Thái Lộc kể:
Từ lúc nhỏ đã sống với ông bà ngoại ở quê huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông bà ngoại cũng không kể gì với tôi về ba mẹ của mình.
Đến năm lớp 7, ông ngoại bị bệnh. Để tiện cho việc điều trị bệnh cho ông ngoại, tôi theo ông lên ở cùng với mẹ ở TP Bến Tre. 1 năm sau, ông ngoại qua đời. Đây cũng là mất mát lớn đối với tôi nhưng phải chấp nhận.
Từ lúc ông ngoại mất, sự quan tâm, yêu thương của gia đình đối với tôi không còn nhiều. Đến hè năm lớp 8, tôi vô tình nghe được cuộc điện thoại của mẹ. Tôi không tin những gì mình nghe được, rằng tôi không phải là dòng máu của mẹ, không phải là con đẻ của mẹ mình.
Thái Lộc cùng mẹ tại buổi lễ khai giảng
Thì ra mẹ ruột tôi lúc sinh tôi được 30 phút thì qua đời do mất nhiều máu. Mẹ nuôi tôi lúc đó đã lớn tuổi, biết được hoàn cảnh mà thương xót nhận tôi về nuôi. Để tiện cho công việc, mẹ gửi tôi về cho ông bà ngoại chăm sóc. Lúc này, tôi hiểu ra tất cả. Sự thật đau đớn khiến tôi khóc không thành tiếng. Tim tôi đã vỡ ra và tôi đã mất đi nụ cười ngây thơ ấy. Cũng từ đó, tôi ít trò chuyện, ít tiếp xúc với gia đình hơn. Ngoài giờ học, tôi về nhà chỉ biết lặng lẽ giam mình trong phòng. Dần dần, tôi theo bạn bè đi chơi cho vơi nỗi buồn. Và tôi đã không lo học kể từ đây. Mẹ bắt đầu nghi ngờ kiểm tra tôi 2 tuần đi học nhưng tập toàn giấy trắng.
Mẹ lo lắm. Mẹ ngưng việc học của tôi và xin bảo lưu kết quả. Tối chủ nhật đó mẹ nói với tôi rằng: “Ngày mai mẹ sẽ đưa con lên TP.HCM học tập”..
Tôi không tin vào tai mình. Tôi hỏi lại: “Tại sao mẹ lại cho con đi học xa như vậy?. Con đi học xa mẹ có buồn hay không? ”. Tôi chợt nhìn vào mắt mẹ. Mẹ khóc và nói: “Con đi học xa mẹ buồn lắm. Mẹ chỉ có mình con, con đi học xa, nhà sẽ rất vắng. Nhưng mẹ muốn kết quả học tập và tương lai của con tốt hơn. Dù buồn cách mấy, mẹ vẫn có thể chấp nhận được”.
Hôm sau, mẹ đưa tôi lên Sài Gòn vào một trường nội trú. Tôi thật sự không muốn bước vào ngôi trường có hàng rào cao như thế. Tôi nghĩ sẽ ngột ngạt lắm. Nhưng tôi không có sự lựa chọn. Mẹ đã làm thủ tục nhập học và trường đã nhận tôi. Tôi làm quen trường mới, lớp mới.
Nhiều học sinh trong trường chú ý theo dõi khi nghe Thái Lộc kể câu chuyện của mình. Ai cũng xúc động
Trong tôi giờ đây xuất hiện những suy nghĩ không tốt về mẹ mà trước đây tôi chưa từng có: “Có phải mẹ ghét bỏ tôi, không muốn lo cho tôi. Mẹ muốn tôi học nội trú để bớt đi trách nhiệm sao?”. Từ đó, dần dần tôi không còn thương mẹ như trước. Cũng từ đó, tôi cảm giác thấy nhà là nơi buồn chán, tẻ nhạt. Tôi không muốn về đó. Tôi muốn né tránh tất cả mọi thứ liên quan đến mẹ. Thời gian của tôi ở trường vào cuối tuần còn nhiều hơn về nhà. Chưa bao giờ tôi thấy khoảng cách giữa mình và mẹ lớn đến vậy.
Đầu năm học vừa qua, tôi chuyển sang trường THPT Nhân Việt. Đây là ngôi trường tôi tự xin vào học, tự xin đi nộp hồ sơ. Lúc đầu, tôi không muốn học ở trường mới vì thấy sức học của tôi không phù hợp. Nhưng nhờ vào sự động viên của thầy cô, bạn bè mà tôi đã cố gắng. Và tôi thấy mình đã đúng khi có quyết định này. Bởi ở đây, tôi không chỉ được quan tâm, dạy dỗ về kiến thức mà còn được dạy về biết ơn công lao cha mẹ. Cũng từ đó, tôi nhận thức được mọi chuyện. Tôi hiểu biết hơn, chín chắn hơn. Tôi hiểu được, có thể tôi kém may mắn nhưng bù lại mẹ đã cho tôi quá nhiều. Mẹ đã nuôi lớn tôi có được vóc dáng, hình hài như hôm nay. Tôi thầm biết ơn mẹ.
Tôi cũng hiểu được rằng, do khi nhận tôi về nuôi, mẹ đã lớn tuổi. Mẹ không muốn tôi buồn khi biết sự thật và không muốn tôi phải nghe những lời dị nghị nên mẹ mới gửi tôi về với ông bà ngoại. Giờ đây, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng hằng ngày, mẹ phải vất vả làm việc để nuôi tôi ăn học. Mẹ đã cưu mang tôi, dẫu không máu mủ ruột rà. Vượt qua bao lời đàm tiếu của người đời.
Mẹ đã giúp tôi nhận ra: “Dù có chuyện gì xảy ra mẹ vẫn không bỏ rơi tôi”. Vậy mà từ nhỏ đến giờ tôi đã làm mẹ khóc nhiều hơn cười. Tôi có thể dành tình cảm, thời gian gọi điện thoại cho bạn bè hàng tiếng đồng hồ nói chuyện mà vẫn không đủ. Nhưng với mẹ, tôi thườngng nói chuyện chưa đầy 5 phút. Nhiều lúc tôi muốn ngồi nói chuyện với mẹ để hai mẹ con hiểu nhau hơn nhưng tôi không làm được. Tôi hối hận và tự trách bản thân mình, nếu suy nghĩ chín chắn hơn đã không làm mẹ buồn nhiều như vậy.
Giờ đây, tôi đã lớn và đã khá trưởng thành. Tôi đã nhận ra: Hằng ngày mẹ vẫn lo lắng cho tôi. Nhìn mẹ, tôi nghĩ đến cây dừa. Dáng gầy guộc nhưng luôn vươn cao tạo quả ngọt cho đời. Dáng mẹ vất vả với gánh nặng mưu sinh nhọc nhằn để tôi có được những gì tốt đẹp nhất.
Tôi cũng đã hiểu lý do, mẹ cho tôi đi học xa. Lý do mẹ hay la mắng…Tất cả là bởi vì mẹ thương tôi. Mẹ muốn tôi tự lập, mạnh mẽ, vươn cao, vươn xa như những hàng dừa ở quê. Dẫu cho sóng gió đến đâu thì thân dừa vẫn thẳng, lá vẫn xanh. Tôi cũng phải như vậy. Kiên định, vững vàng ngẩng cao đầu đối mặt với nghịch cảnh và luôn hiểu rằng: “Phía trước là con đường đi đến tương lai còn phía sau tôi là mẹ. Mẹ là mái nhà, là quê hương, là nơi tôi khát khao được quay trở về”.
Thời gian trôi qua thật nhanh. Mới đó mà đã 17 năm. Con xin lỗi mẹ vì những lần con ngang bướng, không nghe lời mẹ, làm mẹ buồn, mẹ khóc. Và con còn nợ mẹ hai từ cảm ơn. Cảm ơn mẹ. Cảm ơn cuộc đời đã mang mẹ đến với con.
Mẹ ơi!. Năm học này là năm cuối cấp. Là bước ngoặt quyết định tương lai của con. Đó là niềm tin, niềm hạnh phúc mẹ đặt vào con. Con sẽ không làm mẹ thất vọng. Con sẽ cố gắng, nỗ lực bằng những gì đang có. Con sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Con hứa sẽ không làm nước mắt mẹ rơi thêm một lần nào nữa. Nếu có rơi thì con mong muốn đó chính là giọt nước mắt hạnh phúc bởi sự trưởng thành của con. Con sẽ biết trân trọng những gì mẹ dành cho con.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn