Ngày 22/9, tại hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến sau chuyến học tập kinh nghiệm tại nước này đầu năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm. Ảnh: H.P. |
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, mại dâm là một phần trong nhiều xã hội và việc ứng phó tùy thuộc bối cảnh mỗi quốc gia. Có 3 cách để tiếp cận, giảm hại trong phòng chống mại dâm là pháp luật hóa, hình sự hóa và phi hình sự hóa mại dâm - tức không thừa nhận hay xử phạt mà quản lý chặt chẽ.
"Phi hình sự hóa mại dâm là cách tiếp cận hiệu quả nhất để bảo vệ quyền con người bởi đa số người bán dâm là nữ. Họ dễ bị tổn thương bởi các bệnh truyền nhiễm, đe dọa, nguy hại từ người mua dâm và cả cơ quan quản lý", bà nói và cho rằng, những "trừng phạt" theo cách xử lý hình sự hoặc luật pháp hóa càng khiến người hoạt động mại dâm không thể thoát khỏi con đường này. Việc phi hình sự hóa tạo môi trường an toàn hơn để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho họ.
Nữ nghị sĩ Quốc hội New Zealand, bà Jan Logie chia sẻ trước năm 2003, mại dâm được pháp luật nước này kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí, người dân sẽ phải chịu án tù dưới 5 năm nếu cho thuê nhà làm cơ sở kinh doanh mại dâm, mua dâm hoặc sống dựa vào thu nhập từ mại dâm.
Luật Cải cách về mại dâm năm 2003 ra đời đã phi hình sự hóa hoạt động này. Dù không công nhận hoặc khuyến khích phát triển, sử dụng dịch vụ mại dâm song luật bảo vệ quyền của người bán dâm và kiểm soát chặt các cơ sở kinh doanh mại dâm. Họ được chăm sóc sức khỏe, tìm đến cảnh sát để khiếu nại khi gặp vấn đề, cấm dùng người dưới 18 tuổi trong các hoạt động mại dâm.
Luật ra đời vấp phải sự phản đối của dư luận khi lo ngại hoạt động mại dâm sẽ bùng nổ và ý kiến trái triều trong Quốc hội New Zealand, nhưng cuối cùng vẫn được thông qua. Sau 12 năm thực thi, hoạt động mại dâm không gia tăng, án hình sự về mại dâm giảm. Tỷ lệ ủng hộ bộ luật cũng tăng từ 52% năm 2003 lên 90% vào năm 2015.
"Mại dâm không bùng nổ, nhiều người chuyển từ bán dâm sang làm việc khác chính là bằng chứng tốt nhất cho thấy phi hình sự hóa hoạt động này là đúng đắn", bà nói và cho rằng cần có sự vận động hiệu quả từ các nhóm đồng đẳng, tổ chức dân sự để những thành viên Chính phủ có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này.
Một gái bán dâm chia sẻ bị ép quan hệ tình dục hoặc phải quan hệ cùng lúc với nhiều người là chuyện cơm bữa. Ảnh: H.P. |
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho hay, những trao đổi, tư vấn trong hội thảo sẽ góp phần định hướng để đổi mới cách tiếp cận phòng ngừa mại dâm ở Việt Nam. Văn hóa phương Đông, đặc biệt là Việt Nam, vẫn coi mại dâm là vi phạm đạo đức truyền thống, văn hóa, lối sống và không chấp nhận. Đứng trước thách thức về bùng nổ cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, tệ nạn xã hội, bệnh tình dục... trong khi quản lý không hiệu quả, buộc cơ quan nhà nước phải nhìn nhận lại vấn đề.
Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh phòng chống mại dâm, Chính phủ giao Bộ Lao động thực hiện chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng dự án Luật phòng chống mại dâm để trình Chính phủ, Quốc hội vào năm 2018.
Hiện, Bộ đã thành lập Ban nghiên cứu dự án luật, tổ chức các đoàn đi một số nước như New Zealand, Hà Lan để tìm hiểu kinh nghiệm, song vận dụng như thế nào thì phải tùy thuộc vào hoàn cảnh của Việt Nam. Theo ông Đàm, có phi hình sự hóa mại dâm không thì cần tiếp tục nghiên cứu. Cái khó là phải tìm ra thiết chế, quy định phù hợp để không bỏ rơi một ai ngoài lề xã hội mà vẫn quản lý tốt khiến cho hoạt động này không gia tăng.
Theo thứ trưởng, thành công của New Zealand là không đẩy những người hoạt động mại dâm ra xa cơ quan nhà nước, nhất là về an sinh xã hội. Khi người hoạt động mại dâm gặp khó khăn, bị đe dọa thân thể, sức khỏe thì người đầu tiên họ tìm đến là cảnh sát để được trợ giúp. Thông qua đó, chính quyền nắm rõ họ đang ở đâu, làm gì, tâm sinh lý ra sao.
"Việt Nam có sự khác biệt, cơ quan công an, y tế chưa phải là chỗ dựa tin cậy khi người hoạt động mại dâm cần giúp đỡ vì sợ bị bắt, bị lộ, bị kỳ thị. Họ lẩn tránh cả chính quyền. Vậy nên chính quyền quản lý mà không có thông tin, bằng chứng cụ thể về người bán dâm, đó là một bất cập", ông nói.
Theo thống kê của Bộ Lao động, hiện cả nước có 126.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm với gần 100.000 nữ nhân viên làm việc. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2016 đã có thêm gần 29.000 cơ sở. Hiện còn 711 tụ điểm, địa bàn phức tạp về mại dâm, tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP HCM, Bà Rịa Vũng Tàu... |
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn