợi” (Huy Thục), “Xúc cảm non thiêng” (Tuấn Phương), “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” (Vũ Thiết, phỏng thơ Hữu Thỉnh), “Chiếc khăn Piêu” (Doãn Nho), “Mơ quê” (Nguyễn Tài Tuệ), “Tiếng Việt” (Nguyễn Lê Tâm, thơ: Lưu Quang Vũ)…
“Tôi và nhiều đồng nghiệp cảm thấy may mắn và tự hào khi được học tập tại cái nôi Học viện Âm nhạc Quốc gia. Chính cái nôi này đã trang bị cho mỗi sinh viên yếu tố kỹ thuật thanh nhạc đỉnh cao nhất để có được sự tự tin tham gia các cuộc thi âm nhạc”, ca sĩ Tân Nhàn chia sẻ tại chương trình.
Cặp vợ chồng nghệ sĩ bén duyên từ cuộc thi Sao mai cũng có màn song ca đầy tình tứ ở phần III của chương trình. Tân Nhàn- Tuấn Anh đều từng đoạt giải cao tại cuộc thi Sao mai. Đây là phần dành riêng cho những bản tình ca nhạc nhẹ hiện đại như “Tình yêu mùa nắng” (Phạm Thanh Hà) do Đoàn Thúy Trang thể hiện; “Gió mùa về” (Lê Minh Sơn) do Nguyễn Trần Trung Quân thể hiện.
Sự trở lại của ca sĩ Lê Anh Dũng, giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia trong phần kết với ca khúc “Dương cầm thu không em” cũng được cổ vũ nhiệt liệt. Ngoài hát dòng nhạc thính phòng, bán cổ điển ra, Lê Anh Dũng cũng thể hiện rất tốt các ca khúc nhạc nhẹ, trữ tình, thậm chí cả Bolero. Tại đêm nhạc này, Lê Anh Dũng đã thể hiện ca khúc trữ tình “Kỳ diệu” của Anh Bằng và được khán giả đón nhận nhiệt tình bởi giọng hát rất “tình”. Khép lại đêm nghệ thuật đa sắc màu là ca khúc “O sole mio” do tất cả các nghệ sĩ tham gia thể hiện.
Nguyễn Hằng