Chèo thuyền vượt lũ cứu người
Chúng tôi về thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) khi nước lũ đã rút hẳn. Người dân nhà nào nhà nấy đang dọn dẹp, phơi lại đồ đạc sau những ngày bị ngập nước.
Hỏi nhà anh Trần Tiến, người cách đây mấy hôm đã lao mình ra dòng nước lũ cứu người, người dân ai cũng nhiệt tình dẫn đường giúp chúng tôi. Họ bảo: “Ba anh em nhà ông Tiến vừa được Bí thư huyện biểu dương, khen thưởng vì có hành động dũng cảm cứu người trong lũ lụt, họ cũng nhận được cả giấy khen của Chủ tịch xã nữa đó anh chị”.
Gặp anh Tiến, nhắc đến chuyện cứu người, anh tỏ ra tiếc nuối: “Có chi mô, nghe tiếng kêu cứu thì ai cũng hành động vậy cả. Nhưng nước lũ lớn quá nên đò chúng tôi liên tục bị lật, mãi đến lượt thứ 3 mới ra đến nơi được để vớt vợ chồng chú ấy lên. Nếu sớm tý nữa thì chúng tôi đã cứu được cả hai vợ chồng rồi. Tội nghiệp, giờ người vợ mất rồi, chú Tuần một mình “gà trống nuôi con”, nghĩ thương chú ấy quá”.
Anh Trần Hàn và hai người em ruột đã lao ra dòng nước lũ cứu vớt vợ chồng anh Tuần. Ảnh: Minh Khang
Rót chén nước mời khách, anh Tiến kể, vào trưa ngày 14/10, lúc đó trời mưa rất to, anh đang ăn cơm thì nghe thấy tiếng kêu cứu văng vẳng đâu đó. Bỏ bát cơm xuống, anh chạy vội hướng về nơi tiếng kêu cứu vọng lại thì phát hiện có người đang dầm mình giữa dòng nước lũ.
Anh Tiến liền lên đò nổ máy lao thẳng ra chỗ có người bị đuối nước. Vừa lái đò, anh vừa tri hô để người dân ra cùng cứu giúp. Trời lúc đó mưa rất to, gió giật đùng đùng, dòng nước chảy xiết như muốn nuốt chửng cả con đò của anh. Đi được nửa đường thì đò của anh bị lật, anh đành cố gắng xuôi theo dòng nước tìm cách vào bờ.
Thấy đò anh trai bị lật, anh Trần Hàn (em ruột anh Tiến) lại nổ máy đưa đò lao ra để cứu, nhưng vì nước lũ quá mạnh, đò anh Hàn cũng bị lật khi chưa kịp tới nơi. Tiếng kêu cứu của nạn nhân càng ngày càng yếu ớt rồi lịm dần khiến các anh càng sốt ruột.
Rút kinh nghiệm từ hai lần trước, anh Trần Sông (em ruột anh Tiến) lại nổ máy đò chở thêm mấy thanh niên trong làng để tránh bị lật. Anh vặn ga hết mức, vượt qua dòng nước lũ và rồi cũng tiếp cận được với nạn nhân và nhanh chóng vớt lên bờ cấp cứu.
Nạn nhân là vợ chồng anh Tuần và chị Nguyện Thị Lài (trú cùng thôn), tuy nhiên chị Lài đã không qua khỏi. “Tội lắm cô chú à, khi được vớt lên, một tay chú Tuần ôm chặt O Lài, một tay nắm cây sào. Nếu nhanh thêm chút nữa thì chắc chúng tôi đã cứu được O ấy rồi”, anh Tiến cho biết.
Ông Nguyễn Minh Lệ, (bố vợ anh Tuần) cho biết: “May mà có mấy anh em nhà Tiến chứ không thì con rể tui cũng không còn. Cả nhà tui đội ơn chú ấy”.
Cứu 15 người thoát khỏi dòng nước lũ
Anh Hoàng Văn Tâm đã chèo thuyền đi cứu người trong đêm lũ dữ. Ảnh: Xuân Phú
Tại thôn Long Châu, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), người dân vẫn truyền tai nhau về chuyện anh Hoàng Văn Tâm (SN 1974) đã lao mình cứu 15 người trong dòng nước lũ.
Thôn Long Châu nằm ở ven bờ sông Gianh, là một trong những nơi ngập sâu nhất trong đợt lũ vừa rồi. Khoảng 21h30 tối 14/10, lúc đó toàn xã Phù Hóa đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn, nhiều nhà nước đã ngập lên đến nóc. Nước lũ vẫn tiếp tục dâng, dòng nước chảy xiết nên cả nhà anh Tâm lên chiếc thuyền (phương tiện mưu sinh của gia đình) để tránh lũ.
Đang cùng các con ngồi trên thuyền, nhận được điện thoại kêu đi cứu người của mấy anh trên xã, anh Tâm bật dậy bảo con trai cùng đi.
Từ nhà đến UBND xã Phù Hóa khoảng 2km, nhưng để đến được đó, anh phải chèo thuyền luồn lách cả tiếng đồng hồ. Sau đó, anh cùng hai đồng chí Công an xã và huyện cùng lên thuyền đến những nhà đang bị mắc kẹt cứu người.
Trong đêm tối, nước lũ đổ về như thác, nhiều người dân phải leo lên nóc nhà ngồi với tâm trạng đầy bất an, lo lắng. Ngay trong đêm đó, anh Tâm cùng con trai chèo thuyền đưa được 8 người đang ngồi trên nóc nhà ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến rạng sáng hôm sau, thuyền của cha con anh tiếp tục cứu thêm được 7 người nữa.
Chị Hoàng Thị Lan vô cùng cảm kích vì cha con anh Tâm đã cứu cả gia đình chị ra khỏi dòng nước lũ đang liên tục dâng cao. Ảnh: Xuân Phú.
Chị Hoàng Thị Lan (SN 1986), ở thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa cảm thấy rất may mắn khi được thuyền của anh Tâm cứu cả gia đình trong đêm lũ dữ.
Gia đình chị Lan có 4 người, hai đứa con thì đứa lớn mới 4 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Đêm đó nước ngập sâu hơn 3m, chồng chị phải trèo lên tháo ngói rồi hai vợ chồng bế hai đứa con ngồi trên nóc nhà. Nước lũ càng ngày càng mạnh, vợ chồng chị không biết cầu cứu ai, may là gọi được lên xã. Đang lúc tuyệt vọng nhất thì thuyền của anh Tâm đã tới cứu cả nhà chị đưa lên tránh trú tại trạm y tế xã.
"Hai vợ chồng tôi thì không lo, chúng tôi chỉ lo cho hai đứa con nhỏ, may mà cha con anh Tâm đến cứu chứ không thì chúng tôi không biết làm thế nào. Khi được cứu rồi, nước mắt tôi vẫn cứ chảy mãi, giờ cũng chẳng biết cảm ơn anh Tâm thế nào nữa, người như anh ấy thật đáng quý", chị Lan nói trong cảm kích.
Được biết, từ năm 10 tuổi anh Tâm đã theo cha đánh cá mưu sinh trên sông nước. Đến bây giờ, nghề chài lưới vẫn là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình anh.
Trong trận lũ năm 2007, anh Tâm từng cứu được chị Thơm, một người dân ở xã bên khi chị này bị tấm Fibro xi măng rơi trúng đầu và mất máu nhiều. Trong đêm tối, giữa lúc trời mưa lũ, anh Tâm đã ngược dòng lũ dữ chở chị Thơm đến trạm xá cấp cứu khi nhận được điện thoại nhờ giúp đỡ.
Ông Hoàng Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Phù Hóa cho biết: “Nếu không có anh Tâm nhiệt tình vượt lũ cứu người thì không biết hậu quả sẽ đến như thế nào nữa. Tấm gương của anh Tâm xứng đáng được biểu dương”.
Cấp nước sạch cho người dân vùng lũ Quảng Bình Sau những ngày mưa lũ, tình trạng thiếu nước sạch xảy ra trên diện rộng ở tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là vùng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Trước tình hình đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã đưa máy lọc nước hiện đại do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ đến lắp đặt trên cánh đồng thôn Cổ Liêm, Tân Hóa để lọc nước cấp cho người dân sau những ngày cô lập giữa nước lũ. Nước được lấy từ suối chuyển qua kênh rồi lọc qua hệ thống than hoạt tính, cát và phèn chua. Công suất một giờ là 4.000 lít, hiện đã cung cấp hơn 70.000 lít nước sạch cho người dân. Tại xã Tân Hóa, sau khi có nước sạch bà con đến lấy nước bằng nhiều vật dụng khác nhau; nhiều hộ ở xa nơi lắp máy lọc nước còn sử dụng xe công nông để chở nước. Ông Đinh Thanh Dương ở thôn Cổ Liêm 1, xã Tân Hóa cho biết, do nước ngập quá sâu nên nhiều ngày nay không có nước sạch dùng, gia đình phải múc nước lũ lên để lắng bùn, gạn nhiều lần rồi đun sôi để uống. Nay có nước sạch cùng với gạo và mì tôm được hỗ trợ, bước đầu cuộc sống bà con đã bớt khó khăn. Ông Cao Quang Cảnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện phương pháp này ở nhiều điểm ngập lụt khác nhau trong tỉnh. Hy vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề nước sạch trước mắt, phòng chống bệnh và an toàn vệ sinh cho bà con vùng lũ, lụt". Tại xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch), Công an tỉnh Quảng Bình đã điều động hai xe chữa cháy để cung cấp hàng chục mét khối nước sạch cho người dân. Trong những ngày tới, Công an tỉnh tiếp tục bố trí phương tiện chuyên dụng để cấp nước sạch miễn phí cho người dân tại các địa bàn vùng lũ. Đức Thọ |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn