Tại bệnh viện chuyên khoa phụ sản có muôn vàn câu chuyện khi đi đẻ. Đối với thai phụ, khi chuyển dạ sinh con phải chịu những cơn đau thì luôn muốn làm sao sinh con vừa nhanh, vừa an toàn. Thế nhưng ngoài cánh cửa phòng chờ sinh lại có nhiều người nhà đang trông ngóng, mỗi người một ý khiến đôi khi lại tạo áp lực cho chính thai phụ, không dám đưa ra quyết định của mình.
Bác sĩ Tạ Việt Cường - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Dưới đây là câu chuyện bác sĩ Tạ Việt Cường - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội- trực tiếp chứng kiến và đứng ra giải thích cho cả thai phụ và người nhà tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sau 2 tiếng, một bé trai nặng 3,1 kg đã chào đời khỏe mạnh.
Nội dung câu chuyện chia sẻ của bác sĩ Tạ Việt Cường:
Hôm qua mình có nhận được lời nhờ vả của một bạn bệnh nhân cũ nhờ giúp cho một người thân của bạn đó đang ở trong viện chờ đẻ. 23h đêm mình vào viện để khám và tiên lượng xem tình hình tiến triển của cuộc chuyển dạ.
Bệnh viện phụ sản lúc 23h thật sự khác xa không khí ngoài đường, nhộn nhịp, vui vẻ, hăng say,nhiều bệnh nhân chuẩn bị đẻ, đang đẻ, đang theo dõi. Mình tìm N.A. - sản phụ nhờ mình đỡ đẻ, điều đầu tiên nhận thấy là sự lo lắng và mệt mỏi trên nét mặt.
N.A. vào viện vì ối ít, gây chuyển dạ từ đầu ngày, hiện tại cổ tử cung cũng đã mở được 3 cm, khá dày và cứng, cơn gò thì không nhiều, nhưng cường độ đau bạn ấy cảm nhận được thì cũng khá mạnh. N.A. nhăn nhó khá thường xuyên mỗi khi có cơn gò.
Sau khi thăm khám mình mới trao đổi về tình hình tiến triển của cuộc chuyển dạ, tình hình tiên lượng cuộc chuyển dạ sẽ diễn biến theo hai hướng:
- Thứ nhất: Vì hiện tại chưa có yếu tố nguy cơ nào nguy hiểm cho mẹ và cho em bé. Tim thai dao động tốt, nước ối trong, tình trạng sức khỏe của mẹ có mệt mỏi nhưng mạch và huyết áp ổn định; có thể tiếp tục theo dõi chuyển dạ đẻ tự nhiên; đủ điều kiện thì đẻ thường, nếu có các dấu hiệu nguy hiểm thì mổ.
- Thứ hai: Có thể lựa chọn đẻ mổ, nếu cảm thấy mệt không đủ sức tiếp tục chờ theo dõi cuộc chuyển dạ, và cuộc chuyển dạ có thể kéo dài đến 5-7 tiếng tiếp theo.
N.A. suy nghĩ và trao đổi mong muốn: “Em hiện tại đã cảm thấy rất mệt, sợ không đủ sức để rặn đẻ, không đủ sức để theo dõi đến 5 tiếng tiếp theo, và sợ vừa phải đau đẻ, vừa phải đau mổ; em cũng muốn được mổ đẻ nhưng, em sợ chồng và mẹ chồng không cho”.
Một câu thổ lộ mình nghe rất quen thuộc vì nhiều chị em chuẩn bị làm mẹ vẫn nói với mình câu này. Bản thân cảm thấy khá là dị ứng với điều này, tại sao việc quyết định mổ trên cơ thể mình, mổ để đưa em bé ra đời lại phải phân vân lo lắng là vì chồng em, mẹ chồng em không đồng ý.
Việc lựa chọn phương pháp sinh con là quyền của thai phụ.
Nếu bản thân bạn không dám quyết định những việc trên chính cơ thể mình để người khác quyết định hộ mình thì liệu có đủ bản lãnh để nuôi dạy một em bé thành một người có bản lãnh không. Mình chỉ nhỏ nhẹ nói với N.A.: “Việc quyết định mổ hay không mổ là quyền của em, em có cái quyền đó với cơ thể em và em bé trong bụng em.
Anh sẽ không mổ khi em không đồng ý mổ và sẽ không mổ khi chồng em, mẹ chồng em bắt em phải đi mổ, em còn phân vân thì có thể ra gặp và trao đổi với gia đình. Anh sẽ giải thích đầy đủ cho mọi người về các thông tin y khoa, tình trạng sức khỏe của em và em bé, các diễn biến có thể xảy ra của cuộc chuyển dạ, và việc quyết định mổ hay không mổ là quyền của em. Không phải em không biết, trăm sự nhờ bác sĩ”.
Sau đó thì bạn N.A. quyết định em muốn đi mổ và nhờ bác sĩ ra gặp và thông báo cho chồng và mẹ chồng em. Mình mời người nhà N.A. vào phòng hành chính khoa để giải thích thông báo về tình hình sức khỏe của hai mẹ con.
Khi mình thông báo N.A. mong muốn được đi mổ, chồng N.A thì gật gù thông cảm, mẹ N.A. thì như hiểu: “Nó mệt quá rồi, nó yếu”. Mẹ chồng thì có vẻ không hài lòng kiểu: “Cô ấy đã muốn mổ từ trước đấy rồi” ( giọng có vẻ bất mãn) và thôi trăn sự nhờ bác sĩ.
Mình giải thích rằng: “Hiện tại việc quyết định, tiếp tục theo dõi đẻ thường hay đi mổ là quyết định của N.A.. Cô ấy sắp là mẹ, cô ấy có đủ quyền quyết định xem thật sự mình mong muốn điều gì, bác sĩ chỉ giúp được khi cô ấy đồng ý và lựa chọn phương án thấy phù hợp với mình.
Tôi không thể bắt cô ấy đi mổ, cũng như mọi người ở đây không thể bắt cô ấy phải theo dõi đẻ thường, chỉ có cô ấy mới là người đưa ra quyết định đúng nhất và tốt nhất cho bản thân và em bé trong bụng.
Vì thế nên trách nhiệm của tôi là thông báo cho gia đình là bạn N.A. mong muốn được đi mổ, và mọi người cần phải tôn trọng quyết định đó”.
Bác sĩ Cường cho biết sau ca mổ đẻ, sản phụ và em bé hoàn toàn khỏe mạnh, được đưa về phòng chăm sóc sau sinh. Điều quan trọng nhất là sản phụ có được tâm lý thoải mái, khuôn mặt tươi vui và ôm con vào lòng trong niềm hạnh phúc.
Sau bài chia sẻ của bác sĩ Cường, rất nhiều ý kiến đã được đưa ra và đều cho rằng, việc quyết định mổ đẻ hay sinh thường là do thai phụ, chứ kể cả chồng cũng không có quyền.
Ngay sau khi câu chuyện của bác sĩ Tạ Việt Cường được chia sẻ lên mạng xã hội, có nhiều ý kiến được đã được đưa ra. Đa số đều đồng tình với quan điểm khi đi đẻ thai phụ là người quyết định về phương pháp sinh của mình, chứ không phải phụ thuộc vào ý kiến của người khác, vì đó là quyền của họ.
“Đọc xong vừa thương vừa giận chị. Biết là phận dâu, phận vợ nhưng mình làm mẹ rồi mà, bản thân mình phải hiểu cơ thể mình chứ, gì mà sợ với lo vì chồng với mẹ chồng không cho. Tóm lại cô ấy vẫn may mắn vì có bác sĩ rất tâm lý”, bạn Ngọc Nguyễn nêu quan điểm.
"Không chỉ có vậy, nhiều bác sĩ công tác trong ngành sản khoa cũng cho rằng câu chuyện của thai phụ N.A. rất phổ biến hiện này, và trong xã hội hiện đại thì cần phải thay đổi. “Đây là câu chuyện gặp rất nhiều. Sản phụ thì đau quằn quại muốn làm giảm đau trong đẻ nhưng chồng và mẹ chồng không đồng ý. Họ lại cắn răng chịu đựng. Thật khổ”, bạn Trang Anh đồng cảm.
“Quyền lựa chọn được mổ là quyền của thai phụ và cũng là nhân quyền mà. Bên Đức nếu sản phụ yêu cầu mổ vì kiệt sức thì gia đình cũng không được quyền can thiệp, ngăn cản đâu. Chỉ có sản phụ và bác sĩ mới được quyết định thôi”, tài khoản N.N cho hay.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/cuoc-dau-tri-luc-nua-dem-con-dau-muon-de-mo-cho-nhanh...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn