Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 61 năm Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc Khánh 2/9. Theo đó, tôn vinh nhân chứng lịch sử, nhìn lại những chiến công lịch sử của Biệt động thành Hội An, phát huy truyền thống đánh giặc yêu nước trong sự nghiệp đổi mới và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử cũng là dịp để thành phố thu thập thêm tư liệu, bằng chứng và nhân chứng làm cơ sở cho cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục đề nghị các cấp xem xét công nhận danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang (LVTT) nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc của Đội Biệt động thành Hội An và Đội trưởng Đinh Văn Lời.
Video: Các nhân chứng Đội biệt động thành Hội An kể lại lịch sử
Tại đây một số hình ảnh, 6 hiện vật quý của Đội Biệt động thành Hội An sẽ được trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm tư liệu để Nhà xuất bản QĐND tổ chức biên soạn xuất bản sách về Biệt động thành Hội An trong những năm tháng hào hùng.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng - Giám đốc bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đánh giá: “Chúng tôi đánh giá cao những hiện vật được chính những cựu chiến binh trao tặng trên mảnh đất nơi họ từng chiến đấu, hy sinh anh dũng. Chúng tôi hứa sẽ giữ gìn những kỷ vật quý giá này thật kỹ lưỡng, đây là những hiện vật vô cùng quý giá cho thế hệ mai sau học hỏi”.
Cách đây 50 năm, vào tháng 4 năm 1966, dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Hội An mà trực tiếp là Phó Bí thư Thị ủy Trương Minh Lượng, Đội Biệt động Hội An được thành lập có nhiệm vụ: Tổ chức tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân; Lập hồ sơ các căn cứ quân sự và các cơ quan đầu não của Mỹ và chế độ tay sai; xây dựng cơ sở biệt động lớn mạnh, kết nạp thanh niên, học sinh yêu nước vào tổ chức đội; độc lập tổ chức đánh địch, bí mật bất ngờ tấn công vào các cơ quan đầu não địch; tổ chức ám sát và tiêu diệt những tên ác ôn đặc biệt nguy hiểm có nợ máu.
Đồng thời vận động nhân dân nổi dậy đấu tranh chính trị; tiếp cận những gia đình có con em bị địch bắt đi lính phản chiến bỏ ngũ trở về với cách mạng; rải truyền đơn treo cờ gây tiếng vang trong thị xã làm cho địch hoang mang khiếp sợ; phối hợp với cá lực lượng tấn công vào các cơ quan đầu não của địch, trong nội thành đánh ra, bên ngoài vùng giải phóng đánh vào.
Đội Biệt động thành Hội An với tài “xuất quỷ nhập thần”, đã ghi dấu ấn trong lịch sử Hội An với những chiến công làm rung chuyển bộ máy chính quyền tay sai của địch; góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền, Lực lượng vũ trang và nhân dân giải phóng Hội An vào tháng 3/1975.
Dựa vào sự tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, để giữ bí mật không cho địch theo dõi, đánh hơi, Đội biệt động phải chia nhỏ ra ở nhiều tổ, nhiều địa điểm, nhiều đình chùa miếu xóm, nhiều nhà dân, đi làm thuê gánh mướn, thợ mộc, thợ nề, cu ly, khuân vác, ở đợ giúp việc để kiếm cơm ăn, làm Biệt động.
Đội Biệt động thành Hội An đã tham gia 21 trận đánh, ám sát, đặt mìn, ném lựu đạn, tập kích vào cơ quan đầu não của địch. Đặc biệt, trong thời gian đó, “Đặc công ám sát”, “ Đặc công Việt cộng”, “ Báo Đen” là những tên gọi, biệt hiệu khiến địch kinh hoàng, khiếp sợ. “ Báo Đen” ấy chính là Đội trưởng Đội Biệt động thành Hội An Đinh Văn Lời.
Hiện nay, số đồng chí còn sống là 21 người, 11 đồng chí hy sinh, đã được nhà nước công nhận liệt sỹ, 21 thương binh, 19 đồng chí đã từ trần. Nhiều đồng chí trước khi qua đời có nhắn gửi lại cho anh em, đồng đội những lời sau cùng về sự cống hiến, hy sinh, một phần xương máu, “những chiến công thầm lặng” của Đội biệt động để Nhà nước và Quân đội biết để có chế động chính sách khen thưởng.
Ông Đinh Văn Lời (Đội trưởng Đội biệt động thành Hội An, với biệt danh “Báo đen”) chia sẻ: “Chúng tôi rất vui và phấn khởi khi được các cấp chính quyền, nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho anh em chúng tôi có buổi gặp gỡ ngày hôm nay. Và hy vọng những thành tích, chiến công của đội “Biệt động thành Hội An” sẽ được công nhận, có chế độ chính sách khen thưởng cho những chiến công, sự hy sinh xương máu thầm lặng của các đồng chí chúng tôi”.
Ngô Linh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn