Đây có lẽ cũng là ngôi làng duy nhất làm nghề buôn thúng bán bưng mà hợp đồng thuê hẳn xe khách đưa đi từ lúc gà chưa kịp gáy. Đó là làng Phú Chiêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).
Làng mì Phú Chiêm nằm ngay bên dòng Thu Bồn xanh trong chảy hiền hòa dưới cầu Câu Lâu. Ngôi làng bé nhỏ ngày trước quanh năm giằng co với lũ nay đã có đường bê tông, nhà đổ mê san sát trên những nền đất cao ráo. Ban ngày đến làng không tìm đâu ra tiếng nói cười của người phụ nữ vì họ đã theo những gánh mì tỏa đi khắp đó đây. Anh Nguyễn Hoàng (thôn Triêm Nam), nói: “Ba giờ sáng tới đây, ra đứng giữa cầu là gặp hết đàn bà phụ nữ làng này”.
Mỗi sớm đều có hai chuyến xe như thế này chở gần bảy chục người phụ nữ của làng Phú Chiêm ra Đà Nẵng bán mì Quảng.
|
Gà chưa kịp gáy, những chái bếp sau nhà đã đỏ lửa, mùi thơm mì Quảng bốc lên cùng khói bếp, nghe đâu đó tiếng gọi nhau “mau mau trễ xe”, “mượn đỡ bao bánh tráng hỉ”… Bóng những phụ nữ thôn quê khệ nệ tay ôm tay vác lật đật ra khỏi nhà, lao vào màn đêm mưu sinh.
Đứng từ cầu Câu Lâu cũ nhìn xuống, từng đoàn xe máy chồng trước vợ sau chạy rầm rầm, chốc chốc lại có những chiếc đèn pin le lói từ những chiếc xe đạp cũ mèm chất đủ thứ liêu xiêu lên con dốc đầu làng.
Hơn ba giờ sáng, cả làng đã tập trung đầy đủ trước chợ cầu Mống chờ xe. Một chị khều vai tôi, tếu táo: “Cả ngày đi bán mì Quảng đoạn ni là vui nhứt vì mấy bả đều ở đây, tha hồ tám. Dù lem nhem ri mô có chộ (thấy) rõ mặt nhau. Trưa thì đường ai nấy về rồi”.
Bên mép đường, nơi cách chỗ đỗ xe chừng vài mét, hàng trăm bao mì chất thành những dãy cao, hũ nước nhân, bịch bánh tráng, rau sống bày la liệt. Dưới mái hiên, câu chuyện của gánh mì hôm qua, mớ tôm dặn bạn hàng để lại rôm rả biến chợ cầu Mống lúc canh ba lao nhao như chợ Tết.
Hai chiếc xe khách từ xa tiến tới đỗ xịch lại. Khúc chợ lần nữa nháo lên tiếng thúc giục nhau. Từng bao mì, bao rau được bà con thoăn thoắt chuyền cho bác tài đẩy lên nóc, số còn lại nhồi nhét vào từng khe hở giữa những hàng ghế và lối đi.
Như đã thành lệ, ai bán ở chỗ xa nhất ngồi dãy ghế cuối, bán gần ngồi ngoài. Trong chốc lát, hơn 30 người phụ nữ đã yên vị trên xe, dẫu chỗ ngồi chật cứng, có chị chỉ đủ “nhúng” một bàn chân xuống gầm xe chật ních đồ đạc. Bác tài đóng cửa, hô to: “Rồi chưa? Tui chạy á, đừng có nửa đường bù lu lên quên bịch đậu phụng là tui cho xuống luôn đó nghe”, khiến cả xe cười vang.
Trên chuyến xe xé đêm ra Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Chát (54 tuổi) kể rằng ngày trước bà con chỉ gánh mì đi bán những vùng lân cận làng, sau có vài người làm siêng gánh miết ra tới Đà Nẵng. Tô mì Phú Chiêm được dân ngoài đó chuộng, gánh ra bao nhiêu hết bấy nhiêu nên bà con rủ nhau đi bán cùng.
“Đến khi lên được vài chục gánh, tụi tui bàn nhau hợp đồng thuê xe khách tới chở đi cho tiện chứ trời mưa đi cực không kể nổi. Đây là nhà xe thứ hai tụi tui thuê. Gần hai chục năm qua mưa gió chi xe cũng tới tầm 3 giờ, trừ ngày rằm và mồng một làng nghỉ thì xe nghỉ. Cứ bước lên xe là trả hai chục ngàn”, chị nói.
Xe chạy được một đoạn, bác tài tắt bớt đèn cho chị em tranh thủ chợp mắt.
Bến đỗ đầu tiên ngay ngã tư Hà Huy Tập và Điện Biên Phủ, những người bán ở xa đi tiếp, nói chung là quanh thành phố. Vừa đặt chân xuống, các bác xe ôm “mối” quen đã trờ tới. Những giỏ mì từ đây theo xe ôm tỏa đi các ngõ ngách. Ngoài hai chuyến xe khách này, sau 4 giờ sáng, ở làng Phú Chiêm còn hàng chục chiếc xe máy khác đổ về Hội An, Tam Kỳ, Nam Phước bán mì.
Gánh mì của chị Lương Thị Sương hút khách trên đường Nguyễn Hoàng (Đà Nẵng). |
Những nồi mì Quảng đi đêm ấy được dọn ra khi trời vừa tỏ. Gánh mì nào cũng bày bán ở vỉa hè, che cái dù và kê dăm bảy chiếc ghế nhựa. Chị Lương Thị Sương, bán trên vỉa hè đường Nguyễn Hoàng lý giải rằng, thức mì này có cái thú phải ăn ngoài đường, vô quán là “trật bài” mì Phú Chiêm ngay. Chị tiếp lời: “Giờ dân công sở đi làm tụi tui trở không kịp, khách không có ghế ngồi, hờn rồi bỏ về thường xuyên. Sau tám giờ thì cứ bán tà tà, khi nào hết khi đó về”.
Bên vỉa hè đường Nguyễn Hữu Thọ, gánh mì của chị Tuyết nằm khiêm tốn dưới tan cây, hai vợ chồng chị xoay xở mỗi sáng bán hơn chục ký mì. Bán xong, tô chén, soong nồi, bàn ghế… chị gửi nhờ nhà dân, chỉ ôm mỗi hũ đựng nước nhân đi về.
Trời đứng bóng, trên chuyến xe buýt từ Đà Nẵng vào Quảng Nam lại thấy những khuôn mặt bán mì Quảng mỏi mệt trở về. Họ tranh thủ ngủ. Khi xe tới chợ cầu Mống, như quán tính, những đôi chân nãy giờ bất động trên xe thoăn thoắt ùa vào chợ mua thịt, mua tôm chuẩn bị cho nồi mì ngày mai.
Đến tận hai giờ chiều, phụ nữ của cả làng mới về hết, họ chỉ kịp lột bịt mặt uống ly nước rồi lại lao vào làm nhân. Hỏi sao không thuê trọ ở luôn ngoài Đà Nẵng bán mì cho tiện, các chị đáp ngay: “Chu choa, cái thức mì rắc rối ni ở ngoài nớ lấy chi nấu”.
Mỗi ngày, chị Lương Thị Hoa (thôn Triêm Nam) đều dậy nhóm bếp nấu mì lúc gần 2g sáng.
|
Đúng là rắc rối, bởi nguyên liệu nấu mì phải rặt quê từ thịt heo cho tới cọng rau sống. Khan nhất là tôm nò (loại tôm bắt bằng cái nò) bắt ở ruộng lúa, rừng dừa nước ở Hội An. Không có tôm này thì nồi nước nhân không còn hương vị. Chị Sương nói: “Một lạng tới 30 ngàn, năn nỉ dặn dò lắm mới mua được một lạng chứ không có nhiều”.
Cuối chiều, làng vang lên tiếng rù rù của máy xay tôm, xay cua. Những đứa con loay hoay phụ mẹ sắp lát thịt heo đã ướp thật thẳng để lúc nấu lên không bị quăn queo. Những ông bố đi lùng cây chuối non về tước bẹ, chỉ lấy phần non mướt bên trong rồi bó thành từng bó cắt mỏng làm rau sống. Cả nhà cùng chạy theo gánh mì. Cho đến khi mái bếp nhả mùi hương của thịt và tôm rim dầu phụng phi nén, mùi của nồi nước thịt tôm cua đồng. Khi đấy mọi người mới tạm ngừng tay.
Chưa tới hai giờ sáng, chị Lương Thị Hoa (thôn Triêm Nam) lục đục dậy nhóm lửa. Cơn buồn ngủ kéo mí mắt nhăn nheo của chị sụp xuống nhưng đôi tay vẫn đều đều cho củi vào lò. Chị bảo nước nhân nấu một nồi đặc sệt từ tối qua, giờ hòa thêm nước cho đủ bán mười mấy ký mì, sau cùng là bỏ trứng cút vào nấu cho thấm. Mẹ và chồng chị không hẹn đồng hồ vẫn dậy kịp khi nồi nước nhân vừa nấu xong, ba người cùng nhau cho vào hũ nhựa, gói ghém rau ớt chất vào giỏ.
Sát vách nhà, chị Trần Thị Thọ cũng vừa rửa xong mớ rau sống cho vào bao để sáng sớm chở ra bán ở làng đá Non Nước. Chị Sương tâm sự: “Từ ngày đi bán mì tới chừ, mỗi ngày tui chỉ ngủ được bốn tiếng. Đã đành, cả nhà phải thức khuya dậy sớm theo nồi mì”.
Gánh mì già cội nhất làng mì Phú Chiêm này là của bà Dương Thị Liễu, năm nay đã gần 80 tuổi. Nhà bà tới bốn đời bán mì, từ đời bà ngoại cho đến đời các con bà. Bà nhớ lại: “Tính ra là tui bán mì ở ngoài Đà Nẵng hơn hai chục năm rồi đó. Tui còn chiết cho bốn đứa con gái bốn gánh, bán khắp Đà Nẵng”.
Nửa đêm, như bao phụ nữ tràn trề sức lực khác, bà cũng dậy nhóm bếp nấu nhân, ông nhà loay hoay gói ghém các thứ và cậu con trai chở bà ra chợ cầu Mống đón xe. Các chị ở đây bầu bà là “trưởng đoàn” vì bà lớn tuổi nhất, bán mì Quảng lâu nhất và nồi mì của bà cũng nguyên thủy nhất. Ghế bên bác tài bao giờ cũng dành ưu tiên bà.
“Mấy đứa con tui nói nghỉ đi, nhưng tui nói kệ, cứ đi chứ ở nhà buồn, với lại kiếm đồng ra đồng vào phòng đau ốm. Một trăm ngàn ở phố không đáng bao chứ về quê bự chác”, bà bộc bạch.
Ngoài “trưởng đoàn” ra, những nồi mì “có chân” trong làng đều có thâm niên trên dưới chục năm chạy ra Đà Nẵng. Chị Nguyễn Thị Chua nhớ lại những ngày chân ướt chân ráo ra đây phải vạ vật khắp chốn cùng nơi, từ thuở bán tô mì có 5 ngàn đồng. May thay có người tốt bụng cho chị nhờ một góc nhỏ trước chợ Chính Gián (quận Thanh Khê) bày nồi mì ra bán.
Chị thỏ thẻ: “Tui bán hơn mười năm rồi, cực lắm chớ. Nhưng thú thiệt cũng có đồng ra đồng vào tụi tui mới thức khuya dậy sớm trụ lại. Chứ ở cái xứ chưa mưa đã ngập ni, làm răng trông chờ vô ruộng được”.
Xót xa thân cò
Tháng 8 vừa rồi, chị L.T.D. (thôn Triêm Nam), người bán mì gần 20 năm ở Đà Nẵng qua đời vì bị tai nạn trên đường chở nồi mì ra thành phố này. Ngày đám tang chị D. những thực khách ở Đà Nẵng vừa lạ vừa quen đổ về đưa tiễn vì quá xót xa “thân cò” lặn lội và tô mì đã quen mỗi sáng.
Bưng tô mì ra Đà Nẵng là nguồn mưu sinh của cả làng, nhưng cũng đồng hành với vô vàn âu lo về những bất trắc, tai họa ập đến bất ngờ.
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn