Lúc 4h ngày 13/9, áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/h), giật cấp 8-9. Di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ áp thấp đi được 15-20 km, và sang Lào sau 12 giờ tới.
Từ chiều 12/9, nhiều tuyến đường ở phố cổ Hội An đã bị ngập do mưa lớn. Ảnh: Đ.X |
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi (gồm cả Cù Lao Chàm và huyện đảo Lý Sơn) sáng nay có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 6-9.
Các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to. Riêng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (phổ biến 50-150 mm). Khu vực Bắc Tây Nguyên sáng nay có mưa to (phổ biến 50 mm).
Ngoài ra, khu vực Nam Biển Đông (gồm cả vùng biển Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Cà Mau tiếp tục có mưa giông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2-3 m, biển động.
Ba tàu cá bị chìm
Hai tàu cá của ngư dân Nghĩa An (Quảng Ngãi) bị mắc cạn và sóng đánh chìm. Ảnh: Báo Quảng Ngãi |
Ngày 12/9, hai tàu đánh cá của ngư dân xã Nghĩa An (Quảng Ngãi) đang đánh bắt nghe tin bão chạy vào bờ trú ẩn. Cách bờ chừng 200 mét, qua cửa Đại (xã Nghĩa An) hai tàu bị mắc cạn, cùng lúc sóng đánh mạnh làm cả hai bị chìm, 6 ngư dân bơi vào đất liền an toàn.
Một tàu đánh cá khác mang số hiệu Khánh Hòa cũng bị chìm trên địa phận huyện đảo Trường Sa, 6 ngư dân đã kịp thời xuống thuyền thúng và được tàu gần đó ứng cứu.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ chiều 12/9, các tỉnh trong vùng ảnh hưởng của bão đã được lệnh cấm biển.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý 6 tỉnh có mưa lớn từ Quảng Trị đến Bình Định và 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum cần đặc biệt đề phòng lũ lớn.
Tàu cá neo đậu ở Khánh Hoà tránh bão. Ảnh: X.N |
"Rút kinh nghiệm 3 cơn bão vừa qua mưa lũ gây thiệt hại lớn về người, cần đặc biệt cảnh báo người dân không đi lại trong thời gian xảy ra áp thấp, bão, mưa lũ và sau đó một vài ngày", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh và đề nghị cơ quan phòng chống cứu hộ cứu nạn, kiểm ngư, bộ đội biên phòng chuẩn bị với tinh thần cao nhất phương án ứng cứu khi có sự cố.
UBND TP Đà Nẵng cho học sinh toàn thành phố nghỉ học sáng 13/9, yêu cầu các phương tiện không lưu thông trong gió bão, mưa ngập.
Mưa lớn gây ngập nước trên đường phố Đà Nẵng. Ảnh: Đ.X |
Trao đổi với VnExpress lúc 23h20 ngày 12/9, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết đã hoàn thành việc di dời gần 100 hộ dân ở khu B1 Hồng Phước (phường Hòa Khánh Bắc) đến những khu cao ráo để đề phòng ngập lụt trong đêm. Theo ông Hưng, khu B1 Hồng Phước nằm gần trạm xử lý nước thải, mưa lớn sẽ có nguy cơ ngập, nên việc di dời dân là cấp bách.
Riêng khu vực nhà liền kề Làng Vân (dành cho những hộ dân bị bệnh phong đã được chữa khỏi đưa về đất liền), Đà Nẵng cho gia cố lại nhà cửa, cắt cử lực lượng túc trực để ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Tại Quảng Ngãi, ông Trần Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh đã yêu cầu tạm dừng tất cả cuộc họp không cần thiết để phòng chống bão.
Tỉnh Bình Định cũng rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở; chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra cửa đập, tránh trữ lượng nước tại các hồ chứa quá lớn, gây nguy hiểm.
Siêu bão cấp 16 hướng vào biển Đông Phía đông Philippines xuất hiện siêu bão Meranti mạnh cấp 16, nhiều khả năng sẽ đi vào bắc biển Đông với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Cơ quan khí tượng dự báo, mực nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, ven sông các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên. |
Nhóm phóng viên
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn