Làm việc cần mẫn đến những chuyến phà cuối
Có mặt tại Bến phà Đình Vũ vào sáng nay (1/9), phóng viên Dân trí ghi nhận, mọi hoạt động tại nơi đây vẫn diễn ra bình thường. Tại khu vực bến, phà to, phà nhỏ đỗ ngay ngắn sẵn sàng đón khách. Phía trên bờ công nhân vẫn hối hả vận chuyển dầu mỡ xuống phà, những thanh gỗ, cầu sắt vẫn đang được chuyển đến vị trí phà cập bến để đón khách lên xuống. Nhân viên bán vé, soát vé, dọn vệ sinh…vẫn cần mẫn với công việc của mình như chưa hề có việc ngày mai tại đây sẽ không còn khách qua lại.
Chị Đặng Hồng Yến (28 tuổi) nhân viên bán vé ngay tại lối vào bến cho biết, chị đã gắn bó với công việc này hơn 3 năm rồi. “Vẫn biết trước và đã chuẩn bị tinh thần sẽ phải xa rời nơi này nhưng đến tận hôm nay tôi vẫn thấy buồn, thấy hụt hẫng”, chị Yến chia sẻ.
Ông Trần Quốc Dũng, phà trưởng 02, người có thâm niên 37 năm làm bạn với những chiếc phà chia sẻ, 15 năm trước (năm 2002) ông đã đến với bến phà này và gắn bó suốt những năm tháng qua nên nơi đây đã trở thành gia đình thứ 2 của ông. “Phải từ bỏ một nơi đã gắn bó nhiều năm tránh sao khỏi lưu luyến, buồn…Nhưng cá nhân tôi và anh em ở đây cũng mừng vì cây cầu ra đời. Có cầu người dân sẽ đi lại đỡ vất vả hơn, có cầu là sẽ thông thương và phát triển.”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, hôm nay có thể coi là những chuyến phà cuối cùng vì dù chưa có quyết định dừng hoạt động chính thức nhưng ngày mai chắc chắn sẽ không còn khách qua bến. Tuy nhiên cán bộ, nhân viên của bến vẫn làm việc như bình thường. Từ sáng đã có nhiều chuyến phà cả to, cả nhỏ đưa khách qua lại giữa hai bờ.
Cũng chung tâm trạng như nhiều cán bộ, nhận viên của bến, chị Phạm Thị Dung (55 tuổi), người đã bán hàng trên phà ngay từ khi bến phà này ra đời cũng tâm sự, chị vốn là người Cát Hải, phà gắn liền với cuộc sống của chị suốt 15 năm qua. Hàng ngày chị có mặt trên phà từ chuyến đầu tiên khi mặt trời mới mọc đến chuyến cuối cùng khi mặt trời lặn. “Phà đi đâu tôi cũng sẽ đi theo đó để phục vụ khách đi phà”, chị Dung chia sẻ.
Anh Trần Quang Trung (45 tuổi, ở Hà Nội) đang cùng gia đình ra Cát Bà du lịch cho biết, đi cầu sẽ thuận tiện, sẽ nhanh hơn nhưng cảm giác đi trên phà cũng mang lại nhiều thú vị, nhất là đối với khách du lịch.
Mong vẫn tiếp tục được làm việc
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Đức Hồng, trưởng Bến phà Đình Vũ cho biết, bến được ra đời vào tháng 4/2002 dưới sự quản lý của công ty Cổ phần Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng. Bến có hơn 100 cán bộ, công nhân viên (trong đó một nửa dưới phà và một nửa trên bờ).
Ông Trần Quốc Dũng, Trưởng phà 02 cảm thấy buồn khi phải xa rời ngôi nhà thứ 2 là Bến phà Đình Vũ
Cũng theo ông Hồng, việc cây cầu ra đời cả bến cũng vui cùng cái chung của người dân nhưng cũng buồn vì phải xa rời nơi mình đã nhiều năm gắn bó. Liên quan đến số phận của hơn 100 con người tại đây sẽ đi về đâu sau khi bến có quyết định dừng hoạt động chính thức, ông Hồng cho biết: “Toàn bộ phương tiện sẽ được chuyển về phà Bến Gót để tăng cường phục vụ khách từ Cát Hải sang Cát Bà. Còn đối với cán bộ, công nhân viên phục vụ trên bờ Bến cũng đã cử đi học chuyển đổi nghiệp vụ và đề xuất được phục vụ việc bảo trì, duy tu… trên cây cầu. Tâm tư nguyện vọng của tất cả cán bộ, công nhân viên tại đây là được các cấp, các ngành quan tâm để tất cả đều có công ăn, việc làm.”.
Chúng tôi rời Bến phà Đình Vũ khi một chuyến phà mới vừa cập bến và nhân viên của bến vẫn đang hối hả điều hành xe cùng khách lên bờ. Phía trên bờ là một dãy dài những chiếc xe ô tô đang xếp hàng chờ xuống phà, khu nhà chờ khách vẫn đang chen chân dù không còn đông như mọi năm.
Dẫu biết ngày mai nơi đây sẽ vắng lặng bởi không còn khách qua lại và mọi hoạt động cũng dừng, chỉ còn chế độ trực bến. Nhưng hình ảnh về bến phà này chắc chắn vẫn sống trong ký ức những con người đã gắn bó với nơi đây suốt 15 năm qua cũng như người dân đất Cảng cùng du khách từng qua đây.
An Nhiên
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn