Tôi có một cậu em họ, thưở thanh niên quậy phá ngút trời, ai cũng bảo rằng sau này cô nào mà vấp phải nó thì đời chỉ có khổ. Ấy vậy mà sau khi lấy vợ nó thay đổi hoàn toàn. Mọi người trong làng còn dành hẳn một câu để nói về nó “trời không sợ, đất không sợ, chỉ sợ vợ”.
Một lần về quê, trong lúc vui chuyện, tôi định trêu đùa cậu ấy một tý cho vui xem cậu phản ứng thế nào: “Nghe mọi người bảo cậu sợ vợ kinh lắm, có thật không đấy?”. Không ngờ cậu ấy khẳng khái: “Vâng, em sợ gì mà không sợ”. Rồi cậu ấy kể cho tôi nghe từ ngày lấy vợ, cô ấy đã nói những gì, đã làm những gì và đối xử với cậu ra sao. Nói chung là từ trước đến nay người ta chỉ quen chỉ trích cậu, phê bình và giễu cợt cậu, còn vợ cậu lại yêu cậu bằng cả tấm lòng. Cô ấy luôn động viên và khích lệ, khiến cho cậu cảm thấy mình tự tin, vững vàng hơn.
Cậu nói: Chị biết đấy, em vốn ham chơi, từ trước tới giờ mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều mẹ em lo liệu. Giờ em lấy vợ về, mọi việc bà giao hết cho cô ấy. Cô ấy đảm đương được hết, nhưng làm gì cũng hỏi ý kiến em. Mẹ em đẻ ra em, nuôi dưỡng chỉ tốn tâm phí sức lại còn chịu bao nhiêu phiền muộn, còn cô ấy đâu có được mẹ em nuôi dưỡng ngày nào, vậy mà cô ấy chăm mẹ chu đáo, tận tình như con cái trong nhà. Từ ngày có vợ, em ít bị mẹ rầy la hơn, anh em họ hàng cũng quý em hơn, cũng là nhờ cô ấy trổ tài đối ngoại.
Ngày cô ấy chuyển dạ, em còn mải cùng đám bạn sát phạt đỏ đen. Đến khi chạy được đến bệnh viện mới hú hồn biết là vợ vừa qua cơn nguy kịch do bị băng huyết. Nhưng cô ấy không hề than trách, chỉ yếu ớt mỉm cười bảo may mắn đời không để con gái mồ côi mẹ. Lúc đó nhìn con gái còn đỏ hỏn, nghĩ đến sự cố vừa qua, em rùng mình sợ hãi.
Ngày trước em lấy cô ấy, là gái lỡ thì vừa già vừa xấu, chẳng qua vì quá chơi bời lêu lổng không ai để tâm, trong lúc mẹ già thì càng ngày càng yếu, đành tặc lưỡi lấy vợ cho xong, đến đâu thì đến. Vậy nên sau cưới em bỏ mặc cô ấy lo toan việc trong việc ngoài. Nhưng rồi qua bao phen mới nhận ra, chính cô ấy đã cứu vớt tâm hồn em, cho em cảm nhận được những giá trị của gia đình, giúp em hiểu được rằng làm con, làm chồng, làm cha là một việc cực kì ý nghĩa.
Vợ em nghĩ gì, làm gì cũng mong muốn mọi thứ tốt hơn, vậy nên em tin, em nghe vợ. Bà con làng xóm, bạn bè xưa nay cứ nghĩ ngữ như em chắc chỉ quát nạt đánh đập vợ là giỏi, giờ thấy em nghe vợ thì bảo là em sợ vợ, thực ra sợ vợ và nể vợ khác nhau. Nhưng nói thế nào cũng được. Sợ vợ mà gia đình hòa thuận, cửa nhà êm ấm thì sợ gì mà không sợ.
Nghe cậu em tâm sự, lòng tôi rất đỗi hân hoan. Làm phụ nữ, quan trọng nhất là được người đàn ông của đời mình trân trọng và thấu hiểu. Có nhiều chị vốn dĩ rất hiền lành, sau bao năm làm vợ bỗng biến thành “mụ sư tử lắm điều” trong mắt các ông chồng đáng kính. Chẳng có chị em nào muốn thế, nhưng cuộc sống với bao nỗi lo toan, nếu không được bạn đời đồng cảm sẻ chia thì sẽ dễ gây ức chế. Người ta vẫn nói rằng phụ nữ dễ chịu đựng, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, bức xúc quá, ức chế quá thì phải bật thành lời, lời nặng nề thì khó lọt tai nhưng không nói thì làm sao giải tỏa?
Tôi đã đọc đâu đó tâm sự của một người đàn ông, đại ý rằng: mình đến nhà vợ thì được bố mẹ vợ đối đãi như khách quý, còn vợ mình về nhà chồng thì phải tất bật lao vào dọn dẹp nếu không muốn bị chê là lười biếng. Mẹ chồng thì lúc nào cũng sợ con dâu giành mất con trai nên luôn tìm cách để chứng tỏ quyền uy của mình trước mặt con dâu. Mẹ vợ thì vì muốn con gái dễ sống ở nhà chồng nên hết lòng chiều con rể. Con gái đã bước chân đi lấy chồng thì về nhà mẹ đẻ như khách, đối với nhà chồng cũng chỉ là người ngoài, nếu không được chồng yêu thương, chẳng phải đã trở thành một kẻ mồ côi không nơi nương tựa?
Quan điểm trên, tất nhiên chỉ mang tính cá nhân nên có thể có người đồng tình, có người không. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, một người phụ nữ hạnh phúc chắc không phải vì những nữ trang đắt tiền hay thời trang hàng hiệu họ khoác trên người, cũng không phải là địa vị cao hay chức trách mà họ đang đảm nhiệm. Một người phụ nữ hạnh phúc khi được bạn đời yêu thương, thấu hiểu và tôn trọng, còn nếu không họ cũng chỉ là những “người giàu cũng khóc” mà thôi.
Lê Giang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn