Hit Vpop từ đầu năm 2016 đến nay đều nhàn nhạt
- Thứ năm - 06/10/2016 16:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhìn lại năm 2015, Vpop có những bản hit của Tiên Tiên với chất pop trẻ trung đầy cá tính; một Ăn gì đây với thể loại hip hop với tính văn hóa khá cao; một Ngày mai/Vũ điệu cồng chiêng sôi động màu sắc EDM.
Hay cuối năm ngoái, bài hát Thật bất ngờ gai góc về mặt chủ đề và âm nhạc nhưng trở thành một hiện tượng thực sự. Tuy vậy từ đầu năm 2016, chúng ta chưa thấy có những bài hit tạo nên được những dấu ấn đặc biệt như vậy.
Những bài hit “buồn”
Vpop 2016 không thiếu hit. Tuy vậy, những bài hát nổi tiếng dường như chỉ tập trung vào dòng nhạc pop/ballad với những câu chuyện xoay quanh chủ đề "cơm bữa": tình yêu, chia tay, đau khổ.
Đầu năm khán giả phát cuồng với bản ballad Sau tất cả của Erik. Gần đây, khán giả đổ xô nghe Tháng tư là lời nói dối của em (Hà Anh Tuấn). Hai bản hit nhẹ nhàng, và có tính "giải trí" cao.
Nam ca sĩ trẻ Erik thuộc nhóm nhạc Monstar. |
Ở giữa khoảng đó, những bản ballad buồn vương, buồn rớt như Anh cứ đi đi (Hari Won), Gửi người yêu cũ (Hồ Ngọc Hà), Gửi anh xa nhớ (Bích Phương) thu hút khán giả lắng nghe. Bên cạnh đó, nữ ca/nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý cũng gây "bão" với sáng tác mà cô tự nhận là sến, bài hát Ta hứa sẽ nhận ra dịp cuối hè.
Hiện tượng kể trên phần nào cho thấy dòng nhạc EDM (nhạc điện tử) bắt đầu thoái trào tại Vpop. Nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn tiếp tục làm nhạc điện tử nhưng không còn giữ được sự áp đảo như năm 2015. Có rất nhiều ca khúc nhạc điện tử ra đời nhưng lại khá ít bài hát gây ấn tượng.
Một bản hit “lệch tông”phải kể đến chính là Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng M-TP. Đây gần như là bản EDM duy nhất thành công và tạo nên tiếng vang trong năm 2016 của Vpop, dù dòng nhạc này vẫn đang rất thịnh hành.
Tuy vây, ca khúc của Sơn Tùng M-TP vẫn tiếp tục đặt dấu hỏi về “nghi án đạo nhạc”, tạo nên nhiều cuộc khẩu chiến trên mạng Internet. Xét ở khía cạnh này, Chúng ta không thuộc về nhau dù sôi động, bắt tai nhưng nói chung là “buồn” - khiến người nghe nhạc đặt dấu hỏi về thái độ và ý thức làm nghề của nam ca/nhạc sĩ trẻ gốc Thái Bình.
Sơn Tùng M-TP gây tranh cãi với hit Chúng ta không thuộc về nhau. |
Nhiều nghệ sĩ chính thống (mainstream) vẫn có những sáng tác hay, và hấp dẫn khán giả. Sau Vợ người ta, Phan Mạnh Quỳnh ra mắt ca khúc hợp tác với nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong - Tri kỷ khá hấp dẫn. Một Mew Amazing tiếp tục thể nghiệm với Cơn mưa hiếu kỳ khá lạ lẫm. Nhạc sĩ trẻ Châu Đăng Khoavới single Lẻ loi cũng không thể chê là tệ.
Bên cạnh đó, các tân binh của Vpop - những nhóm nhạc như Monstar, Uni5, LipB - tạo nên được những ca khúc gây tiếng vang. Nếu như nhóm nhạc 3 thành viên Monstar gây hứng thú với #BabyBaby thì “gà” của Đông Nhi gồm Uni5 và LipB lần lượt gây “sốt” với C’Mon, Số nhọ…
Khán giả đang nghe gì?
Tuy nhiên, năm 2016 còn chứng kiến một dòng chảy âm nhạc khác, ít nổi hơn nhưng không ít người nghe. Đây hầu hết là những cái tên mới, được gắn mác là indie (độc lập) hoặc underground (ngầm). Một trong những đại diện bước ra ánh sáng và gây sức hút đối với khán giả cũng như giới chuyên môn chính là Ngọt, một ban nhạc indie rock đến từ Hà Nội.
Ban nhạc indie rock Ngọt gây sốt cộng đồng nghe nhạc. |
Ngọt gồm 4 thành viên tuổi đời 9X, tự sáng tác, tự chơi nhạc và tự hát. Họ có một cộng đồng fan vừa đủ cho những “cuộc vui” trình diễn âm nhạc. Tuy chưa gây hiệu ứng mạnh như những nghệ sĩ chính thống, nhưng Ngọt đã bước nào tiệm cận với khán giả qua các “hit” như Cho tôi đi theo, Không làm gì… Album đầu tay của họ bán hết 1.000 bản trong chỉ vài ngày và phải tái bản ngay sau đó.
Giới chuyên môn cũng dành cho Ngọt sự đánh giá tốt. Thậm chí mới đây, nhạc sĩ Dương Thụ tổ chức một buổi giao lưu với nhóm tại không gian văn hóa riêng của ông như một sự ghi nhận của ông với Ngọt.
Sau hit Đưa nhau đi trốn (hợp tác cùng Linh Cáo), Đen tiếp tục ra mắt các ca khúc cá tính trong EP KoBuKoVu. |
Ngoài Ngọt, chúng ta còn có thể một vài cái tên “hot” trong cộng đồng indie/underground như JGKID, Đen, Linh Cáo, Mazuz, Uyên Pím, Xanh, Cá Hồi Hoang, Vũ, Trịnh Trung Kiên, Kaang, Cam, Đa Sắc… Đối với khán giả phổ thông, đây có thể là những cái tên mới, thậm chí lạ lẫm. Tuy nhiên, âm nhạc của họ có không ít khán giả thưởng thức và yêu thích.
Hầu hết những cái tên kể trên đều có khả năng sáng tác và hát hay. Âm nhạc của họ cũng đa dạng thể loại từ pop, ballad, rock, R&B… Bên cạnh đó, các đề tài và chủ đề sáng tác cũng khá phong phú và hấp dẫn.
Đĩa nhạc KoBuKoVu của Đen, hay những bài hát như Bài ca tuổi trẻ (JGKID), Mai (Mazuz), Mân côi (Linh Cáo), Nhẹ (Uyên Pím), Thế kỷ 21 buồn (Trịnh Trung Kiên), Đông kiếm em (Vũ)…đều tạo được không gian nghe nhạc cho khán giả.
Vợi sự hỗ trợ hiệu quả của kênh tiếp cận là internet, những nghệ sĩ hoạt động ngầm đang dần tìm cho mình được không gian âm nhạc cùng cộng đồng khán giả của riêng mình. Các sản phẩm âm nhạc không hoặc chưa chạy theo công thức, quảng bá rậm rộ nhưng là chất nhạc lạ và cá tính, hấp dẫn công chúng.
So với những bài hát ồn ào kể ở trên của những nghệ sĩ mainstream, những ca khúc được nhắc đến của các nghệ sĩ underground cũng có thể xem như những bản hit của một bộ phận không nhỏ khán giả trẻ.