Bản tin “Tạp chí kinh tế cuối năm 2017”, phát sóng trên kênh VTV1 vào ngày 17/2 vừa qua chia sẻ câu chuyện chạy xe ôm công nghệ của người trẻ. Trong đó, một kỹ sư và một thạc sĩ kinh tế tham gia trả lời phỏng vấn, thu hút sự chú ý của dư luận.
Thạc sĩ kinh tế chạy xe ôm công nghệ xuất hiện trong bản tin của VTV1
Chàng kỹ sư trẻ tuổi cho hay, anh tốt nghiệp đại học đã 2 năm nhưng không tìm được việc làm ưng ý nên chạy xe ôm công nghệ mưu sinh. Mỗi tháng, anh kiếm được 8 triệu đồng trong khi không nhất thiết phải làm toàn thời gian trong ngày.
Còn thạc sĩ kinh thế thì chia sẻ, anh vẫn làm công việc chuyên ngành tại công ty nhưng ngoài giờ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập, nuôi sống bản thân và gia đình.
Đây không phải lần đầu câu chuyện cử nhân, thạc sĩ “gác bằng”, chạy xe ôm kiếm sống được nhắc đến, thế nhưng vẫn rất thu hút sự chú ý của dân mạng. Có hai luồng ý kiến trái chiều, một bên cho rằng, đó là công việc chính đáng, là giải pháp mưu sinh hiệu quả của những người chưa tìm được việc như mong muốn. Một bên lại cho rằng, thạc sĩ làm xe ôm là lãng phí chất xám và suy nghĩ ngắn hạn.
Chàng kỹ sư cũng chạy xe ôm công nghệ mưu sinh
Nick name Alain Tran viết, ở góc độ nghề nghiệp, chạy xe ôm công nghệ là một công việc chính đáng, ở góc độ giáo dục, thạc sĩ làm xe ôm là lãng phí nhân lực. Và ở góc độ bản thân, công việc này thể hiện sự kém cỏi của chính những người đã dành 18 năm ấp ủ, cố gắng, miệt mài học tập, cộng thêm tiền của của gia đình để có được tấm bằng thạc sĩ.
“Để rồi lựa chọn một cái nghề ai cũng có thể làm được mà không cần phải học, một nghề cạnh tranh với những người hoàn cảnh, không có điều kiện, khiếm khuyết.. Mọi người cổ súy chứ riêng tôi thấy éo le cho tư duy của bạn ấy, việc làm này chẳng khác nào lấy dao vàng đi bổ củi”, Alanin Tran nói.
Nick name Kim Tuyến cũng đồng ý với quan điểm đó. Chị cho rằng, vấn đề ở đây không nằm ở việc lựa chọn chạy xe ôm để có mức lương cao tức thời thay vì chọn công việc chuyên ngành mức lương thấp, mà là ở chỗ chất lượng thực sự của tấm bằng cử nhân, thạc sĩ đó.
“Tại sao họ lại không xin được công việc ưng ý để rồi phải chạy xe ôm nuôi sống bản thân? Tôi đồng ý đó là một công việc chân chính, đáng tôn trọng thế nhưng lại quá bấp bênh, không tương xứng với trình độ cử nhân, thạc sĩ. Nếu như những năm tháng sinh viên, họ chủ động, chăm chỉ hơn một chút, ra trường với khối kiến thức thực sự thì chắc chắn có một vị trí tốt ở công việc tương xứng với chất xám”, chị bày tỏ.
Nhiều người cho rằng việc có bằng cấp vẫn chạy xe ôm kiếm sống chẳng có gì đáng chê cười
Tuy nhiên, đông đảo dân mạng lại bình luận, chuyện cử nhân, thạc sĩ chạy xe ôm kiếm sống chẳng phải là vấn đề đáng bàn, chỉ cần họ làm công việc chân chính.
Nick name Kim FC viết: “Em thấy không có gì cả, người chọn nghề, nghề chọn người, miễn là làm công việc có ích cho xã hội và không xấu hổ với lương tâm. Nay chạy xe ôm nhưng biết đâu ngày mai lại là ông chủ của một tập đoàn xe ôm công nghệ thì sao? Đừng vội chê trách họ”.
Nick name Kiên Nguyễn cũng cùng ý kiến. Anh cho rằng, mỗi người một hoàn cảnh nên phải có cách tiến thân riêng. Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh đến nỗ lực tìm việc tương xứng với học thức của các cử nhân, thạc sĩ trẻ là điều cần thiết.
“Có thể gia đình họ khó khăn, phải chạy xe ôm để giải quyết cuộc sống trước mắt rồi mới tính đến công việc ổn định lâu dài. Như thế thì chạy xe ôm hay quét rác đều đáng trân trọng. Có điều, nếu vì chỉ mức lương 8 đến 10 triệu đồng trước mắt mà lười biếng tìm việc, lười biếng học hỏi để thăng tiến thì thật đáng buồn”, Kiên Nguyễn viết.
Câu chuyện thạc sĩ chạy xe ôm công nghệ vẫn đang thu hút đông đảo bình luận của dân mạng.
Mức lương dành cho nhân viên chan bún không cần bằng cấp, kinh nghiệm là 5 đến 7 triệu đồng/tháng.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn