Cách đây 6 năm (1/11/2012), tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội), hai nữ hộ sinh đã trao nhầm con giữa gia đình anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, xã Tây Đằng, huyện Ba Vì) và gia đình chị Vũ Thị Hương (SN 1983, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì).
Hiện tại, hai bên gia đình đã xét nghiệm ADN và xác định được cháu Phùng Thanh H. (anh Phùng Giang Sơn đang nuôi) cùng huyết thống với chị Vũ Thị Hương. Còn cháu Đoàn Nhật M. (chị Hương đang nuôi) cùng huyết thống với 2 vợ chồng anh Sơn.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, gia đình anh Sơn rất nóng lòng đón con về nhà, để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, nhất là khi năm học mới sắp tới. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tâm lý, việc giao – nhận con không thể thực hiện nóng vội, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ.
Việc giao trẻ quá đường đột sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam (trường Đại học Giáo dục, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện tại cần có một quá trình tư vấn tâm lý cho hai bé trai trong câu chuyện này, trước khi việc trao đổi được diễn ra.
Theo đó, những nhà tâm lý sẽ cần tiếp cận với các bên để hiểu quan điểm và lường được những nguy cơ có thể gây tổn thương cho trẻ. Từ đó tìm ra các giải pháp tối ưu được thống nhất và đồng thuận của các bên trước khi tiến hành.
PGS Trần Thành Nam cho rằng, mấu chốt trong sự việc là quan điểm của 2 bên gia đình, bởi đứa trẻ không có lỗi và không nên bị đổ lỗi hay kéo vào sự việc này.
“Nếu các bố mẹ thay đổi cách nhìn và cởi mở chấp nhận sự việc, hai bé sẽ nhận thấy năng lượng tích cực và cũng dễ dàng chấp nhận sự thật này hơn. Con có hành vi chống đối, bị tổn thương tâm lý hay không tất cả phụ thuộc vào thái độ và hành vi ứng xử của người lớn”, PGS Nam cảnh báo.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho hay, việc trao trả con là cần thiết, nhưng phải đảm bảo tâm lý cho các cháu.
“Hai cháu đang sống ở một gia đình bình thường, giờ phải sang nhà khác, môi trường khác sẽ khiến các cháu rất nặng nề. Bên cạnh đó, tình cảm của người thân trong gia đình, đang quen bỗng nhiên bị thay đổi. Đó có thể là một phần lý do khiến chị Hương chưa sẵn sàng trao-nhận con”, PGS Trịnh Hòa Bình nói.
PGS Trịnh Hòa Bình cho rằng, 2 đứa trẻ giờ mới 6 tuổi, tâm hồn như tờ giấy trắng, từ trước đến nay chỉ biết nghe theo lời bố mẹ hiện giờ đang nuôi. Vì thế, nếu trao – nhận một cách quá đột ngột và nói các cháu không phải là con đẻ của bố mẹ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý 2 cháu.
“Các cháu sẽ tưởng rằng bố mẹ hiện giờ đang ghét mình, không yêu thương, từ đó dẫn đến trẻ bị tự kỷ, xa lánh, tuyệt vọng bởi các cháu chưa nhận thức được mọi sự logic của vấn đề”, PGS Trịnh Hòa Bình cảnh báo.
Theo PGS Trịnh Hòa Bình, trước mắt hai gia đình cần phải gặp gỡ nhau nhiều để trao đổi bàn bạc kỹ hơn. Tạo điều kiện để hai cháu dần tiếp xúc với môi trường gia đình kia để tâm lý các cháu không bị khủng hoảng. Hai gia đình phải bám sát, sinh hoạt cùng hai cháu bé dần dần, không nên quá vội, quá nhanh tạo áp lực quá khủng khiếp cho hai cháu bé.
Được biết, để các con làm quen với môi trường và những người thân mới trong gia đình, tới đây chị Vũ Thị Hương sẽ nghỉ công việc đang làm ở Hà Nội để chuyển về Ba Vì sinh sống.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn