Ngày 15/10, các tuyến giao thông Bắc Nam bị ách tắc ở Quảng Bình, mưa lũ bắc Trung Bộ khiến 5 người chết, 4 người mất tích, 12 người bị thương và hơn 30.000 nhà dân ngập nước.
Xe đường dài đi qua Quảng Bình được yêu cầu dừng chờ dọc quốc lộ. Ảnh: Hoàng Táo |
Quốc lộ 1A qua Quảng Bình có 9 đoạn bị ngập sâu, hàng nghìn xe nối đuôi nhau trên đường ở các điểm như: Cầu Ròn, Hưng Thủy, Cam Thủy, Lộc Ninh...
Xe đường dài qua đây đã được yêu cầu dừng chờ dọc quốc lộ tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh ở phía nam; Quảng Trạch, Ba Đồn ở phía bắc.
Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình có 8 đoạn ngập từ 0,7-1m, một số người dân địa phương cho hay có đoạn ngập sâu trên 3 m.
Tại một số điểm trên quốc lộ 1A, giải phân cách bê tông tạo thành "đê" ngăn nước giữa hai làn đường. Nhà chức trách dùng xe cẩu tháo dải phân cách, nhằm thoát nước cho nhà dân và giải toả quốc lộ.
Nhà chức trách tháo giải phân cách bê tông trên quốc lộ. Ảnh: Hoàng Táo |
Về hàng hải, hiện có 5 tàu hàng bị đứt neo và trôi ra biển tại cửa Gianh (Quảng Bình) với khoảng 30 thuyền viên, trong đó có 1 tàu bị chìm đang mất tích một số thuyền viên. Hiện tàu cảng vụ đã tiếp cận các tàu trên và đang tiến hành đưa thuyền viên tàu bị nạn lên tàu. Cục Hàng hải đã điều một tàu SAR đi tìm kiếm cứu nạn.
Đường sắt tiếp tục bị chia cắt đoạn qua Quảng Bình. Ngành đường sắt đã dừng 23 đoàn tàu khách và 20 tàu hàng. Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Quảng Bình, yêu cầu đơn vị chức năng tập trung giúp đỡ tàu SE19 mắc kẹt ở ga Lệ Sơn với 132 hành khách, trong đó 96 khách quốc tế.
Mưa ngập ở Quảng Bình. |
Tại Quảng Bình, nhà chức trách cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ những ngày qua, đã có 5 người mất tích, 2 người chết, gần 20 tàu cá, sà lan trôi ra biển, 27.000 nhà dân bị ngập sâu.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình tổ chức lực lượng vận chuyển bằng đường sông, chở lương thực và dầu chạy máy phát điện đến các vị trí cần ứng cứu.
Nhà dân ngập đến mái ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê. |
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn cộng với nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng từ 500 m3/s – 1.800 m3/s, hồ Bộc Nguyên xả lũ với lưu lượng từ 150 -200m3/s…. đã làm cho nhiều địa phương bị ngập nước.
Huyện Hương Khê có 11 xã với hơn 5.000 nhà dân bị nước ngập sâu từ 2 – 3m, điển hình là các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hòa Hải... Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết có nơi ngập sâu hơn 4 m.
Huyện Kỳ Anh có hai xã bị nước lũ chia cắt là xã Kỳ Thượng và xã Kỳ Lạc; ở 3 xã Kỳ Lâm, Kỳ Sơn và Kỳ Tây, nhiều nơi ngập sâu từ 1m đến 1,5 m.
Huyện Cẩm Xuyên có trên 1.000 nhà dân bị ngập sâu từ 0,7 m đến 1,3m.
Huyện Thạch Hà có 10 xã bị ngập sâu từ 0,5 đến 1,5 m như xã Thạch Điền, Thạch Hương, Thạch Ngọc…
Mưa lớn cũng đã làm ngập sâu nhiều tuyến phố ở TP Hà Tĩnh, như: Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ…
Cứu trợ mỳ tôm cho người dân vùng ngập ở Hà Tĩnh. |
Áp thấp nhiệt đới hình thành ngày 13/10, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp sáng 14/10 kết hợp với gió mùa đông bắc đã gây nên đợt mưa lớn cho các tỉnh Trung Trung Bộ ba ngày qua, với lượng mưa phổ biến 200-300 mm, trong đó tập trung ở Hà Tĩnh và Quảng Bình 500-600 mmm, đặc biệt Tuyên Hóa và Minh Hóa của Quảng Bình lên đến 700 mm.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tính đến sáng 15/10, lũ trên thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang dao động ở mức đỉnh; sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đang xuống chậm; sông La, hạ lưu sông Ngàn Sâu và sông Cả đang lên.
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn