Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1993, ở thôn Rùa Hạ 2, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội), chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến chị nằm bất động trên giường với hàng loạt máy móc cũng như con người hỗ trợ để duy trì sự sống.
Từ ngày xảy ra tai nạn, chị Lệ phải sống phụ thuộc vào máy móc.
Bà Nguyễn Thị Hồng (mẹ chồng chị Lệ) mới chia sẻ: “Từ khi xảy ra chuyện, Lệ không đi lại, nói chuyện hay nhìn được nữa mà chỉ nghe người khác nói mà thôi”.
Việc ăn uống cũng phải nhờ ống xông.
“Lệ bị tai nạn khi đứa con được vài tháng tuổi, lúc đó cháu chẳng biết gì. Bởi vậy, khi bệnh viện cho cháu về nhà, chúng tôi cho cháu vào thăm mẹ. Khi đó, cả hai cháu đã khóc thét lên khi thấy Lệ chân tay co quắp, đầu cạo trọc và nằm bất động.
Sau này, đứa con gái lớn hơn thì dần quen được. Còn cháu bé hai tuổi thì vẫn khóc, khi cho ở gần mẹ cháu đánh rồi cấu mẹ rất đau, thậm chí có lần xước hết cả mặt.
Do Lệ chẳng thể cử động được tay chân, cũng không nói được nên phản ứng duy nhất đó là những giọt nước mắt chảy ra”, nói đến đây, bà Hồng cũng trầm giọng, cả căn nhà im phăng phắc vì quá xót xa.
Mắt Lệ đã hỏng hoàn toàn.
Những máy móc duy trì sự sống cho Lệ.
Vẫn biết, tình mẫu tử là thiêng liêng nhưng với đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi thì cháu chưa thể cảm nhận được điều đó cũng như những nỗi đau mà người mẹ trẻ kia đang hàng ngày phải chịu đựng.
Tiếp tục chia sẻ với chúng tôi về ngày con dâu xảy ra tai nạn, bà Hồng chỉ nói: “Âu nó cũng là cái số, có tránh cũng chẳng thể được”.
Theo bà, hôm trước khi xảy ra tai nạn 1 ngày, hai vợ chồng có giận nhau, nhưng lần này Lệ lại là người làm lành trước, chứ không phải như mọi khi.
Ảnh cưới của hai vợ chồng Lệ.
“Đúng ngày xảy ra tai nạn, trước khi đi làm Lệ còn nói với chồng là tối về sẽ nấu lẩu để chúc mừng sinh nhật chồng, nhưng khi đó con trai tôi vẫn giận vợ nên không nói gì. Khi Lệ đi ra cổng, chồng nó chỉ nhìn theo và chỉ thấy chiếc áo trắng phấp phới bay.
Đến giờ, bữa lẩu mừng sinh nhật đó vẫn chỉ là dự định”, nói đến đây, bà Hồng không thể giấu được những giọt nước mắt.
Những vết thương vẫn còn nguyên trên cơ thể Lệ.
Để thay đổi không khí, chúng tôi hỏi về người chồng của chị Lệ, anh Nguyễn Văn Âu (27 tuổi), bà Hồng cho biết, từ ngày vợ bị nạn anh Âu phải lao động gấp 5-10 lần trước đây với mục đích duy nhất là kiếm đủ tiền chữa bệnh cho vợ và nuôi các con.
“Hiện mỗi tháng chi phí điều trị cũng như thuê người chăm sóc cho Lệ cũng lên đến 20 triệu đồng/tháng”, bà Hồng cho hay.
Về quá trình điều trị, theo bà Hồng hiện gia đình vẫn mời bác sĩ bệnh viện về khám định kỳ và điều trị theo thuốc bác sỹ kê.
Chân, tay Lệ vẫn co quắp
“Thời gian gầy đây, khi đổi thuốc thấy tay chân con dâu tôi mềm hơn. Tuy nhiên để giải quyết dứt điểm việc co quắp thì phải mất rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể, mắt đã hỏng hẳn và thở hoàn toàn bằng sự hỗ trợ của máy”, bà Hồng thông tin.
Nói về tương lai hai đứa con nhỏ, cũng như người người chồng đang tần tảo sớm hôm để nuôi vợ, chăm con, người mẹ già ngậm ngùi nói: “Giờ biết tính thế nào, khi mà mẹ bọn trẻ như vậy, còn bố hàng ngày phải kiếm tiền lo cho cả gia đình. Tôi chỉ hy vọng một ngày nào đó, con dâu tôi có thể tỉnh lại nên mọi người vẫn đang cố gắng chữa trị, ngày đêm chăm sóc”.
Vào lúc 15h chiều ngày 19/3/2016, một vụ nổ lớn xảy ra trước cửa số nhà 15 - TT19, khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội) khiến 5 người tử vong, nhiều tài sản hư hại nặng nề. Lúc xảy ra vụ việc, anh Đặng Cao Thủy lái xe qua đường Lê Trọng Tấn, khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội và bị sức ép của vụ nổ đẩy đâm vào một ngôi nhà. Anh Thủy đã qua đời sau đó do bị chấn thương sọ não nặng. Chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1993), quê ở Thanh Thùy – Thanh Oai (Hà Nội) là người phụ nữ ngồi trong xe tải do anh Đặng Cao Thủy (SN 1984) quê ở Phùng Xá – Thạch Thất (Hà Nội) điều khiển. Chị bị thương rất nặng và cho đến hiện nay phải sống thực vật suốt đời. |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn