Ngày 8/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận 5 bệnh nhi: Lâm Thị Thanh T. (11 tuổi), Lâm Thị Thanh T.(8 tuổi), Vi Ngọc D. (10 tuổi), Vi Ngọc H. (3 tuổi) và Hoàng Thị T. (9 tuổi) cùng trú tại xã Đồng Quý huyện Sơn Dương, Tuyên Quang bị ngộ độc hạt thầu dầu.
Gia đình các bệnh nhi cho biết, 5 trẻ đã tự hái 1 chùm quả lạ để chia nhau ăn. Sau ăn, 5 trẻ đều bị đau bụng và buồn nôn, nôn. Gia đình phát hiện các trẻ đã ăn quả thầu dầu nên đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Dương để cấp cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Tại khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, 5 trẻ đã được điều trị uống than hoạt, truyền dịch, bù điện giải, đảm bảo hô hấp và tuần hoàn, theo dõi sát các chỉ số sinh tồn. Sau 3 tiếng điều trị tích cực tại khoa Nhi, 5 trẻ đã được chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị.
Các bệnh nhi nhập viện cấp cứu tại BV ĐK tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: BV ĐK tỉnh Tuyên Quang.
Ths.BS Đỗ Thị Thu Giang - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) cho biết, bộ phận nhiều độc tố nhất của cây thầu dầu là ở phần hạt. Độc chất có trong hạt thầu dầu chính là chất ricin gây ức chế tổng hợp protein của ruột, tổn thương niêm mạc ruột và có đặc điểm hấp thu kém nên thời gian phát huy đầy đủ tác dụng độc phải kéo dài đến 5 ngày.
Ricin là một protein rất độc, chỉ cần nhai một hạt thầu dầu đã bị nôn mửa, trẻ em ăn 3 - 4 hạt có thể tử vong.
Sau ăn hạt thầu dầu, người bệnh thường có các triệu chứng đau bụng, nôn nhiều, trường hợp nặng có nôn ra máu; tiêu chảy phân lỏng, nhiều lần; có các dấu hiệu mất nước; rối loạn tri giác, liệt dây thần kinh sọ não; gan to, vàng da, suy gan; tiểu ít, suy thận; tụt huyết áp... nặng nhất là tử vong.
Theo các bác sĩ, hiện tại chưa có thuốc giải độc của hạt thầu dầu, các gia đình không nên trồng cây thầu dầu và không sử dụng hạt cây thầu dầu. Nếu phát hiện trẻ có ăn hạt thầu dầu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, nhanh nhất để được xử trí.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn