V
ụ cháy chung cư Carina Plaza bắt nguồn từ tia lửa điện nhỏ của xe Attila Victoria, sau đó cháy lan rộng khắp hầm giữ xe là hồi chuông cảnh tỉnh nguy cơ cháy nổ từ các bãi giữ xe. Ngoài ra, nhiều chung cư tồn tại hệ thống dây điện chằng chịt cộng với thói quen thắp nhang, đốt vàng mã trong nhà, nấu ăn ở hành lang ... là cách nhiều cư dân đang rước họa vào thân.
Các chung cư cũ ở quận 1 (TP.HCM) tồn tại hệ thống dây điện, cáp quang, chằng chịt phía trên các bãi giữ xe, dọc hành lang. Theo người dân ở các chung cư này, đã có nhiều vụ cháy bắt nguồn từ sự cố chập điện ở các mối điện hở, dây điện nổi đi bên ngoài nhưng người dân vẫn thờ ơ với hiểm họa này.
Tại chung cư 23 Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé), người dân vẫn vô tư nấu ăn ở hành lang khi xung quanh là những tấm ván gỗ mỏng dễ bắt lửa, gây cháy. Thói quen thắp nhang, đốt vàng mã của cư dân cũng là nỗi lo của ban quản lý chung cư.
Bãi giữ xe hơn 600 chiếc của chung cư Nguyễn Thái Bình chằng chịt dây điện, cáp quang, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Ảnh: Phước Tuần. |
Ông Lê Văn Lành (65 tuổi), sống ở tầng 4 chung cư 23 Lý Tự Trọng, bức xúc: “Trước đây nhiều vụ chập điện, tóe ra lửa sáng rực, nhiều người tán loạn bỏ chạy, rất may bảo vệ kịp dập lửa nên không gây hậu quả. Mong cơ quan chức năng sớm sửa chữa, thay mới để người dân yên tâm sinh sống”.
Làm ban quản trị chung cư hơn 5 năm, ông Trần Xuân Tịnh, Trưởng ban quản lý chung cư Nguyễn Thái Bình (phường Nguyễn Thái Bình), cho biết chung cư này đã xuống cấp do xây dựng trước năm 1975. Hầu hết tường, hệ thống PCCC, cầu thang thoát hiểm đã cũ, hư hỏng cần thay mới.
Nguy hiểm nhất là hệ thống dây điện, cáp chằng chịt, rất dễ bị cháy. Chung cư chưa có hệ thống báo cháy tự động vì giá quá cao, nên phương án báo cháy vẫn thực hiện thủ công là thông báo bằng loa hoặc đánh kẻng cho người dân chạy nạn.
Nhiều gia đình nấu ăn ở hành lang, bếp gần các vật dụng dễ cháy là nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ lớn ở các chung cư cũ hiện nay. Ảnh: Phước Tuần. |
Ông Tịnh cho hay 5 năm qua, chung cư này đã xảy ra 3 vụ cháy. Nguyên nhân chính là do người dân mất cảnh giác trong nấu nướng. Đặc biệt có vụ cháy ở tầng trệt do chập điện, rất may người dân phát hiện và dập tắt kịp thời.
Kiểm tra công tác PCCC các chung cư trên địa bàn quận, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, thừa nhận các chung cư cũ ở quận 1 thường không có hệ thống báo cháy, bên trong chung cư bịt kín, các lối thoát hiểm nhỏ, tối.
Chung cư 23 Lý Tự Trọng, 14 Nguyễn Thị Nghĩa, 22 Nguyễn Huệ, Quốc Thanh (Nguyễn Trãi)… xây dựng trước năm 1975 nên hệ thống dây điện đã cũ, cáp quang kéo nối rất lộn xộn, chồng chéo vào nhau, các vật dễ cháy vương vãi khắp bãi giữ xe.
Nhiều ban quản trị các chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng ở quận 1 thừa nhận khó dẹp các bãi giữ xe vì nhu cầu giữ xe chính đáng của cư dân. Ông Trần Xuân Tịnh cho biết hiện chung cư có 400 hộ với hơn 2.200 người dân sinh sống. Về bãi giữ xe, sau khi cháy chung cư Carina, ban quản trị đã kiểm tra tổng thể bãi giữ xe, giảm lượng xe từ 800 chiếc xuống còn hơn 600 chiếc.
Ngoài ra, phân công lực lượng bảo vệ túc trực camera 24/24, sắp xếp lại xe và nghiêm cấm tuyệt đối không được hút thuốc trong bãi giữ xe. Trường hợp phát hiện xe rò rỉ xăng sẽ kiên quyết không cho vào bãi. Bãi xe chỉ giữ xe của cư dân chung cư chứ không nhận xe bên ngoài.
Tại chung cư ở 26 Lý Tự Trọng, quậ 1, đồ đạc để chất kín, choán gần hết lối thoát hiểm. Ảnh: Liêu Lãm |
Ở các chung cư 26 Lý Tự Trọng, 14 Nguyễn Thị Nghĩa, 145 Nguyễn Trãi… tình trạng tương tự khi bãi giữ xe ở tầng trệt chung cư phục vụ cho cư dân nên rất khó để dẹp. “Trước mắt những bãi giữ xe chung cư, phường phối hợp với ban quản lý đều chỉnh, sắp xếp gọn gàng, giảm lượng xe, thu dọn vật dụng dễ cháy thông thoáng làm sao để không cản trở lối thoát hiểm, hạn chế nguy cơ cháy nổ ở bãi xe”, ông Đoàn Ngọc Hải yêu cầu.
Còn ông Võ Nguyên Khanh, Chủ tịch UBND phường Bến Thành, cho biết chung cư 14 Nguyễn Thị Nghĩa đã được xây dựng hơn 70 năm, nay đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Chung cư cao 7 tầng chỉ có một lối thoát duy nhất xuống tầng trệt là nơi bãi giữ xe, nếu bãi giữ xe cháy, người dân hết đường thoát thân.
“Chúng tôi đã lập biên bản, thu dọn quầy tạp hóa, những tấm bạt che mưa, hệ thống dây, tủ, bàn ghế cũ và các vật dụng dễ cháy ra khởi bãi giữ xe. Đối với các chung cư khác trên địa bàn, lực lượng quản lý đô thị sẽ đi kiểm tra và thu dọn để các bãi xe thông thoáng”, ông Khanh nói về giải pháp tạm thời.
Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), cho biết ngay sau vụ cháy Carina, quận đã tiến hành thành lập đoàn kiểm tra công tác PCCC ở các chung cư cũ, có nguy cơ cháy cao trên địa bàn quận. Hiện trên địa bàn quận có hơn 160 chung cư với hơn 60.000 dân chiếm gần bằng 1/3 dân số toàn quận. Cả quận còn 38 chung cư chưa có ban quản lý, trong thời gian tới quận sẽ phối hợp với cư dân để sớm kiện toàn thành lập.
Hộp dụng cụ PCCC cũ, hư hỏng ở chung cư 14 Nguyễn Thị Nghĩa, phường Bến Thành (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Phước Tuần. |
Ngày 29/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành chỉ thị về triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM.
UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành, UBND các quận huyện kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các chủ đầu tư không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Trong đó, tăng cường biện pháp chế tài, nâng cao mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp chủ đầu tư cho sử dụng công trình khi chưa được nghiệm thu, hoàn công về PCCC và xây dựng.
UBND TP.HCM yêu cầu Cảnh sát PCCC phải tiếp tục phối hợp các sở ngành chức năng, UBND quận, huyện tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các yêu cầu về PCCC; việc kiểm tra khắc phục các vi phạm về PCCC là 15 ngày/lần.
Rạng sáng 23/3 vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư Carina Plaza, phường 16, quận 8, TP.HCM. Ít nhất 13 người thiệt mạng, hơn 90 người phải nhập viện.
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn