Liên quan đến việc hướng dẫn nuôi trồng, khai thác thủy hải sản; giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sau sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra, chiều ngày 29/8, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT).
- Tại Hội nghị “Báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường biển miền Trung và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản” tại Huế hôm 27/8 vừa qua, Bộ NN&PTNT có đưa ra 4 phương án hướng dẫn khai thác, giám sát sản phẩm hải sản, việc nuôi trồng thủy sản và nghề muối tại tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên–Huế. Vậy đến nay, Bộ NN&PTNT đã thống nhất phương án cụ thể nào phù chưa, thưa ông?
- Hội nghị tại Huế hôm 27/8 là nhằm lắng nghe ý kiến của các địa phương và những nguyện vọng của ngư dân. Tại cuộc họp này Bộ NN&PTNT đã đưa ra 4 phương án khai thác, nuôi trồng thủy sản và nghề muối, song đây chưa phải là những phương án cuối cùng.
Ngày 29/8, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản 7268 về hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; khai thác hải sản, giám sát an toàn phực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Bắc miền Trung. Văn bản hướng dẫn này dựa trên các phân tích chỉ số môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời căn cứ vào các kết quả khảo sát của Bộ NN&PTNT.
- Vậy những nội dung hướng dẫn trong văn bản số 7268 là như thế nào, thưa ông?
- Đối với nuôi trồng thủy sản, các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hoạt động nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ bình thường đối với tất cả các phương thức nuôi: nuôi lồng bè, bãi triều và trong ao, đầm,…
Đối với khai thác thủy hải sản trên biển, các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển kết hợp lấy mẫu giám sát về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm hải sản khai thác.
Để phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh là nơi cư trú của các loài thủy sản, khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại ba khu vực biển như: Hòn Sơn Dương (tỉnh Hà Tĩnh) cách bờ 1,5 km với diện tích 300 km2; Cửa Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình) cách bờ 1,5 km với diện tích 330 km2; Hòn Sơn Chà (tỉnh Thừa Thiên Huế) cách bờ 1,5 km với diện tích 160 km2.
Đặc biệt, Bộ cũng khuyến cáo ngư dân không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như nghề: lưới kéo, rê đáy, lặn, câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
- Còn nghề khai thác muối tại 4 tỉnh miền Trung nói trên, Bộ NN&PTNT đã có hướng dẫn, cũng như khuyến cáo gì cho các diêm điền?
- Các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn diêm dân tham gia hoạt động sản xuất muối bình thường.
Sở NN&PTNT 4 tỉnh miền Trung chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản định kỳ lấy mẫu muối và giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm muối với các chỉ tiêu phân tích: cadimi, chì, thủy ngân, arsen, phenol, xyanua; tần suất 1 lần/tháng theo từng khu vực sản xuất muối.
- Xin cảm ơn ông!
Tại Hội nghị “Báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường biển miền Trung và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản” tại Huế hôm 27/8 vừa qua, Bộ NN&PTNT có đưa ra 4 phương án hướng dẫn khai thác, giám sát sản phẩm hải sản, việc nuôi trồng thủy sản và nghề muối tại tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên–Huế:
Phương án 1 là cấm ngư dân khai thác hải sản tại vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ kéo dài từ Vũng Áng đến hết hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế) và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.
Phương án 2 là cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm ba vùng biển như Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo, gồm các vùng biển cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh) với diện tích 300 km2, Nhật Lệ (Quảng Bình) với diện tích 330 km2, hòn Sơn Chà (Thừa Thiên – Huế) với diện tích 160 km2. Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.
Phương án 3 là cho phép ngư dân khai thác bình thường, tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ. Cấm nghề khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại 4 tỉnh miền Trung đối với các nghề: lưới, kéo, rê đáy, lăn, lồng bẫy.
Phương án 4 là cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về. Tại phương án này, lưu ý trong thời gian Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa công bố môi trường biển hoàn toàn sạch và trở về bình thường; Bộ Y tế chưa công bố hải sản khai thác tại 4 tỉnh hoàn toàn an toàn thì các địa phương khuyến cáo, vận động ngư dân chưa nên khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ, hải sản tầng đáy, rạn san hô khu vực vùng bị ảnh hưởng.
Nguyễn Dương(thực hiện)
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn