Ngày 4/6, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Phó GĐ Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM cho biết trong số 16 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 được phát hiện trong ngày 1/6 thì hiện chỉ còn 5 trường hợp điều trị cách ly tại khoa Nội soi.
Về cơ bản, sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định và hết sốt. Theo dự kiến, họ có thể xuất viện trong ngày hôm nay.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, bệnh viện đang triển khai khử khuẩn toàn bộ khu vực nguồn bệnh xuất phát (lầu 5, khu Nội soi) và khử trùng các phòng khoa còn lại. Thời gian khử khuẩn ít nhất 2 tuần vì mầm bệnh được ủ trong vòng 10-15 ngày.
Biển báo hạn chế vào thăm bệnh được đặt trước khoa Nội soi Bệnh viện Từ Dũ
Trưa cùng ngày, đoàn Thanh tra Sở y tế TP.HCM và trung tâm Y dế dự phòng đã có chuyến kiểm tra công tác khử khuẩn, kiểm soát dịch bệnh tại khoa Nội soi của Bệnh viện Từ Dũ.
Trước đó, Bệnh viện Từ Dũ đã phối hợp với Bệnh viện Nhiệt đới và Trung tâm y tế Dự phòng thành phố xử lý vụ việc. Theo đó 16/18 bệnh nhân tại khoa Nội soi lên cơn sốt, dương tính với cúm A/H1N1 và 8 nhân viên y tế có cùng triệu chứng.
Vì cúm A/H1N1 không buộc phải cách ly hoàn toàn khỏi và có thể theo dõi tại nhà nên các bác sĩ thống nhất cho toàn bộ khoa Nội soi (hơn 80 người, bao gồm bệnh nhân) xuất viện. Những bệnh nhân nhiễm cúm và trong nhóm nguy cơ hầu hết là bệnh nhân phụ khoa, không có ai mang thai.
Đoàn Thanh tra Sở y tế TP.HCM và trung tâm Y dế dự phòng đã có chuyến kiểm tra công tác khử khuẩn...
BS. Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết đây là loại cúm mùa, không quá nguy hiểm, đa phần bệnh nhân hết sốt trong 24 giờ, không có triệu chứng nặng. Tuy nhiên nó có đặc điểm: bộc phát, lây lan nhanh.
Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã nắm được thông tin có 37 trường hợp bệnh nhân vào khu vực lầu 5 trong ngày 1/6 nhưng đã về nhà. Trong đó có 2 trường hợp là bệnh nhân ở Sài Gòn, trung tâm đã tìm đến nhà nhưng bệnh nhân không cư trú tại địa chỉ ghi trong hồ sơ bệnh án nên bác sĩ sẽ phối hợp với công an địa phương tìm địa chỉ tạm trú. Các trường hợp còn lại ở tỉnh được báo cáo lên Viện Pasteur để phối hợp với y tế địa phương xử lý.
Theo giám sát và phòng chống dịch cúm A/H1N1 của Bộ trưởng Bộ Y tế, để đề phòng bệnh dịch cúm, mỗi cá nhân cần: - Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. - Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải hoặc khăn giấy, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay. - Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính hoặc giảm tối đa thời gian tiếp xúc; giữ khoảng cách ít nhất 1m; đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần. - Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. - Thường xuyên súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng. - Tăng cường thông khí trong phòng bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa; - Nếu thấy có biểu hiện của hội chứng cúm, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời. -Tiêm phòng vắc xin là biện pháp quan trọng để phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn