Đó là những điểm nóng được mổ xẻ trong tọa đàm “Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT giao thông” do báo Công an nhân dân tổ chức sáng 7/9.
Cuộc toạ đàm có sự “đối chất” giữa lãnh đạo nhiều cơ quan như UB Kinh tế của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Bộ GTVT, nhà đầu tư các dự án BOT.
Chính Bộ KH-ĐT nắm việc cấp chứng nhận đầu tư cho dự án BOT
Nói về nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong các dự án BOT, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ, những phát ngôn của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông nêu ra vừa qua như nguy cơ tham nhũng rất lớn, việc làm BOT giao thông hiện đang quá “tù mù”… là dựa trên một nhận định của Ngân hàng thế giới WB và quỹ tiền tệ quốc tế IMF về các dự án BOT nói chung, không phải riêng tại Việt Nam.
“Nhận xét về quá trình triển khai các dự án BOT của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 nói là “tù mù” thì đó rõ ràng chỉ là ý kiến của một người, một cá nhân chứ không phải là của Bộ KH-ĐT, cơ quan chính nắm vai trò phê duyệt, cấp chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong mỗi dự án. Có nhiều bất cập, tồn tại cần khắc phục mà đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ với 12 nhóm vấn đề nhưng BOT không “tù mù” như cá nhân ông Đặng Huy Đông phát biểu” – ông Kiên nhận xét.
Nói về những dự án đang gây bức xúc nhất trong dư luận hiện nay, ông Kiên cũng đề nghị trước hết cần xác định, nỗi bức xúc chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp vận tải chứ không phải người dân tham gia giao thông trên các tuyến đường.
Việc phản đối tại các trạm thu phí là doanh nghiệp vận tải phản đối doanh nghiệp BOT chứ không phải người dân ở Cai Lậy hay Hưng Yên, Hải Dương phản ứng vì hầu hết những người sống lân cận các trạm thu phí đã có cơ chế điều chỉnh riêng và những người nghèo, khó khăn (là những người đi xe máy) đều không phải trả phí.
Nhà nước nợ 4.000 tỷ, không thu phí lấy gì trả nhà đầu tư?
Phân tích “điểm nóng” Cai Lậy (Tiền Giang) nổ ra ít ngày trước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nói, trạm thu phí đặt tại đây là thuộc 1 trong 5 dự án BOT thực hiện kết hợp nâng cấp và đầu tư làm tuyến tránh đô thị.
Với danh xưng trạm thu phí “đi lạc” mà dư luận đặt cho Cai Lậy, ông Nhật giải thích, trước khi thực hiện dự án, Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án mở rộng Quốc lộ 1 qua trung tâm thị xã Cai Lậy nhưng mức vốn cần tới 2.000 tỷ đồng và vướng mắc sẽ rất lớn trong vấn đề giải phóng mặt bằng.
Khi đó, chính UBND tỉnh Tiền Giang nêu nguyện vọng được mở tuyến tránh dài 26km, kết hợp với cải tạo mặt đường 12km Quốc lộ 1 với 14 cây cầu và hệ thống thoát nước 2 bên đường. Vậy nên trạm thu phí được đặt ở vị trí để khai thác cả 2 hạng mục đầu tư này.
Trao đổi thêm, TS.Nguyễn Đức Kiên cho rằng, vấn đề lớn nhất trong vụ việc ở Cai Lậy là khi có phản ứng xảy ra cho thấy sự phối hợp của lãnh đạo địa phương và cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong việc giải quyết là không tốt.
“Việc một lãnh đạo địa phương đương nhiệm nói không biết về văn bản đã ký của lãnh đạo tiền nhiệm, không có trách nhiệm giải quyết, tôi thấy rõ ràng là không hoàn thành nhiệm vụ. Không thể nói mình không biết, không làm gì cả” – ông Kiên nhận xét.
Với sự việc đang xảy ra tại trạm thu phí Quốc lộ 5, ông Kiên đánh giá, việc dùng tiền lẻ của một số tài xế là để thoả mãn bực dọc của cá nhân mà kéo theo hệ quả, ảnh hưởng tới người khác. Còn nếu xác định các tài xế liên kết với nhau thực hiện “chiêu” tiền lẻ để gây tình trạng ùn tắc đường, theo ông Kiên, có thể xác định là hành động có tổ chức để gây rối.
Vấn đề lớn nhất tại điểm nóng này là trạm thu phí để hoàn vốn cho quốc lộ 5B (cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) thì Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội đề cập bằng một câu hỏi, ngân sách nhà nước đang nợ nhà đầu tư 4000 tỷ đồng mà không thu phí thì lấy khoản nào để hoàn trả?
Chuyển qua điểm nóng khác là cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế chia sẻ bức xúc về việc nhà đầu tư cố tình không báo cáo kết quả đếm xe, báo cáo sai doanh số đếm xe, thu phí qua trạm.
Việc doanh nghiệp thu phí sau khi thảm xong mặt đường, theo ông Kiên thì không sai nhưng thu phí với mức như là làm đường mới (1.500 đồng/km) không hợp lý, cần chỉnh sửa lại cho hài hoà.
Theo đó, ông Kiên cho rằng, việc đếm xe, xác định lưu lượng xe qua trạm phải đưa vào khung quản lý của Bộ GTVT. “Cũng có việc rất thực tế là trên cả tuyến cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình thì Pháp Vân – Cầu Giẽ lưu lượng xe rất lớn nhưng đoạn Cầu Giẽ - Cao Bồ lại thấp hơn rất nhiều nên 2 nhà đầu tư bắt tay nhau để lập lờ chuyện đó” – ông Kiên nói thẳng.
Về giai đoạn 2 của dự án – mở thêm 1 làn xe mỗi bên đường, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành 2, Kiểm toán Nhà nước Đoàn Huy Vinh khẳng định, Kiểm toán Nhà nước sẽ công bố báo cáo khi có kết quả kiểm tra.
P.Thảo
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn