Vì sao phải kiểm nghiệm nồng độ phenol, xyanua trong hải sản miền Trung?

Thứ sáu - 26/08/2016 04:37

Vì sao phải kiểm nghiệm nồng độ phenol, xyanua trong hải sản miền Trung?

Trong khi dư luận vẫn đang băn khoăn vì sao chưa thể có câu trả lời cho câu hỏi hải sản miền Trung đã ăn được chưa thì kết quả xét nghiệm 8/9 mẫu cá, ghẹ nhiễm phenol, xyanua một lần nữa làm dấy lên lo ngại về tính an toàn của thủy hải sản... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm về vấn đề này.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm đưa ra câu trả lời cá, hải sản vùng biển 4 tỉnh miền Trung đã ăn toàn để ăn được hay chưa. Ảnh: H.Hải

Thưa ông, vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay trong vụ việc hải sản 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường nghiêm trọng vừa qua là tại sao đã công bố nước biển an toàn, có thể tắm được, nhưng riêng với hải sản, ngành y tế lại chưa thể khẳng định cá biển tại vùng biển này đã an toàn hay chưa?

Về nguyên tắc, đã là vùng biển có sự cố, khi sự cố chưa được khắc phục triệt để, các thủy hải sản ở vùng vẫn cần phải xét nghiệm thêm thì không nên sử dụng. Giống như một cơ sở không đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, những thực phẩm làm ra từ đó sẽ được khuyến cáo không nên sử dụng.

Nước biển đạt quy chuẩn, đã tắm được nhưng chưa chắc thủy hải sản đã an toàn. Vì thế, để trả lời câu hỏi hải sản tại vùng biển này đã ăn được chưa, Bộ Y tế vẫn tiếp tục phải làm và phải có trách nhiệm trả lời.

Vậy căn cứ vào đâu để đưa ra được câu trả lời hải sản an toàn, thưa ông?

Thủ tướng rất quan tâm đến sức khoẻ nhân dân và giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm làm rõ, trả lời cho người dân câu hỏi khi nào ăn được cá vùng biển miền Trung. Quan điểm của Bộ Y tế là thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, sức khoẻ người dân là ưu tiên số 1, chỉ khi các mẫu kiểm nghiệm nằm trong quy chuẩn đã quy định thì mới được công bố an toàn.

Do đó, để trả lời được câu hỏi này cần phải có đánh giá toàn diện hơn, với số mẫu kiểm nghiệm lớn hơn. Hiện Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo các Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh lấy rất nhiều mẫu hải sản, lấy ở tất cả các cảng cá, lấy mẫu ở đầm nuôi… với số mẫu không giới hạn, lấy càng nhiều càng tốt để có thể đưa ra đánh giá toàn diện.

Chúng tôi rất hy vọng chiều hướng kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu giảm dần.

Bộ Y tế đã thành lập cả hội đồng khoa học, dự kiến đầu tháng 9 công bố giai đoạn một.

Vậy ông đánh giá thế nào về kết quả kiểm nghiệm 8/9 mẫu hải sản tại Hà Tĩnh hôm 22/8 nhiễm xyanua, phenol?

Trước hết tôi khẳng định, trong các chỉ tiêu xét nghiệm hải sản để đánh giá an toàn thực phẩm, chủ yếu là về các kim loại nặng chứ xyanua, phenol không phải chỉ số đánh giá về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên khi kiểm nghiệm, các chỉ tiêu này được đưa ra nhằm mục đích quan trắc, tham khảo, đánh giá môi trường biển, chứ không phải chỉ số chốt lại kết luận về an toàn thực phẩm.

Vì thế, không thể nhìn vào mẫu kiểm nghiệm phát hiện phenol, xyanua để nói hải sản không an toàn. Chúng tôi đã có tới 4 lần làm việc với các tổ chức quốc tế đề nghị hỗ trợ, cung cấp quy định về phenol nhưng cả Tổ chức Y tế thế giới, FAO đều khẳng định thế giới không quy định về cái này.

Các chỉ tiêu này đưa ra để tham khảo, căn cứ để đánh giá về môi trường. Có những mẫu kiểm nghiệm thời kỳ này phenol giảm đi nhiều, thậm chí không xuất hiện, nhưng sau này lại có thể lại xuất hiện. Cái đó là gợi ý để xác định ô nhiễm biển chứ không căn cứ đánh giá an toàn thực phẩm.

Kể cả môi trường biển đã được khôi phục, vẫn phải tiếp tục theo dõi thuỷ hải sản, đến khi có kết quả quan trắc thuỷ hải sản một cách đầy đủ. Trên thực tiễn, các chỉ số phenol trong môi trường biển có thể về ngưỡng nhưng trong hải sản chưa chắc đã hết.

Liên quan đến kết quả kiểm nghiệm trên, dư luận cũng cho rằng có sự bất nhất trong công bố của Cục An toàn thực phẩm về mẫu hải sản không an toàn “đang giảm xuống”, ông có thể lý giải về vấn đề này như thế nào?

Trước những thông tin về các mẫu hải sản kiểm nghiệm thời gian qua, chúng tôi khẳng định không có chuyện bất nhất. Bởi ở thời điểm tháng 4, tháng 5 các mẫu kiểm nghiệm tập trung lấy tại các vùng khai thác ngoài khơi và đánh bắt xa bờ.

Toàn bộ kết quả đầy đủ đã chuyển cho Bộ Tài nguyên môi trường làm căn cứ để kết luận vụ cá chết hàng loạt vừa qua. Sau khi có câu trả lời về vụ việc, ngành y tế tiếp tục lấy các mẫu giám sát, lấy cả hải sản đánh bắt xa bờ, hải sản nuôi để xét nghiệm.

Trong tháng 7, tỉ lệ mẫu vượt chỉ tiêu là kim loại nặng là 7/27 mẫu. Đến tháng 8, tỉ lệ mẫu hải sản vượt ngưỡng, kim loại nặng giảm đi nhiều, chỉ còn 1 mẫu vượt ngưỡng.

Hồng Hải (ghi)

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây