Xót xa lời kể nhân chứng vụ 4 người tử vong trong đám cháy do đốt vàng mã
Liên quan đến vụ đốt vàng mã gây cháy nhà khiến 4 người tử vong, chiều 4/2, Công an quận Đống Đa, TP.Hà Nội vẫn đang phong toả hiện trường, khắc phục hậu quả sau vụ hoả hoạn.
Thông tin ban đầu, 4 nạn nhân tử vong do mắc kẹt trong căn nhà và ngạt khói. Hiện trường xảy ra vụ hỏa hoạn là nhà cấp 4 nằm trong ngách 123/24 phố Khương Thượng, quận Đống Đa, con ngõ này dài khoảng 50 mét thông với ngõ 71 phố Tam Khương.
Ngôi nhà nơi xảy ra sự việc.
Lực lượng chức năng đã phong tỏa ngõ 71 Tam Khương để thực hiện khám nghiệm hiện trường. Người dân trong khu vực đều tỏ ra bàng hoàng trước vụ cháy gây hậu quả thương tâm.
Người dân có mặt tại phố Tam Khương vẫn chưa hết xôn xao về sự việc.
Theo một người bảo vệ làm việc gần hiện trường, khoảng hơn 11h30 trưa cùng ngày, khi người này ra về ngang qua phòng trọ thì trông thấy các nạn nhân đang ngồi ăn cơm. Ngoài phòng trọ có 3 chiếc xe máy, trong phòng có 5 người đang ăn cơm.
Khi vụ cháy xảy ra, người dân không thể vào giúp vì cửa sắt bên ngoài đã khoá, lửa đã bốc lên dữ dội, bao trùm toàn bộ căn nhà.
Một nam nhân viên cắt tóc đối diện ngõ 71 phố Tam Khương cho biết, khoảng hơn 13h, người dân gần hiện trường phát hiện căn nhà cấp 4 xảy ra cháy, một số người dân dùng nước, bình cứu hỏa chữa cháy nhưng không dập được lửa.
"Do lửa cháy bén vào các xe máy ở trong nhà, kèm theo khói bốc nghi ngút nên mọi người không dập được lửa. Một lúc sau lực lượng cứu hỏa tới mới dập được lửa. Tuy nhiên, không cứu được 4 người bên trong", nam nhân viên cắt tóc kể lại.
Chị Ngọc Dung (Hà Nội) cho biết, thời điểm xảy ra hỏa hoạn, chị đang làm tóc thì thấy xôn xao ngoài phố mọi người tập trung trước con ngõ xảy ra hỏa hoạn, một số người cố gắng dập lửa cứu người bên trong nhưng không được. Một lúc sau cứu hỏa tới dập lửa và đưa thi thể các nạn nhân ra ngoài, lúc này một người bạn với các nạn nhân đi uống trà đá về thấy vậy liền gào khóc lao về nhà nhưng lực lượng công an can ngăn và đưa đi.
Trước đó, Thượng tá Trần Đình Nghĩa, Chánh văn phòng Công an TP Hà Nội cho biết, theo điều tra sơ bộ ban đầu, ngôi nhà nơi xảy ra vụ cháy được 4 nạn nhân mượn để ở từ ngày 30/1. Sáng 4/2, những người này rủ thêm một người đến để tham gia ăn uống trong ngày ông Công ông Táo. Sau đó, nhóm người này tổ chức hóa vàng. Sau khi hóa vàng, một người đi ra ngoài và khóa cổng lại. Những người còn lại ngủ trong nhà và tử vong.
Theo ông Nghĩa, trong 4 nạn nhân tử vong có 3 sinh viên đại học Thuỷ lợi, 1 người chạy xe ôm.
(Theo Dân Việt)
Thực hư văn bản cho học sinh Huế nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19
Ngày 3-2, trên mạng xã hội lưu truyền văn bản cho học sinh ở tỉnh Thừa Thiên - Huế nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, văn bản này do ông Nguyễn Dung, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nghỉ hưu ký, đóng dấu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Văn bản giả mạo lan truyền sai sự thật
Văn bản ký ban hành ngày 2-2-2021 gửi Sở Y tế, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc cho học sinh nghỉ học phòng chống dịch viêm đường hô hấp chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra. Theo đó, giao Sở GD- ĐT tỉnh cho học sinh nghỉ học từ ngày 4-2-2021 đến hết ngày 9-2-2021 để phòng chống dịch.
Văn bản ông Nguyễn Dung ký cho học sinh nghỉ để phòng chống dịch cách đây một năm bị "chế" lại
Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định đây là văn bản hoàn toàn giả mạo, người ký đã nghỉ hưu. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang vào cuộc xác minh, xử lý về việc văn bản giả mạo lan truyền trên mạng.
Vào tháng 4-2020, Thủ tướng đã có quyết định phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Dung, để nghỉ hưu theo chế độ.
Trước khi nghỉ hưu, vào ngày 3-2-2020, ông Dung cũng ký một văn bản cho học sinh nghỉ học từ ngày 4-2-2020 đến ngày 9-2-2020 để phòng chống dịch Covid-19. Văn bản giả mạo đang lan truyền chỉ khác với văn bản ông Dung ký ban hành về ngày và năm ký, còn lại nội dung đều giống nhau.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định sở này vừa ban hành công văn gửi các phòng GD-ĐT, các trường học, đơn vị trực thuộc thông báo kế hoạch nghỉ Tết Tân Sửu 2021, thực hiện phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn dịp Tết. Theo đó, kế hoạch địa phương này sẽ cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 8-2 đến hết ngày 16-2, tức từ 27 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng).
Giá vàng trong nước hôm nay 4/2
Sau hai phiên điều chỉnh giảm, giá vàng trong nước đã chững lại. Giá vàng SJC vẫn được niêm yết dưới mốc 57 triệu đồng. Cụ thể, trước giờ mở cửa phiên giao dịch sáng nay 4/2, giá vàng SJC tại thị trường TP HCM được niêm yết 56,35-56,85 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cùng thời điểm phiên trước.
Cùng lúc, giá vàng Doji được niêm yết 56,30-56,80 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng chiều mua vào, chiều bán ra giữ nguyên.
Trong khi đó, giá vàng 24k Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu 54,43-54,98 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 20 nghìn đồng hai chiều.
Trên hệ thống Phú Quý, giá vàng miếng SJC được niêm yết 56,40-56,80 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng chiều bán ra. Giá vàng 9999 NPQ giảm thêm 100 nghìn đồng hai chiều còn 54,10-54,80 triệu đồng/lượng…
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/tin-tuc-24h-xot-xa-loi-ke-nhan-chung-vu-4-nguoi-chet-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn