Ủng hộ thi cả 5 bài
TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết mấy ngày qua có nhiều dư luận lên tiếng về dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, ý kiến ủng hộ có, ý kiến không ủng hộ cũng có. Quan điểm của Hiệp hội dựa trên cơ sở thực tế trong thời gian vừa qua.
Ảnh minh họa
Theo ông Khuyến, từ năm 2014 trở về trước, Việt Nam có hai kỳ thi quốc gia. Một là tốt nghiệp, hai kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ (3 chung). Năm 2014, Luật giáo dục ĐH có hiệu lực, các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh. Vì thế, 2015 đến bây giờ, Việt Nam chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia. “Không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, nhưng Hiệp hội chúng tôi rất không hài lòng vì tỷ lệ đỗ quá cao” – ông Khuyến cho hay.
Mặt khác, theo ông Khuyến, nếu đã gọi là kỳ thi quốc gia thì không thể đánh giá lệch, các môn học phải được đánh giá hoặc hầu hết phải được đánh giá. Trước năm 2015, học sinh không học lệch vì thi tốt nghiệp THPT là 6 môn và đến tháng 3 hàng năm Bộ mới công bố thi những môn gì. Nhưng từ năm 2015 trở lại đây, Bộ cho phép thí sinh bắt buộc thi 3 môn và 1 môn tự chọn để xét tốt nghiệp nên học sinh học lệch.
“Sai lầm này cần phải được sửa ngay. Nhưng vấn đề sửa như thế nào và sửa có lộ trình. Nếu thi bằng tự luận sẽ nặng nề, do đó, Bộ GD&ĐT đưa ra phương án thi trắc nghiệm. Trong dự thảo, Bộ GD&ĐT cho biết chỉ thi phần kiến thức của năm lớp 12 nên tôi nghĩ học sinh, giáo viên sẽ vẫn chuẩn bị kịp” – ông Khuyến khẳng định.
Thi trắc nghiệm phù hợp với kỳ thi nào?
Vấn đề mà dư luận quan tâm nhất hiện nay là thi trắc nghiệm môn Toán và bài thi các môn khoa học xã hội. Theo GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, tự luận hay trắc nghiệm khách quan (TNKQ) không thể nói phương pháp nào hơn.
“Ví dụ thi TNKQ trong thời gian ngắn bao phủ được kiến thức toàn bộ môn học, điểm số chính xác khách quan. Thi tự luận đánh giá được khả năng sáng tạo của học sinh” - ông Thiệp khẳng định. Nhưng với kỳ thi THPT quốc gia, quy mô lớn nên hình thức thi trắc nghiệm sẽ áp đảo hơn. Vì chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào đề thi, còn tự luận chất lượng kỳ thi phụ thuộc năng lực của người chấm.
Không phải ngẫu nhiên, những kỳ thi quy mô lớn thi bằng TNKQ ví dụ như ở Mỹ, kỳ thi SAT và ACT. Cũng theo GS Lâm Quang Thiệp, vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng không nên thi trắc nghiệm môn Toán và môn Lịch sử.
“Tôi e rằng những người đó hơi nhầm mục tiêu của kỳ thi. Mục tiêu của kỳ thi này không phải để tuyển chọn nhân tài. Kỳ thi này để phân loại thí sinh. Còn nếu thi tuyển chọn nhân tài thì không thể thi trắc nghiệm. Chúng tôi thấy phương hướng lựa chọn môn thi là tốt, còn tổ chức như thế nào để có kỳ thi tốt thì tùy thuộc vào Bộ” – ông Thiệp cho hay.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn