Người dân xã Đất Mũi: "Chúng tôi không cướp nghêu"

Thứ năm - 20/10/2016 01:30
Hàng trăm người tiếp tục "cướp nghêu" vì cho rằng đây là bãi bồi tự nhiên bị chiếm, trong khi hợp tác xã khẳng định khu vực này họ được phép nuôi.

Ngày 19/10, hàng trăm người dân từ các nơi vẫn đổ về bãi bồi Khai Long thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển dùng vợt cào bắt nghêu trong khu vực được cho là vùng nuôi nghêu của hợp tác xã. Chính quyền địa phương phải huy động nhiều lực lượng ra đảm bảo an ninh.

Tại các bãi nghêu, các xã viên chỉ biết đứng nhìn và xin người khai thác chừa lại cho họ một phần để gỡ vốn đầu tư. Trong khi người đến khai thác lại cho rằng không cướp của ai, họ chỉ khai thác nghêu từ nguồn lợi thiên nhiên trên vùng ngư trường sinh kế bao đời nay.

Ông Đạo, một hộ nghèo ở Xóm Lò nói trước khi mùa nghêu giống sản sinh từ đầu tháng 4, gia đình ông sống bằng nghề đăng lú bắt tôm, cua theo bãi bồi. Đến lúc nghêu giống xuất hiện, ông và hàng nghìn hộ dân nghèo ở địa phương đến khai thác vì nghĩ là "lộc trời ban".

Những người nghèo đến khai thác nghêu cho rằng không cướp của ai, họ chỉ làm ăn trên ngư trường sinh kế bao đời nay. Ảnh: Phúc Hưng

Những người nghèo cho rằng việc một số người có tiền của đến "bắt tay" với Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi khoanh vùng, dùng cọc cắm bao chiếm diện tích mặt nước bãi bồi mà vốn là "nồi cơm" của họ là điều vô lý.

Còn các xã viên lại khẳng định họ có hợp đồng kinh tế thể hiện việc hợp tác làm ăn với Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi. Bà Nguyễn Ngọc Sương - người phụ nữ khóc van xin hàng nghìn đừng cướp nghêu vài ngày trước - cho biết đã đầu tư tiền tỷ để mua nghêu giống từ Vũng Tàu, Tiền Giang,... về nuôi trên diện tích hơn 5 ha được thuê.

"Tôi chỉ biết đứng nhìn và cầu cứu ngành chức năng bảo vệ tài sản cho mình", bà Sương nói và cho biết không đồng tình với việc chính quyền cho rằng bà bao chiếm diện tích mặt nước tại bãi bồi nuôi nghêu.

Bãi nghêu là của ai?

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Khương, Chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết năm 2014, tỉnh thành lập 16 hợp tác xã tại vùng bãi bồi, với diện tích được giao hơn 400 ha.

"Đi vào hoạt động, các hợp tác xã không làm đúng quy định và không có hiệu quả. Ngành chức năng sau đó sáp nhập 16 hợp tác xã thành Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi", ông Khương nói và cho biết diện tích đất giao trước đây đã được tỉnh thu hồi, hiện vẫn chưa giao lại cho Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi.

Theo ông Khương, khi chưa được giao đất nhưng Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi lại lấy một số diện tích được giao trước đây cho nhiều người thuê lại là sai. "Sắp tới huyện sẽ ra quyết định giải thể bắt buộc Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi nếu họ tiếp tục vi phạm", ông Khương nói.

Ngược lại, ông Lê Phú Sánh, Giám đốc Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi khẳng định, diện tích hợp tác xã cho các xã viên thuê vẫn thuộc quyền quản lý của đơn vị.

"Diện tích chúng tôi được giao trước đây hơn 400 ha có hiệu lực từ năm 2009 đến hết năm 2019. Sau khi sáp nhập các hợp tác xã, chúng tôi chưa nhận được quyết định thu hồi đất nào từ ngành chức năng", ông Sánh cho biết.

Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi cho biết, hơn 1.000 xã viên trước đây đã không tham gia sản xuất, hiện chỉ còn hơn 180 xã viên đầu tư, nguồn vốn khoảng 11 tỷ đồng. "Chính quyền địa phương nói chúng tôi bao chiếm đất, cho thuê thu lợi bất chính là hoàn toàn không đúng", ông Sánh bức xúc.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết đã tính toán đến việc tổ chức lại nuôi trồng thủy sản ven bờ, nhằm đảm bảo việc tất cả người dân trong khu vực đều hưởng lợi.

>>Video: Người phụ nữ khóc van xin hàng nghìn người đừng 'cướp nghêu'

Phúc Hưng

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây