Bãi rác Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) nằm biệt lập, cách trung tâm TP HCM khoảng 20 km. Vài tháng nay, mùi hôi thối từ khu vực chôn lấp rác đang tiếp nhận và hồ xử lý nước rỉ rác, phát tán nồng nặc khiến người dân quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè phải sống trong cảnh khốn khổ.
Để khắc phục, TP HCM chỉ đạo Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư bãi rác Đa Phước - trồng cây xanh cách ly nằm trong nội khu của công ty, xây dựng nhà máy nhỏ dùng công nghệ đốt để xử lý rác đã được phân loại, hoàn chỉnh những công việc đang đầu tư dở dang...
Theo GS.TS Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP HCM) - những biện pháp khắc phục mùi hôi tấn công khu Nam Sài Gòn được thành phố chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính khắc phục sự cố. Trong đó việc dùng cây xanh chắn gió đưa mùi hôi đi xa là không hiệu quả bởi đây là vấn đề cấp bách trong khi trồng cây chỉ mang tác dụng lâu dài.
"Cây phải mất rất nhiều năm để cao lớn mới đủ sức chắn gió. Cao nhất tầm 10-15 m trong khi bãi rác đã cao hơn thế, phát tán mùi hôi, thì đâu thể ngăn mùi hôi", ông Bá phân tích.
Ông Bá ví von bãi rác Đa Phước hiện như căn nhà đã hỏng, đang sửa chữa chắp vá mà không thể đập đi xây lại. Trong tình thế đó, ông Bá đề xuất TP HCM chỉ đạo chủ đầu tư thời gian tới phải chôn lấp rác hợp vệ sinh: đào hố sâu, ở dưới có lớp vải địa chất, đổ và nén rác sau đó phủ lớp đất và vôi lên trên. Làm như vậy để bãi rác không cao thêm nữa, có thời gian phân hủy.
Chuyên gia này cũng khẳng định, về lâu dài cần xử lý rác thải thành năng lượng, khí... sử dụng trong đời sống. Làm được điều này thì chưa tới 10% tổng khối lượng rác phải đưa ra bãi. Ngoài ra, hệ thống xử lý nước rỉ từ rác phải được kiểm soát nghiêm ngặt để tránh phát tán mùi hôi và gây ô nhiễm môi trường.
Bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao, hiện cao 25 m. Ảnh: Hữu Công
Đồng quan điểm, PGS.TS Thái Văn Nam - giảng viên Khoa Môi trường trường Đại học Công nghệ TP HCM - đặc biệt chú ý đến biện pháp trồng vành đai cây xanh cách ly. Ông khẳng định việc trồng cây, xét về mặt khoa học là có thể giảm thiểu mùi hôi nhưng trồng loại cây nào sẽ là bài toán khó.
Về mặt cơ học, theo ông Nam, vành đai cây xanh xung quanh bãi rác sẽ có tác dụng cản gió đưa mùi hôi ra ngoài nhưng bản thân mùi hôi nếu không đi chỗ này sẽ đi chỗ khác. Vì vậy, trồng cây chỉ có ý nghĩa nếu cây này có thể hấp thụ khí gây mùi hôi như mercaptan, hợp chất amin…
Thêm nữa, các loại cây này phải thích ứng với điều kiện đất tích tụ phèn, nước rỉ từ bãi rác, phải có tán cây dày, thân cao. "Chọn được cây rồi thì trồng cây với mật độ thế nào, bố trí cây ra sao cũng cần phải cân nhắc kỹ", chuyên gia này khẳng định.
Về phía chủ đầu tư, ông Nam nhận định giải pháp cô lập diện tích mở bãi (để tiếp nhận chất thải) nhỏ lại ở mức tối thiểu sẽ không mang lại hiệu quả hạn chế phát mùi hôi.
"Tổng lượng rác thải là không đổi, thu nhỏ diện tích bãi tiếp nhận rác thì chiều cao bãi rác sẽ tăng lên. Chưa kể, rác để dồn đống cao sẽ kéo dài thời gian phân hủy", ông Nam phân tích.
Chuyên gia môi trường này kiến nghị, ngoài việc thực hiện các biện pháp đã báo cáo với Thủ tướng, TP HCM cần song song tiến hành các giải pháp lâu dài là phân loại, tái chế rác với phương châm rác là tài nguyên.
"Phân loại, tái chế rác vào lúc này là trễ nhưng nhất định phải thực hiện. Nếu không làm, cứ chôn lấp rác như hiện nay thì nhiều năm nữa bãi rác lại đầy", ông Nam nói.
Phần ngọn núi rác đang được chôn lấp, phủ bạt. Ảnh: Hữu Công
Công ty VWS quảng cáo công nghệ áp dụng tại bãi rác Đa Phước là "mới nhất, tiên tiến nhất" tương tự cách làm của họ tại tiểu bang California (Mỹ). Trong hợp đồng VWS ký với Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM có nội dung sẽ tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, sau đó phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ chôn lấp.
Tuy nhiên, thực tế sau gần 10 năm hoạt động, VWS chưa thực hiện phân loại, tái chế mà chôn lấp toàn bộ với công suất hơn 5.000 tấn rác một ngày - chiếm khoảng 70% lượng rác của thành phố.
Mùi hôi thối phát tán từ bãi rác Đa Phước được người dân khu Nam Sài Gòn miêu tảgiống phân tươi bón ruộng, rất nồng nặc và không thể chịu nổi. Vụ việc được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM phải làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.
Ngoài việc có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng, giá xử lý rác quá cao của Đa Phước còn khiến TP HCM "mất" 3 triệu USD mỗi năm. Hồi tháng 8 Thường vụ Thành ủy và UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét lại.
Mạnh TùngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn