Rừng phi lao 30 năm tuổi đang bị phá sạch.
Tan nát rừng phi lao...
Nhận thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Dân trí đã có mặt tại vùng biển thôn 4, xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức) nhằm tìm hiểu việc xã này cho chặt hạ rừng phi lao ven biển.
Chiều ngày 1/9, việc đốn hạ rừng phi lao ven biển Đức Chánh diễn ra rầm rộ, tiếng máy cưa vang dội cả một vùng.
Ghi nhận tại hiện trường, một diện tích lớn phi lao xanh tốt đã bị triệt hạ. Hàng trăm thân phi lao nằm ngổn ngang trên cát trắng. Trong đó có nhiều thân phi lao dài 7 - 8m, đường kính gốc lên đến 20 - 25cm.
Rừng phi lao ven biển xã Đức Chánh đang bị chặt hạ lấy đất trồng rau.
Một thân phi lao có đường kính gốc gần 25 cm đã bị triệt hạ.
Thấy có sự xuất hiện của phóng viên, số lao động đang cưa cây lập tức dừng công việc bỏ đi, để lại những thân phi lao mới bị triệt hạ còn ứa mủ.
Theo người dân địa phương, rừng phi lao ven biển này đã gắn bó với người dân suốt hàng chục năm qua. Rừng chắn cát, chắn gió biển bảo vệ mùa màng. Rừng tạo bóng mát cho bờ biển nắng rát. Giờ đây, rừng phi lao đột nhiên bị đốn hạ khiến ai cũng cảm thấy tiếc nuối.
Sống cạnh rừng phi lao này hơn 30 năm qua, bà T. cho biết, rừng phi lao ven biển giúp bảo vệ mùa màng, xóm làng của người dân trước gió bão. Vì vậy, việc xã cho chặt hạ rừng phi lao trồng rau khiến nhiều người lo lắng.
"Lúc trước vào đây kiếm củi cũng bị cấm, còn giờ thì cho chặt phá trồng rau. Trồng thêm không trồng lại đi phá rừng ven biển. Nếu hỏi ý kiến của chúng tôi nhất định chúng tôi không đồng ý phá rừng", bà T. cho biết.
Khi phóng viên đang ghi nhận sự việc, bất ngờ một người đàn ông xuất hiện tự xưng là quản lý khu đất ra ngăn cản, có lời lẽ khiếm nhã và yêu cầu phóng viên rời khỏi hiện trường.
Nếu dự án hiệu quả sẽ tiếp tục phá rừng?
Trái ngược với sự lo lắng của người dân, ông Đoàn Văn Bảy - Bí thư Đảng ủy xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức) - khẳng định, việc phá hơn 4 ha rừng phi lao ven biển hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường.
Theo ông Bảy, trước kia xã Đức Chánh có 64 ha rừng phi lao phòng hộ ven biển, đến thời điểm này diện tích rừng phòng hộ còn khoảng 47 ha.
Sở dĩ diện tích rừng phòng hộ ven biển của xã Đức Chánh ngày càng bị "teo tóp" bởi địa phương này đã "mạnh dạn" chuyển mục đích sử dụng rừng.
Vào năm 2000, 12 ha rừng phòng hộ đã được chuyển sang rừng sản xuất nhằm phục vụ dự án nuôi tôm và dự án này hiện đang "thoi thóp". Đến bây giờ, xã lại chuyển đổi phá tiếp 4,1 ha rừng phi lao trên 30 năm tuổi để trồng rau an toàn.
"Rừng phi lao phòng hộ vẫn còn, xã chỉ phá một số diện tích rừng đã được chuyển mục đích sử dụng để trồng rau. Cái gì có lợi hơn thì mình làm. Phá diện tích phi lao đó cũng không ảnh hưởng gì đến môi trường. Diện tích rừng phi lao đó không còn hiệu quả nữa", ông Bảy khẳng định.
Ông Bảy cũng cho rằng, việc phá rừng trồng rau an toàn đã được chính quyền địa phương họp lấy ý kiến nhân dân, khi người dân đồng tình xã mới tiến hành thực hiện. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu được xem biên bản họp dân thì ông Bảy lại "hẹn dịp khác" với lý do những cán bộ lưu giữ hồ sơ dự án, biên bản họp dân đều đi vắng.
Dù dự án trồng rau an toàn trên diện tích 4,1 ha rừng phi lao đang bị chặt hạ vẫn còn nằm trên giấy, thế nhưng ông Đoàn Văn Bảy rất tự tin khi cho rằng dự án nhất định thành công. Với niềm tin đó, ông Bảy cho biết sẽ tiếp tục phá rừng phi lao để trồng rau nếu dự án đạt hiệu quả kinh tế.
"Xã đã tính hết rồi, nhất định dự án sẽ đạt hiệu quả kinh tế. Nếu dự án đạt hiệu quả xã sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trên diện tích rừng đã được chuyển đổi mục đích", ông Bảy quả quyết.
Hà Xuyên
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn