Trẻ bị bạo hành, làm nhục trên mạng: Nhà trường, gia đình, xã hội ở đâu?

Thứ hai - 10/10/2016 11:48

Trẻ bị bạo hành, làm nhục trên mạng: Nhà trường, gia đình, xã hội ở đâu?

Học sinh nữ đánh nhau dã man ở Nghệ An. Học sinh nam treo cổ tự vẫn tại Yên Bái vì không chịu được áp lực khi bị đánh, bị quay clip tung lên mạng... Liên tiếp những vụ bạo hành trong học sinh xảy ra những ngày vừa qua đang khiến nhiều gia đình bất an.

Cha mẹ mù tịt giáo dục kỹ năng sống cho con

Trưa 25/9, Bùi Quang Huy (sinh năm 2001) - học sinh lớp 8A, trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái - treo cổ tự tử. Người thân cho hay, Huy hành động dại dột như vậy có thể vì xấu hổ khi clip mình bị nhóm thanh niên bắt quỳ, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội. 

Theo gia đình, sau khi bị đánh, Huy có dấu hiệu chóng mặt, ói mửa nên cha mẹ đưa em vào Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái kiểm tra. Khi nhập viện, Huy có biểu hiện chấn động tâm lý. Bác sĩ yêu cầu gia đình cho em nằm viện một tuần để theo dõi. Sau khi lên mạng, xem được clip mình bị đánh và làm nhục, nam sinh có dấu hiệu lo sợ, hoảng loạn. Đến trưa 25/9 thì sự việc đau lòng xảy ra.

 

Những hình ảnh này đang đặt ra cho nhà trường, gia đình, xã hội nhiều câu hỏi lớn. Ảnh: PV.

Còn tại Nghệ An, ngày 2/10 tại eo biển thuộc xóm 8, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu xảy ra mâu thuẫn giữa hai nhóm học sinh nữ cấp 2 trường làng của hai xã Quỳnh Thuận và Quỳnh Long.  Hai nhóm gồm 3 em học sinh lớp 9 (Trường THCS Quỳnh Thuận) bị một nhóm khác gồm 8 em (từ lớp 6-9, Trường THCS Quỳnh Long) đánh gây thương tích. Đến khoảng 21h ngày 4/10 đoạn clip về nhóm 8 học sinh Quỳnh Long đánh nhóm 3 học sinh Quỳnh Thuận được tung lên  facebook… 

Đây là hai trong số rất nhiều vụ việc liên quan bạo lực học đường diễn ra thời gian gần đây. Từ góc độ nhà quản lý, ông Lương Quang Đua, Phó phòng giáo dục huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho hay, ở các huyện, tỉnh miền núi khó khăn, phụ huynh không quan tâm và cũng không có khả năng dạy kỹ năng sống của con. Trong khi đó, ngoài các mối nguy hiểm như tất cả học sinh khu vực khác gặp phải, học sinh vùng biên còn phải đối diện nguy cơ bị bắt cóc. Tất cả kỹ năng sống của học sinh đều trông chờ vào nhà trường.

Theo ông Đua, với học sinh đang ở tuổi mới lớn, sinh hoạt cuối tuần được các trường tổ chức thành những buổi nói chuyện ngoại khóa. Chia học sinh nam thành nhóm riêng có các thầy giáo nói chuyện, học sinh nữ thì các cô giáo sẽ trao đổi. Nội dung xoay quanh chủ đề về lứa tuổi, tâm sinh lý, những kỹ năng hàng ngày. “Nhưng khó khăn hiện nay là mỗi học sinh 1 điện thoại. Các em có thể truy cập mạng ở khắp nơi nên không quản lý được” – ông Đua nói.

 

Nữ sinh THCS ở Nghệ An bị bạn đánh (ảnh cắt từ clip).

Lại điệp khúc … rút kinh nghiệm!

Trao đổi với Tiền Phong về sự việc diễn ra tại Yên Bái, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng đây là điều đáng tiếc.

“Qua các phương tiện truyền thông, tôi không thấy phản ứng nào của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm trước sự việc của em học sinh này (em Bùi Quang Huy, TP Yên Bái-PV). Khi biết em học sinh được chuyển vào viện thì lẽ ra nhà trường phải quan tâm nhiều hơn nữa”. 

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nói

“Nếu kết hợp được 3 lực lượng (gia đình - nhà trường - xã hội) thì sẽ không có những việc như thế này. Trước hết là gia đình. Gia đình phải theo sát con em mình. Nếu có bất cứ biểu hiện gì, phải nhờ đến bác sĩ, thầy cô giáo giúp đỡ, cảnh báo. Không ai khác ngoài gia đình phát hiện những biểu hiện khác thường của con mình. Nhất là trường hợp này, em học sinh đã được đưa vào viện và được bác sĩ cho biết thực trạng” – thầy Tùng Lâm chia sẻ.

Thầy Tùng Lâm cho rằng, trong sự việc học sinh Yên Bái tự tử cũng có trách  nhiệm về phía y tế, vì khi biết tình trạng của cháu, phải hướng dẫn gia đình cách phòng ngừa và theo dõi. Tuy nhiên, theo thầy Tùng Lâm, trách nhiệm nặng nhất là phía nhà trường. Ngoài ra, hiện nay vấn đề tham vấn học đường cần phải làm ngay nhưng Bộ GD&ĐT đang rất lúng túng, không tìm được cơ chế, điều kiện để phát triển. 

“Bộ phải có cách hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm, hướng dẫn họ học tập nghiệp vụ chia sẻ với học sinh. Giáo viên cũng ngày càng phải có ý thức về việc  này vì xã hội ngày càng phức tạp, đời sống tâm lý tinh thần của học sinh cũng thế. Nếu cứ quản lý theo kiểu cũ, tức là quan liêu theo kiểu học là của học sinh, dạy là việc của thầy thì sẽ thất bại” – thầy Lâm khẳng định.

Về vấn đề học sinh nữ đánh nhau, thầy Tùng Lâm cho rằng hiện nay, giáo dục giới tính mới chỉ nặng về tuyên truyền, vệ sinh, sức khỏe sinh sản... Do đó, cần phải tuyên truyền để làm sao  ngoài giáo dục kỹ năng sống phải giáo dục giá trị sống. Học sinh hiểu được giá trị của khoan dung, yêu thương,  tôn trọng thì sẽ giảm bạo lực học đường. “Theo tôi, hình thức kỷ luật cũng phải đủ mạnh. Không phải là đuổi học nhưng phải có chế tài, cách làm nghiêm như tham gia công ích để học sinh phải có trách nhiệm và sợ” – thầy Lâm đề xuất.

Nguồn tin: eva.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây