Trần tình đớn đau của cô gái trở về từ “động quỷ”

Thứ năm - 09/03/2017 23:59

Trần tình đớn đau của cô gái trở về từ “động quỷ”

Trước lời nói ngon ngọt của những kẻ buôn người về một tương lai tươi sáng, không ít cô gái trẻ nhẹ dạ cả tin để rồi không may sa chân vào “động quỷ”. Nhiều nạn nhân trong số đó cho đến nay vẫn bặt vô âm tín.

Số nhỏ may mắn được giải cứu, trở về đoàn tụ cùng gia đình thì phần lớn phải đối mặt với cuộc sống muôn vàn khó khăn.

Sa vào “động quỷ” vì… mơ đổi đời

Tuy không diễn biến phức tạp như ở biên giới Việt - Trung, Việt Nam - Campuchia, nhưng thật bất ngờ khi được biết tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương có số lượng phụ nữ bị bán ra nước ngoài vào loại cao trong cả nước. Bằng thủ đoạn vẽ ra viễn cảnh giàu sang với một công việc có thu nhập mơ ước, những kẻ buôn người khiến nhiều người trót tin để rồi phải vỡ mộng khi biết mình bị lừa vào “động quỷ”. Hầu hết nạn nhân của bọn buôn người đều trong độ tuổi lao động, nghèo khó và ít học. Vì muốn thoát khỏi cuộc sống quanh năm quẩn quanh sau lũy tre làng mà nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu.

Cay đắng và tủi nhục, những tháng ngày trầy trật nơi đất khách quê người là mảng tối trong cuộc đời mà những nạn nhân của nạn buôn người luôn muốn chôn chặt nhất. Phải mất nhiều thời gian thuyết phục, chúng tôi mới được một số nạn nhân trở về từ “động quỷ” gặp mặt và mở lòng chia sẻ về câu chuyện của cuộc đời mình như một lời cảnh tỉnh.

 

Chị T cùng hai con chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình. Ảnh: T.G

Chị Võ Thị T.T (SN 1985) trú ở thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) trông già dặn hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Những vết chân chim trên khóe mắt u buồn càng toát lên vẻ khắc khổ của người phụ nữ sớm trải qua không ít sóng gió của cuộc đời. Chị kể, chị là con đầu trong gia đình có ba chị em gái. Gia cảnh nghèo khó, thương cha mẹ già và các em nên chị đã sớm lăn lộn vào đời những mong cuộc sống gia đình vơi bớt phần vất vả. Vào năm 2006, khi đang làm dệt may ở TP Huế, chị được một người phụ nữ cùng quê giới thiệu về một công việc với thu nhập mơ ước. “Người đó hứa ra Hà Nội sẽ giới thiệu cho tôi làm việc ở siêu thị với lương 800.000 đồng/tháng. So với làm dệt 300.000 đồng/tháng, số tiền này vào thời điểm ấy đủ để tôi có thể phụ giúp ba mẹ nuôi các em ăn học và tiết kiệm được một số vốn để làm ăn sau này”, chị T giãi bày.

Sau một giấc ngủ, biết mình bị… bán

 

Chị T cùng một số nạn nhân buôn người ở Quảng Trị trong một lần gặp mặt. Ảnh: T.G

Chuyến đi lần đó, ngoài chị T còn có người bạn thân và một số người phụ nữ khác gần nhà. Sợ bị la rầy, chị lẳng lặng đi mà không báo với gia đình. Chuyến xe từ tờ mờ sớm đưa những người phụ nữ chân ướt chân ráo lần đầu tiên rởi xa nhà, đi lòng vòng qua nhiều tuyến đường rồi qua một con sông ở tỉnh Lào Cai. Sau giấc ngủ dài vì mệt lả, khi những biển hiệu quảng cáo lạ hoắc viết bằng chữ Trung Quốc dần hiện ra dọc hai bên đường thì những thôn nữ mới giật mình hoảng hốt, ôm chầm lấy nhau khóc ngất vì biết mình đã rơi vào tay của bọn buôn người.

Không may sa chân vào “động quỷ”, chị T chứng kiến nhiều người Việt cũng chung hoàn cảnh với mình. Vì không nghe lời kẻ xấu, không ít người bị đánh bầm dập thừa sống thiếu chết. Qúa sợ hãi, chị đành cắn răng làm theo mọi sự sai bảo của chúng. Ở nhà, cha mẹ già lo lắng, chật vật tìm chị ở khắp mọi nơi.

Vậy nhưng, đó mới chỉ là sự bắt đầu cho chuỗi ngày đầy sóng gió của người phụ nữ bất hạnh. Ông Võ Văn  (61 tuổi, cha của chị T) buồn bã kể lại: “Ngày T mất tích, gia đình tôi gửi ảnh nhờ người tìm con ở khắp nơi. Lần theo những thông tin ít ỏi cùng sự giúp đỡ của công an, sau 3 tháng chúng tôi cũng biết tin và cứu được con về. Nhưng số cái T nó khổ, khi đoàn tụ được cùng gia đình thì cũng là lúc T phát hiện mình mang thai. Cha của đứa bé không rõ là ai, chỉ biết đó là một người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc”.

Nẻo về chông chênh

Trở về từ “động quỷ”, tưởng chừng như cuộc đời sẽ bước sang trang mới tươi sáng hơn nhưng với chị T còn đó nhiều thử thách cản bước chị hòa nhập với cuộc sống thực tại. Chị T kể lại, ngày chị trở về cũng là lúc chị và gia đình phải đối mặt với sức ép từ dư luận. Cho rằng chị bị bán sang Trung Quốc làm nghề mại dâm, nhiều người xa lánh vì sợ chị bị bệnh. Rồi những lời xì xào bàn tán khi biết chị mang thai sau những ngày lưu lạc nơi đất khách quê người. “Thấy tôi còn trẻ nên ngày đó nhiều người khuyên tôi nên bỏ đứa bé rồi đến một nơi nào đó sinh sống để làm lại cuộc đời. Thế nhưng đứa trẻ không có tội, vì thương con tôi nhất định giữ lại cái thai bất chấp miệng lưỡi của dư luận”, chị T chia sẻ.

Bụng mang dạ chửa, chị T. chỉ còn biết bấu víu vào cha mẹ già. Đến năm 2007 cháu Võ Thị T.N cũng chào đời trong niềm vui của người mẹ trẻ. Ngặt một nỗi, với cái nghề sửa khóa thu nhập ba cọc ba đồng của người cha già bệnh tật không thể nào lo hết cho cả gia đình.

Năm 2011, hạnh phúc tưởng chừng như đã mỉm cười với người phụ nữ khốn khổ khi có một người đàn ông chấp nhận quá khứ và quyết định tiến đến hôn nhân cùng với chị. Nhưng chỉ sau 22 ngày chung sống, gã đàn ông kia sớm bộc lộ bản chất bội bạc bỏ lại chị T cùng với cái song thai để theo người đàn bà khác. Hai bé gái song sinh ra đời giữa bộn bề sự thiếu thốn, vất vả. Chưa hết cữ, chị T phải tảo tần sớm hôm ngoài chợ với nghề ép dẻo chạy ăn từng bữa gom góp tiền sắm tã, mua sữa cho hai đứa con còn đỏ hỏn. Sức khỏe không cho phép, phần nữa vì vắng khách nên được một thời gian chị đành nghỉ việc ở nhà. Gần đây cháu N bị tai nạn, chị T phải chạy vạy khắp nơi để có tiền đưa con đi phẫu thuật, khó khăn không thể nào kể hết.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, nay bé N đã học lớp 5 còn hai bé gái song sinh cũng gần được 4 tuổi. Khi chúng tôi hỏi cháu N có bao giờ hỏi đến cha của mình, chị T tâm sự: “N tuy còn nhỏ nhưng lại rất hiểu chuyện và thương mẹ. Nhiều người trêu cháu là con của Trung Quốc nhưng cháu sợ mẹ buồn nên không hỏi mẹ. Vì gia đình khó khăn, phần nữa cháu N muốn được vào chùa ở nên vừa rồi tôi gửi cháu vào chùa cho ăn học. Cuộc sống hiện tại dù khó khăn nhưng điều an ủi nhất với tôi là cả ba con đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Cháu N học rất giỏi, hai cháu sau cũng chuẩn bị cho vào mẫu giáo”.

Vượt qua bao nhiêu khó khăn sau ngày trở về từ “động quỷ”, chị T cho biết điều khổ nhất bây giờ là không có nghề nghiệp ổn định. Chị chỉ mong sao có một số vốn nhỏ, mở một quán ăn để nuôi các con ăn học.

Ông Lưu Toàn Năng, Trưởng phòng Phòng chống Tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết: “Những khó khăn mà nạn nhân buôn người gặp phải trong quá trình hòa nhập cuộc sống đó chính là sự kỳ thị của những người xung quanh. Mặc dù ít nhưng sự kỳ thị này vẫn còn âm ỉ ở một số người dân khiến các nạn nhân tự ti, gặp trở ngại nhất định. Ngoài ra, đa phần các nạn nhân xuất phát điểm đều khó khăn nên việc tìm kiếm kế sinh nhai cho họ khi trở về cũng khá nan giải. Để giúp đỡ các nạn nhân ổn định cuộc sống chúng tôi cũng phối hợp vớ các cơ quan đoàn thể tuyên truyền vận động người dân hỗ trợ, giúp đỡ, không kỳ thị với những nạn nhân bị buôn bán trở về hòa nhập cộng đồng”.

Tin tài trợ | BigBB Hãy dành 2 phút đọc tin này nếu con còi cọc, ốm bệnh quanh năm.
21 tháng, bé Ngọc Hân chỉ được 9,8kg. Đã có lúc chị Hiền (Ninh Kiều- Cần Thơ) tưởng chừng mọi cố gắng giúp con thoát khỏi tình trạng nôn...
Tin tài trợ | Ích Mẫu Lợi Nhi Ích Mẫu Lợi Nhi – Bí kíp lợi sữa, chữa ít sữa, mất sữa của hàng nghìn mẹ Việt.
“Đây là ảnh bé nhà mình vừa tu ti xong đấy! Bạn ý bú no nê thỏa thích xong sữa vẫn trào ra đầy hai mép. Sữa trắng, đặc và thơm thơm ấy! Nhờ...

Nguồn tin: eva.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây