Từ sòng phẳng là tốt đến sòng phẳng phát sợ
Hai vợ chồng chị Vân và anh Yên đều là con cả, sau anh chị là cả một đàn em. Lấy nhau, có cuộc sống tương đối khá giả nên hai anh chị xác định mình phải có trách nhiệm với các em giúp đỡ cha mẹ phần nào. Hai vợ chồng luôn công khai với nhau chuyện biếu tiền bên nội, bên ngọai. Nhưng khổ nỗi gia đình của hai bên anh chị thì lại không như vậy, họ luôn nghĩ con dâu/con rể thiên vị gia đình của mình hơn, rồi từ đó lời ra tiếng vào xì xào.
Hạnh phúc của hai anh chị cũng vì thế mà nhiều phen sóng gió. Cuối cùng họ đã nghĩ ra một cách. Đó là họ sẽ chia khoản thu nhập của mỗi người ra làm đôi một phần cho gia đình của họ, phần kia để tùy mỗi người sử dụng cho cha mẹ, em út của mình. Có như thế mới chấm dứt được chuyện tỵ hiềm đôi bên.
Quyết định này đã được công bố trong một cuộc họp cả hai gia đình. Và cũng từ đó hai anh chị được sống yên ổn, không còn bị những xì xào rằng dâu nhà đó chỉ biết vơ tiền về cho nhà mình, rể nhà kia kẹt với cả bố mẹ vợ…
Vợ chồng Hòa – Trịnh thuộc thế hệ cuối 8x. Ngay từ khi lấy nhau hai vợ chồng đã rạch ròi sòng phẳng với nhau các khoản chi tiêu trong nhà như: chồng lo tiền học, tiền ăn cả nhà, vợ lo điện nước, mua sắm vật dụng, biếu hai bên nội ngoại thì nhà vợ vợ lo, nhà chồng chồng lo nhưng sẽ nói là của chung… Sòng phẳng là tốt nhưng sòng phẳng như vợ chồng Hòa – Trịnh cũng quá đà.
Ông chồng tháng nào chậm lương là y như rằng bị cắt cơm thẳng thừng, cô vợ dẫn con đi ăn mặc ông chồng đi làm về loay hoay với mấy gói mỳ; cô vợ đi công tác, ông chồng thay vợ đưa con đi học, không đưa được thuê xe ôm và khi vợ về tính tiền xe ôm đó cho vợ, vì vợ đã được phân công chuyện đưa đón con.
Có một lần mẹ vợ cấp cứu, vợ đang đi công tác, chồng gọi điện báo vợ và nhân tiện hỏi luôn tiền riêng của vợ để đâu để lấy lo cho bà. Vợ phát cáu quát lên bảo cứ lấy tiền chồng ra thanh toán đi về vợ trả đủ cả lãi nữa. Không biết sau vụ này thì tư duy sòng phẳng của hai vợ chồng có thay đổi được chút nào không?
Phần cứng và phần mềm
Nói về chuyện sòng phẳng tiền bạc vợ chồng có nhà tâm lý đề xuất một giải pháp khá sòng phẳng là vợ chồng nên có một quỹ chung coi như “phần cứng” để duy trì sự tồn tại tối thiểu của một gia đình như tiền ăn, tiền nhà, tiền học cho con, tiền ga, tiền điện... Cần có thỏa thuận rõ ràng mỗi tháng anh góp bao nhiêu, chị bao nhiêu vào cái quỹ chung ấy.
Điều này phụ thuộc vào khả năng kiếm tiền và ý thức xây dựng gia đình của mỗi người. Nếu có điều kiện tạo dựng một “ngân sách dự phòng”, cũng nên định rõ ai đóng góp hàng tháng bao nhiêu. Sau khi đã nộp đủ hai khoản cơ bản đó, mỗi người có thể chi tiêu tùy thích với số tiền còn lại, coi như “phần mềm” của riêng mình.
“Sòng phẳng như vậy giúp cả hai nhìn rõ tương lai của cuộc hôn nhân, thấy được những khó khăn phải vượt qua để khỏi bị bất ngờ” – nhà tâm lý lý giải.
Tuy nhiên, đã là vợ chồng không nên quá chi li, rạch ròi như người dưng nước lã. Những lúc khó khăn hoạn nạn không thể tính toán thiệt hơn, bởi tình nghĩa đâu thể tính được bằng tiền. Những đôi vợ chồng hạnh phúc bao giờ cũng tin nhau, biết rằng sự chi tiêu của người kia là cần thiết, dù cho đó là để thỏa mãn sở thích bản thân hay giúp đỡ những người cần giúp đỡ.
Như vậy, câu hỏi “vợ chồng có nên sòng phẳng” không thể có câu trả lời mẫu số chung cho tất cả mọi trường hợp. Chỉ có một điều là khi chúng ta đã nhận diện được đồng tiền có thể là phương tiện tạo ra hạnh phúc, nhưng cũng có thể là kẻ phá hủy hôn nhân thì ta sẽ biết cách đối xử với nó. Và sòng phẳng hay không sòng phẳng là tùy mỗi gia đình quyết định.
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn