Nếu không tỉnh táo, khách hàng rất dễ mắc lừa, phải sử dụng dịch vụ của nhà mạng mà mình không mong muốn
Bao nhiêu người bị "móc túi" như tôi?
Cụ thể, khách hàng N.Đ.H (TP HCM) cho biết:"Ngày 29/6/2016, tôi bị Mobifone tự động cài Thế giới nhạc. Tôi đã nhắn huỷ nhưng mãi sáng nay nó mới huỷ. Cước mỗi ngày 2000 tức ba tháng qua riêng dịch vụ này Mobifone lấy mất của tôi 180 ngàn đồng".
"Với hơn chục dịch vụ tự cài, nhiều năm nay mỗi ngày, riêng với số thuê bao này Mobifone lấy của tôi chừng ba chục ngàn đồng, mỗi tháng gần một triệu đồng. Tôi nạp tiền trước qua dịch vụ Việt Nam Topup nên cứ hết là nạp mà ít khi quan tâm. Vậy có bao nhiêu người bị Mobifone móc túi như tôi?", anh đặt câu hỏi.
Một khách hàng của Mobifone sau gần 3 tháng mới phát hiện ra bị cài dịch vụ không mong muốn và từ chối sử dụng
Sau nhiều lần bị Mobifone nhắn "chúc mừng cài đặt thành công dịch vụ" và phải liên tục hủy, H dùng tin nhắn: KT gửi đầu số 994 của Mobifone để kiểm tra và phát diện ra tới 10 dịch vụ mà anh phải trả phí từ nhiều năm.
Nhưng H không phải là trường hợp duy nhất cho dù, anh là nhà báo có tiếng và có chức vụ cao ở một toà báo lớn tại TP Hồ Chí Minh và có thể buộc Mobifone phải xin lỗi và bù, hoàn trả tiền cước mà như anh nói "đã bị Mobifone đớp" trong thời gian qua. Không biết cơ quan nào có thể thống kê số người sử dụng dịch vụ như anh cũng bị nhà mạng Mobifone cài dịch vụ tin nhắn như vậy. Nhưng con số đó chắc chắn không phải là ít.
Bằng chứng là thông tin của N.Đ.H đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội: Gần 1.900 lượt chia sẻ và trên 3.800 lượt like. "Mobifone có hơn 55 triệu thuê bao, nếu 80% trong số này hoạt động và mỗi ngày một thuê bao bị bóp cổ 1 ngàn đồng, thì mỗi ngày có 42,5 tỷ đồng đã vào túi Mobifone và các công ty dịch vụ cung cấp đầu số (đa phần họ có quan hệ hoặc là sân sau của các sếp ở Mobifone và sếp ở cơ quan nào đó)", H đưa ra ước tính.
Một khách hàng khác của Mobifone, anh Lê Quang Nhân (TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết:" Tôi cũng bị lén cài sử dụng một dịch vụ của Mobifone và qua kiểm tra lại, mới biết từ 26/1/2016 đến 26/9/2016 đã bị Mobifone ăn cắp mất 270 ngàn đồng".
Nhà mạng nào cũng "ăn cắp"?
Nhưng không chỉ Mobifone, thực tế các nhà mạng khác ở Việt Nam cũng đã diễn ra tình trạng tương tự dù mức độ có thể khác nhau. Trao đổi với Dân trí, một số độc giả cho biết, tình trạng trên với các nhà mạng Viettel, Vinaphone vẫn còn nhưng có đỡ hơn trong khoảng một năm trở lại đây.
Câu chuyện trên thực ra không mới và báo chí đã từng phản ánh nhiều lần. Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông, Cục Viễn thông...cũng đã nhiều lần kiểm tra và xử phạt một số nhà mạng về dạng thức vi phạm này. Cuối năm 2015 và đầu 2016, qua một đợt thanh tra, cũng đã có một số nhà mạng bị phát hiện, xử phạt với số tiền 200-300 triệu đồng/doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình trạng trên đâu lại vào đấy.
"Nguyên nhân chính, theo tôi là do sức ép về doanh thu, lợi nhuận nên nhiều nhà mạng không dễ gì từ bỏ cung cách kinh doanh rất tệ hại này. Cơ quan thanh tra vẫn thanh tra nhưng mức phạt có thể nói là chưa đủ răn đe và rất nhỏ so với lợi nhuận họ thu được khiến nhà mạng vẫn liên tục vi phạm", một chuyên gia về viễn thông giải thích với Dân trí.
Một bằng chứng rõ rệt nhất về mức độ lợi nhuận mà các nhà mạng có được là việc vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tiến hành thanh tra và phát hiện chỉ trong 3 năm (từ tháng 1/2013 đến tháng 1/2016), hơn 93 vạn khách hàng của 3 nhà mạng: Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vietnammobile đã phải chi trả dịch vụ cho Công ty Sam Media cung cấp với số tiền 230 tỷ đồng.
Công ty này đã thực hiện các dịch vụ gửi tin nhắn mời tham gia, quảng cáo dịch vụ. Sau khi người dùng xác nhận tham gia thì tài khoản khách hàng bắt đầu bị trừ tiền. Tuy nhiên, nội dung hủy dịch vụ có cỡ chữ rất nhỏ so với nội dung quảng cáo, khiến người dùng khó quan sát. Đáng nói, tin nhắn có nội dung hủy chỉ hiển thị ở tin nhắn đầu tiên, những ngày sau tài khoản bị tự động trừ tiền. Công ty này mới chỉ bị phạt 55 triệu đồng-một mức phạt có thể nói là rất thấp. Một câu hỏi được đặt ra: Hiện nay có bao nhiêu công ty như vậy và tổng số tiền mà khách hàng của các nhà mạng bị thiệt hại hay chính xác ra là bị "móc túi" là bao nhiêu?
Chất lượng dịch vụ viễn thông Việt Nam đã kém, lại đi đôi với cung cách kinh doanh tệ hại
Cho dù một số nhà mạng vẫn giải thích là do khách hàng nhấn nhầm vào đường link này kia, hay dịch vụ cung ứng cho khách hàng luôn được thông báo, nếu khách không gửi tin nhắn huỷ thì coi như một hợp đồng cung cấp dịch vụ đã được ký kết. Nhưng cách giải thích này rõ ràng không thể chấp nhận được vì không phải khách hàng nào cũng có đủ thời gian để liên tục nhận và nhắn huỷ các dịch vụ mà họ không mong muốn.
Hơn nữa, với hàng vạn, thậm chí hàng triệu khách hàng, trong một ngày, họ thường nhận nhiều tin nhắn và nhiều người không có thời gian đọc hết, tin nhắn báo dịch vụ của các hãng dễ bị trôi đi và họ mặc nhiên phải trả tiền sử dụng dịch vụ mà thực tế họ không dùng là điều quá bất hợp lý.
Một vấn đề lớn cần được đặt ra là hiện nay, với những sai trái dai dẳng như trên của một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, khi cơ quan chức năng cũng không xử lý đến đầu đến đũa, các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng của Trung ương hay của các địa phương cũng không giúp gì được cho các khách hàng đơn lẻ, các khách hàng của các nhà mạng nếu có căn cứ bị gây thiệt hại, chỉ có cách cùng nhau khởi kiện tập thể thông qua luật sư đại diện. Đây có lẽ là "vũ khí" duy nhất hiện tại có thể giúp người tiêu dùng chống lại những trò móc túi ma mãnh của nhà mạng.
"Với Mobifone, các bạn soạn KT nhắn đến số 994 để kiểm tra có bao nhiêu dịch vụ tự cài vào máy bạn. Mỗi dịch vụ trung bình 2000/ngày. Bạn sẽ tính được số tiền tính cho dịch vụ bạn không mong muốn sử dụng. Nếu bạn muốn huỷ thì gọi 9090 bắt nó huỷ. Với Viettel, bạn nhắn TC gửi 1228. Với nhà mạng Vinaphone, bạn nhắn KT gửi 123", khuyến cáo của các chuyên gia công nghệ thông tin.
Mạnh Quân
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn