Đề xuất "chuyển nhượng" nhân tài ở Đà Nẵng

Thứ hai - 03/10/2016 13:55

Đề xuất "chuyển nhượng" nhân tài ở Đà Nẵng

Hơn 10 năm triển khai đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao tại nước ngoài, Đà Nẵng có 433 học viên tốt nghiệp và được bố trí công việc, tuy nhiên nhiều vị trí chưa phù hợp dẫn đến lãng phí chất xám. 

Tại hội thảo về việc đào tạo và sử dụng nhân tài vừa diễn ra ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Thanh (Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông) kiến nghị thành phố cần nghiên cứu vấn đề nhân tài khi học xong ở nước ngoài, nếu chưa bố trí ngay công việc tại các cơ quan nhà nước, thì có thể "chuyển nhượng" cho doanh nghiệp tư nhân.

"Làm hợp đồng chuyển nhượng, đấu giá nhân lực cho các doanh nghiệp chọn", ông Thanh nói.

Phó chủ tịch Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng việc nhiều nhân tài xin ra khỏi đề án, trả lại tiền cho thành phố, gây lãng phí. Ảnh: Nguyễn Đông.

Phó chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng cho rằng đề xuất trên là vấn đề cần tính đến với thực tế nguồn nhân lực chất lượng cao vừa đi học ở nước ngoài về, được bố trí ở khu vực công quá nhiều. Trong khi đó, những người từng làm ở khu vực tư, nếu vào cơ quan nhà nước sẽ "phát huy được kinh nghiệm rất lớn".

Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao tại nước ngoài (Đề án 922) của Đà Nẵng được thực hiện từ năm 2006, có 433 học viên tham gia đề án đã tốt nghiệp, được bố trí công việc. Tuy nhiên, số liệu khảo sát gần đây cho thấy, 12,5% học viên Đề án 922 đang đi làm cho biết sẽ không tiếp tục làm việc. Thậm chí, có xu hướng học viên xin ra khỏi đề án 922 và chấp nhận bồi hoàn kinh phí cho thành phố. 

Học viên Phan Thị Thu Trang. Ảnh: Nguyễn Đông.

Học viên Phan Thị Thu Trang (tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học ở Anh) cho biết được bố trí công việc tại Trung tâm công nghệ sinh học thành phố, tuy nhiên "khi về nước rất muốn có máy móc hiện đại để nghiên cứu chuyên sâu, làm đề tài khoa học nhưng hiện tại chưa được trang bị phù hợp".

Theo bà Võ Thị Bích Hậu, Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, với những nhân tài về thành phố làm việc, nếu không có máy móc hiện đại để nghiên cứu như từng được tiếp cận ở nước ngoài, việc "các em bỏ đi nơi khác là sớm hay muộn mà thôi".

Đại diện Quỹ đầu tư Đà Nẵng cho biết tiếp nhận về 3 học viên từ Đề án 922. Đến nay 2 người đã nghỉ, người còn lại chuyển công tác, dù đều có năng lực. "Người đào tạo ở nước ngoài có tư duy độc lập và luôn muốn phản biện. Trong khi lãnh đạo ở trong nước thường quen với việc chỉ đạo. Có khi lãnh đạo còn chưa theo kịp kiến thức của các em, nhưng lại muốn từ chối. Đó là điều vô lý", vị này nói.

Ông Bùi Văn Tiếng nhận định nhiều học viên tốt nghiệp ở nước ngoài khi nêu chính kiến dễ bị lãnh đạo "chiếu tướng". Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng chuyện những người thực sự giỏi ở Đà Nẵng bỏ đi, rõ ràng phải có lý do, "lãnh đạo vẫn còn tâm lý nghe những điều mình muốn nghe, hơn là ý kiến phản biện".

Ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng, cho biết Đề án 922 triển khai 10 năm nay nhưng lãnh đạo thành phố chưa có những buổi đối thoại với nhân tài để lắng nguyện vọng của họ.

Nguyễn Đông

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây