Cái lẽ của người Mường
Ngôi nhà sàn gỗ cũ của hộ ông N. nằm ém sâu trong ngõ đồi. Ông là một trong 9 người nhiễm HIV trong xã Kim Thượng được cấp thuốc điều trị ARV miễn phí của Nhà nước từ lâu.
Ông N. dáng vẻ khỏe mạnh bình thường, tự tay pha trà mời nhà báo, kể rằng ba năm trước ông còn đi làm thuê xách hồ xây dưới Hà Nội, mấy năm nay yếu hơn thì về nhà và không làm ăn gì nữa, gạo và tiền tiêu vặt do các con chu cấp.
Phóng viên Tiền Phong đã chạm vào những thực tế giật mình ở vùng ổ bệnh.
Ông H. là một trong 9 người nhiễm HIV trong xã Kim Thượng được cấp thuốc điều trị ARV miễn phí của Nhà nước từ lâu.
Theo lời ông N, hồi tháng tư năm ngoái, ông thấy bị ho nhiều nên đến nhà “bác sỹ Thảo” khám, được anh Thảo chẩn đoán bị ho cho uống, tiêm thuốc ho.
Ba tháng liền điều trị ba đợt tốn gần 1 triệu đồng mà không khỏi, ông tìm đến khám tại bệnh viện Lao thị xã Phú Thọ rồi được tư vấn về tỉnh khám tiếp. Từ đây ông được thông báo đã nhiễm HIV. Sau khi dùng ARV ông thấy mạnh khỏe hơn, những cơn ho lui dần
Thế nhưng ông N. cũng cho rằng căn nguyên mình mắc bệnh này có liên quan “bác sỹ Thảo” và dĩ nhiêm ông cũng một mực nói với nhà báo rằng không có “quan hệ lăng nhăng, cũng chả nghiện ngập ma túy".
Hàng ngày ông vẫn đi chơi uống trà bên hàng xóm, hàng xóm cũng sang nhà ông như bình thường, ông đi ăn cỗ xóm, và ông còn đi thăm bạn cũ bộ đội ngày xưa, uống rượu vài quai thấy ổn. Các cháu ngoại (ông có 5 con gái) đến chơi vẫn sà vào lòng ông.
“Tôi vẫn bế chúng nó, đấy, tay có xước xát gì đâu mà lo” - ông xòe hai tay ra “trình”, và còn muốn mời nhà báo ở lại uống rượu vì thấy trời mát đang rậm rạp đổ mưa.
Nét mặt lo lắng của một phụ nữ xã Kim Thượng khi đưa con đi khám trong "cơn bão HIV".
“Không phải ai cũng biết ông N. nhiễm HIV, và cả 8 người còn lại trong xã cũng vậy, đến Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, bác sỹ Trạm trưởng y tế xã cũng không biết – cái này là bảo mật thông tin” – cùng nhà báo đến thăm một số nhà có “H”, chị Đỗ Thị Liên cán bộ chuyên trách HIV/AIDS của xã Kim Thượng nói.
Nghe chị Liên thổ lộ, chúng tôi không khỏi bàng hoàng bởi hóa ra mấy năm qua đã có 5 người chuyển giai đoạn AIDS và tử vong, có lẽ dân làng cũng chỉ nghĩ đó là bệnh tật thông thường. Và hóa ra cái nét sinh hoạt trong văn hóa sống của cộng đồng người Mường rất thân gần, đoàn kết và dễ tính đến xuề xòa cũng là một thách thức với chị Liên mỗi khi đi thăm hỏi, động viên và tư vấn hàng tháng đối với cả 9 người.
Trong văn hóa sống của cộng đồng người Mường rất thân gần, đoàn kết và dễ tính đến xuề xòa, trong khi địa phương đã có mầm bệnh từ lâu.
Họ không muốn tự trói mình vào một lối sống và phải sinh hoạt khác biệt. Hẳn là y tá Hà Trần Thảo đã có lý khi kể câu chuyện cái tăm mà người lớn dùng xong bất cẩn để vương đâu đó khi trẻ con tò mò cầm lấy xỉa tiếp vào răng chúng, hay tay chân người lớn nhiễm HIV xước máu lúc làm vườn vẫn sẵn sàng chìa ra bắt tay người khác – có nguồn căn lan nhiễm???
Dân số gần 6.700 người ở thung lũng Kim Thượng với hầu hết là người Mường, dù có cánh đồng giời ban dâng cho loại gạo ngon nhất vùng, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (25%).
Nhiều năm xã không có hộ sinh con thứ 3, tất cả trẻ em đều được đến lớp, phụ nữ và trẻ em đều được tiêm chủng đầy đủ, cái tập tục cúng bái của người Dao (chiếm 13% dân số - sống quần cư đan xen với người Mường, người Kinh) đã được loại bỏ, không có ai phá rừng, lấn chiếm đất. Ngày đầu xuân bản Mường mở hội đâm đuống, trai gái đi làm ăn xa đều về quê hết thảy vui cả tuần, chưa thấy có trộm cắp, đánh nhau bao giờ…
HIV ở Kim Thượng đã có từ nhiều năm trước
Đồng chí Trưởng Công an xã Hà Đình Sơn thẳng thắn trả lời Tiền Phong, trong xã cũng có điều tiếng cô này cô kia đi làm nhà hàng ở tận Sầm Sơn, Đồ Sơn, Hà Nội, Việt Trì, thậm chí làm “gái” là có thật.
Xã Kim Thượng - thung lũng không bình yên vì HIV.
Nhưng trước nay trên địa bàn xã chưa từng có nghiện ma túy và mại dâm, công an huyện cũng chưa từng phải thụ lý vụ án nào như thế ở đây, song ông Sơn xác nhận việc quản danh, nắm bắt thanh niên tạm vắng là điều khó khăn vì nhu cầu họ đi xa tìm việc làm. Ông nói thêm ở đây giáp ranh Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), có những con nghiện bên ấy và vùng lân cận vẫn đến giao du ở đây.
Chủ tịch xã Phùng Quý Mão cho biết hàng trăm thanh niên trẻ Kim Thượng đi làm ăn xa, chủ yếu làm lao động thuê như phụ xây, phục vụ nhà hàng…, và làm gì nữa cũng chưa rõ. Hiện xã chỉ có 31 người đăng ký vắng mặt địa phương.
“ Không phải xã nắm bắt, quản lý người lỏng lẻo, mà họ cứ thoắt một cái lúc đi lúc về nên rất khó” – chủ tịch xã nói. Xã bản Mường ngày xuân mở hội đâm đuống, thanh niên về rất đông, rồi lại đi, cũng giống như nhiều vùng quê khác.
Câu chuyện HIV dường như đang đi ngược cái phán xét của dư luận đâu đó về dân trí miền sơn cước này, nên cả xã sốc nặng khi nghe tin xã có 42 người dương tính HIV, nay nhà nọ nhà kia ùn ùn bảo nhau về Việt Trì, đi Hà Nội khám HIV.
Có người lên xã hỏi thẳng lãnh đạo là vừa rồi xét nghiệm nhanh gần 500 người thì đã ra hàng chục người có HIV, vậy cả xã có 6.700 người đi xét nghiệm hết sẽ còn ra bao nhiêu người có bệnh nữa. Nhưng theo bác sỹ Hà Minh Tý - Trạm phó y tế xã, từ năm 2012 xã bắt đầu có trường hợp nhiễm HIV và những năm gần đây thì tăng lên gần chục người như cán bộ chuyên trách nói ở trên.
“Có thể nhận định mầm bệnh HIV ở địa phương đã tồn tại nhiều năm nay, và đây cũng là lý do ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã triển khai nghiên cứu, làm xét nghiệm HIV với bà con Kim Thượng”, bác sỹ Tý nói.
Không ma túy, không mại dâm, nhưng tỷ lệ nhiễm HIV ở Kim Thượng là rất nghiêm trọng, cao gấp 2,5 lần so với mức trung bình toàn quốc. Trong kết quả xét nghiệm, người nhiễm HIV ở Kim Thượng chiếm phần lớn là phụ nữ (26/42), trong khi tính chung cả nước thì tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV chiếm 1/3 tổng số ca.
Điều đặc biệt, khiến dư luận hoàng mang là trong số bệnh nhân dương tính HIV ở xã có cháu bé 18 tháng tuổi, lại có cụ 80 tuổi cũng mắc bệnh.
Tìm hiểu của Tiền Phong, trường hợp bé gái P.T.Q 18 tháng tuổi nhiễm HIV dù mẹ bé không hề nhiễm, được một số chuyên gia y tế tạm nhận định có thể đã “dính” qua đường máu. Cạnh nhà cháu bé này có hai vợ chồng vừa phát hiện dương tính với HIV, bị bệnh vảy nến nhưng trước đó không biết mình nhiễm. Theo lời điều dưỡng viên Đỗ Thị Liên, xã đã có 9 người điều trị thuốc ARV và 5 người chết vì AIDS thể hiện đây đã có sẵn ổ dịch tiềm tàng, sự bùng phát HIV trên địa bàn có thể có bệnh nhân có dịch mà không biết, và khi đã không biết tức nhận thức về HIV rất “hồn nhiên”, thì cơ hội cho bệnh lây lan rất mạnh...
Hàng nghìn người dân Kim Thượng hoang mang trong cơn bão HIV. Ảnh bà mẹ trẻ dẫn con đi làm xét nghiệm.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết: Việc lây nhiễm HIV có rất nhiều con đường khác nhau như: tiêm chích, tình dục không an toàn, lây qua đường máu...
Hiện các chuyên gia chưa đủ cơ sở để kết luận nguồn lây nhiễm ở Kim Thượng. Cục phòng chống HIV/AIDS tiếp tục phối hợp với Sở Y tế Phú Thọ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tìm hiểu tình hình chung, nắm thông tin các ca nhiễm HIV để tìm hiểu khách quan dịch tễ nhiễm HIV của bệnh nhân.
Sau đó sẽ đi sâu, khảo sát từng trường hợp cụ thể để kết luận nguyên nhân mắc bệnh. Người dân và dư luận không nên quy chụp nguyên nhân lây nhiễm HIV từ việc nghi ngờ dùng chung kim tiêm ở nhà y tá Thảo.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn