Như tin đã đưa, ngày 17/8, Ban Bí thư đã ban hành Thông báo số 13 – TB/TW kết luận về việc xác định tuổi của đảng viên. Ban Bí thư đã thảo luận, phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt và kết luận: Kể từ ngày 18/8, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
PV: Ông có bình luận gì về kết luận của Ban Bí thư?
PGS.TS Lê Quốc Lý: Đây là một quyết định sáng suốt, tôi rất đồng tình và hoan nghênh quyết định này của Ban Bí thư.
Vấn đề điều chỉnh tuổi của nhiều người đã diễn ra ở nhiều cấp từ Trung ương đến địa phương trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, khi cán bộ chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu. Việc này tạo dư luận không tốt trong xã hội, tạo nên sự dị nghị, không tán đồng trong cơ quan. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm xói mòn kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Vì Đảng có mạnh hay không phụ thuộc vào kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Kỷ cương, kỷ luật của Đảng bảo đảm sự hoạt động của Đảng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Điều lâu nay chúng ta yếu kém là hay du di, vì nể tình, vì thân quen, vì lợi ích này, lợi ích kia. Chuyện du di đó tưởng chừng đơn giản nhưng chính nó làm mất uy lực của các văn bản, quyết định của Đảng và Nhà nước.
Chính vì vậy, tôi cho rằng đến giai đoạn hiện nay phải lập lại kỷ cương phép nước, trong đó có kỷ cương của Đảng. Tất cả đảng viên kê khai lý lịch của mình để vào Đảng thì hãy đó là những gì trung thực nhất của mình đối với Đảng và hành xử theo đúng tinh thần đó. Bởi vì khi vào Đảng, chúng ta đã giơ cao lời tuyên thệ cho nên hãy thực hiện đúng. Và Đảng cũng đòi hỏi các đảng viên chấp hành đúng những điều đã tuyên thệ.
Tuổi khai trong lý lịch là một trong những điều mà các đảng viên đã khẳng định chuẩn xác rồi, vì vậy, không nên và không chấp nhận bất kỳ đảng viên nào sau này nếu thấy có điều kiện kê khai lại.
Đặt vấn đề, nếu phải lao vào những nơi khó khăn, vất vả, gánh chịu những trách nhiệm lớn thì những đảng viên đó có kê khai lại lý lịch không? Mà ở đây họ chỉ nhằm vào những điều có lợi mà cố tình kê khai lại.
Cũng phải nói thêm rằng, những năm tháng trước đây chuyện giấy khai sinh cũng chưa được rõ ràng lắm, cũng có trường hợp ít tuổi nhưng lại kê nhiều tuổi hơn để được đi hoạt động. Tuy nhiên, cũng nên thống nhất là đã kê khai với Đảng thế nào thì giữ nguyên đến cùng và không nên thay đổi, bảo đảm tính kỷ luật của Đảng.
PV: Ông quan sát thấy hiện tượng sửa lại tuổi đảng viên trước các kỳ bầu cử Quốc hội, chuẩn bị đại hội Đảng, bầu HĐND, UBND các cấp hoặc trước khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và khi cán bộ chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu hiện nay ra sao?
PGS.TS Lê Quốc Lý: Biểu hiện của nó có rất nhiều và diễn ra ở nhiều nơi. Có nhiều người đã lợi dụng vị trí của mình để đề nghị, kê khai lại tuổi cũng như chỉnh sửa lại năm sinh tháng đẻ của mình. Khi họ nêu ra như vậy, lãnh đạo cũng như nhân viên cơ quan rất bất ngờ, vì có thể trước đây họ không nói đến tuổi đó bao giờ nhưng đến khi có sự kiện thì họ mới nói ra tuổi mới.
Về trường hợp bổ nhiệm, chúng ta quy định nam giới không quá 55 tuổi, nữ giới không quá 50 tuổi thì được bổ nhiệm lên khóa mới, bởi vì để làm khóa cuối phải trọn một nhiệm kỳ 5 năm. Nhiều người có khi đã quá 55 tuổi đối với nam, quá 50 tuổi đối với nữ nhưng vì lợi ích, muốn được kéo dài thời gian công tác nên họ làm lại các thủ tục mong được xem xét, đề bạt.
Cũng có người đến tuổi nghỉ hưu nhưng “tham quyền cố vị”, tham giữ vị trí của mình nên kê khai để đi kiện tụng. Có một số người đã làm được nên dẫn đến nhiều người khác cũng cố gắng làm. Nếu những người này nghiêm chỉnh, làm việc tốt, không hám lợi thì cứ đến ngày nghỉ hưu thì về. Đó không chỉ là quy định mà còn là danh dự đối với con người.
Kết luận của Ban Bí thư đã nói rõ, từ ngày 18/8 sẽ không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là một kết luận sáng suốt để bảo đảm không có sự du di và kỷ luật Đảng cũng không du di.
Một người đảng viên trước khi vào Đảng đã phải kê khai lý lịch một cách trung thực, rõ ràng nhất cho nên sau này không có chuyện hồi tố, không có chuyện được phép khai lại.
Tôi nghĩ đã đến lúc nâng cao kỷ luật đảng viên. Đảng viên nào kê khai gian dối, làm mất uy tín của Đảng thì phải kỷ luật đảng viên đó.
PV: Việc sửa lại tuổi của đảng viên sẽ gây ra hệ lụy như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Lê Quốc Lý: Việc sửa lại tuổi của đảng viên gây ra nhiều hệ lụy. Tuy mọi người không nói ra nhưng họ không tín nhiệm, đánh giá không tốt về những đảng viên này. Mặc dù những người này có thể lên chức, trúng cử nhưng lòng dân không thuận. Lòng dân không thuận sẽ xói mòn sức mạnh của Đảng.
Tới đây, các cơ quan, bộ ngành, đơn vị địa phương cần thực hiện nghiêm kết luận của Ban Bí thư. Không có chuyện du di giải quyết một số trường hợp nào cả vì lý lịch của Đảng là căn cứ gốc, là căn cứ pháp lý để giải quyết tất cả điều kiện, chế độ cho mọi cán bộ. Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra các cấp nên kiểm tra thường xuyên, nếu cơ quan nào không thực hiện nghiêm thì hãy có hình thức kỷ luật phù hợp để bảo đảm tính nghiêm minh của Đảng.
PV: Nếu để xảy ra gian lận, sai sót trong việc sửa tuổi cán bộ, đảng viên thì trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
PGS.TS Lê Quốc Lý: Trách nhiệm đầu tiên là chính những cá nhân đó vì đã gian dối với Đảng. Thứ hai là trách nhiệm của những người có quyền quyết định điều chỉnh tuổi của đảng viên cũng như trách nhiệm của các cơ quan pháp lý có liên quan. Vì những người gian dối đó một mình bản thân họ không làm được mà phải nhờ bên tư pháp, chính quyền địa phương, kể cả thông đồng với cơ quan đang làm việc. Vì vậy, những người có liên quan phải chịu trách nhiệm trước Đảng, cũng như nhận các hình thức kỷ luật.
PV: Xin cảm ơn ông!
TheoKim Anh
Vov
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn