Bánh chưng và dưa hành là món ăn dường như không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền tại Việt Nam. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu ăn uống điều độ, sử dụng đúng cách thì đây đều là những món ăn có lợi cho sức khỏe.
Theo đông y, bánh chưng về cơ bản không kỵ với món ăn nào, tuy nhiên khi sử dụng nhiều người vẫn hay bị nóng cổ, đó là phản ứng tự nhiên trong tiêu hóa, nếu ăn nhiều không vận động thì gây nên tình trạng như vậy.
Còn củ hành, củ kiệu muối chua đây không chỉ là món ăn ngon, mà còn là một vị thuốc trong y học cổ truyền. Hành muối là loại củ tính cay nóng, ấm, do vậy, hành không chỉ giúp tiêu hóa tốt hơn mà còn làm cơ thể nóng ấm lên rất tốt vào mùa đông. Bởi vậy, bánh chưng kết hợp với hành muối không chỉ giúp ngon miệng, mà còn giúp tiêu hóa tốt hơn.
Về mặt dinh dưỡng, bánh chưng là một món ăn giàu năng lượng, chứa đầy đủ các thành phần đường, đạm, béo, vitamin và chất khoáng. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng chỉ ra rằng, một góc bánh (1/8 chiếc bánh) có giá trị dinh dưỡng tương đương ăn một bát cơm đầy với thức ăn.
Do có nhiều năng lượng, lại thiếu chất xơ nên khi ăn bánh chưng luôn tạo cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Vì vậy, khi ăn loại bánh này mọi người thường hay kết hợp với một số thực phẩm giàu chất xơ, dễ tiêu và dưa hành là lựa chọn hàng đầu.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, không chỉ khi kết hợp với bánh chưng mà bình thường khi ăn dưa hành, củ kiệu muối chua sẽ cho ta cảm giác ngon miệng hơn.
“Dưa hành hay củ kiệu muối chua là loại thực phẩm lên men từ những vi khuẩn có lợi, đó chính là probiotic. Loại lợi khuẩn này rất tốt cho tiêu hóa, ăn vào đỡ táo bón hơn”, PGS Nguyễn Thị Lâm cho hay.
Dù là món ăn được nhiều người ưu chuộng, nhưng PGS Lâm khuyến cáo người dân khi sử dụng không nên ăn nhiều như rau vì những thực phẩm muối thường hay bị mặn, nếu ăn nhiều sẽ khiến cơ thể thừa muối, không tốt cho tim mạch.
Đặc biệt, trường hợp dưa hành hay củ kiệu muối chua nếu có hiện tượng khú thì nên bỏ ngay. Cũng giống như dưa chua, khi bị khú cũng có nghĩa có vi khuẩn gây hại xâm nhập, nếu ăn sẽ tăng nguy cơ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, thậm chí ung thư.
Ngoài ra, khi kết hợp bánh chưng và dưa hành cũng không vì ngon, “bon miệng” mà sử dụng quá nhiều. Bởi bánh chưng giàu nặng lương, giàu lượng đạm, trong khi dưa hành có lượng muối nhiều nếu kết hợp quá nhiều trong cùng thời điểm sẽ khiến dạ dày tăng tiết dịch vị axit, dễ bị đầy bụng, ợ chua, khó tiêu…
PGS Nguyễn Thị Lâm cũng khuyến cáo, trong ngày tết nhiều người có sở thích ăn bánh chưng rán, đây là điều không nên hoặc cần phải hạn chế. Theo lý giải của vị chuyên gia này, bánh chưng vốn đã chứa nhiều chất béo, trong khi rán ngập trong dầu mỡ lượng chất béo sẽ tăng lên, điều này không tốt cho sức khỏe.
“Về cơ bản, bánh chưng phù hợp với tất cả những người bình thường, tuy nhiên người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch …nên hạn chế ăn bánh chưng, đặc biệt là bánh chưng rán”, PGS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo.
Ngoài việc kết hợp củ hành muối với bánh chưng với lượng vừa phải, người dân trong ngày tết cũng nên ăn nhiều loại rau quả, uống thêm nước trái cây, ăn hoa quả để cân bằng dinh dưỡng vì không chỉ bánh chưng, ngày tết thường tiêu thụ rất nhiều chất đạm, chất béo.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/banh-chung-an-voi-dua-hanh-mon-ngon-nhieu-nguoi-thich...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn