Trước thực trạng mất an toàn thực phẩm khiến nhiều người hoang mang, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội bắt đầu thí điểm truy xuất nguồn gốc nông sản bằng Smartphone, giúp người tiêu dùng có thông tin đầy đủ và nhận diện được sản phẩm an toàn.
Người tiêu dùng chỉ cần tải phần mềm trên điện thoại (truy cập appstore với máy chạy bằng hệ điều hành ios và google play với hệ android), đăng nhập và khai báo tên cùng số điện thoại. Tiếp đó, đặt điện thoại trước sản phẩm để chụp và quét mã code, người dùng sẽ thấy trên giao diện thiết bị hình ảnh và thông tin về sản phẩm như nơi sản xuất, giấy chứng nhận và kênh phân phối. Bên dưới màn hình còn có thông tin cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm.
Thông tin về quả dưa chuột hiển thị trên màn hình điện thoại sau khi chụp và quét mã code. Ảnh: Phạm Hương. |
Nếu phát hiện sản phẩm không đúng như thông tin cung cấp, người tiêu dùng sẽ phản hồi lại cho nhà quản lý và doanh nghiệp.
Ông Đỗ Hoàng Thạch, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, doanh nghiệp khi đăng tải sản phẩm đều phải kết nối hệ thống với cơ quan quản lý. Nhờ đó, họ sẽ kiểm soát được thông tin mà doanh nghiệp đưa lên có đúng hay không thì mới đồng ý cho việc cập nhật tem code lên sản phẩm.
"Với dự án trên, doanh nghiệp sẽ bảo vệ được thương hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người mua, bán nhiều sản phẩm hơn. Còn người tiêu dùng có thể nhận diện và biết sản phẩm này đang được sản xuất ở đâu, xuất xứ ra sao, chất lượng thế nào", ông Thạch nói.
Tham gia chương trình, các doanh nghiệp phải cam kết sản phẩm, thông tin chuyển tải cho đơn vị quản lý chính xác, rõ xuất xứ nguồn gốc. Trong quá trình lưu thông nếu chất lượng có vấn đề thì doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nhiều người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn khi biết thông tin về sản phẩm. Ảnh: Phạm Hương. |
"Chúng tôi chỉ giúp minh bạch thông tin trên nền tảng các sản phẩm đã có giấy chứng nhận, chứ không quản lý chất lượng", ông Thạch nhấn mạnh và cho biết sẽ tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận công nghệ trên.
Năm 2016, Trung tâm sẽ triển khai thí điểm 71 điểm dán mã code, cho 5 cơ sở sản xuất với gần 100 sản phẩm và 6 doanh nghiệp phân phối với khoảng 350 dòng sản phẩm.
TP HCM cũng đang thực hiện việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng ứng dụng smartphone. Hội Công nghệ cao TP HCM đã thiết kế một ứng dụng miễn phí có thể cài đặt trên điện thoại để soi vào thịt heo nhằm nhận biết nguồn gốc, cách chăm sóc, giết mổ như thế nào.
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn