Kỳ Anh, huyện cuối cùng của Hà Tĩnh nối với Quảng Bình bằng Đèo Ngang. Con đèo như cái eo trên bản đồ nước Việt, từng là biểu tượng của nghèo đói nhưng lãng mạn. Người Kỳ Anh sống “chắt chiu câu nghĩa tình” luôn lạc quan trước nghèo khó, sự khắc nghiệt thiên nhiên và bom đạn chiến tranh. Thế nhưng, khi Formosa xuất hiện, mảnh đất này đang trải qua những thảng thốt, bàng hoàng?
Đèo Ngang ai qua mà chẳng nhớ…
Đêm ở Kỳ Anh, uống chén rượu cùng bạn lâu năm gặp lại, rào đón là không nói “chuyện thiên hạ”, vậy mà chẳng thoát ra được cái từ khoá Formosa. Chuyện cơm áo, gạo tiền, chuyện ông này bà nọ, nhân tình thế thái, quy về Formosa hết.
Kể cả khi câu chuyện hoài niệm xa tít tắp cũng chỉ để ngẫm về Formosa!
Đèo Ngang ai qua mà chẳng nhớ! Ông Tăng Nghĩa (nguyên Bí thư Huyện uỷ Kỳ Anh, thời huyện này chưa tách thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh như bây giờ), hiện công tác tại Ban Tổ chức T.Ư Đảng,có một cuộc sưu tầm khá công phu về chất lãng mạn của mảnh đất Kỳ Anh: Thần Quốc Công nhập nội đại hành khiển Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370, quê Hưng Yên), khi đến Đèo Ngang thốt lên Ngỡ mình như ở chốn bồng lai (bài thơ “Thần đầu cảng khẩu vãn bạc”). Bài thơ này hơn 700 tuổi, cũng đồng nghĩa xứ này được ngợi ca “chốn bồng lai” chừng ấy năm.
Cửa sông xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh. Ảnh: Sỹ Lực
Ông Tăng Nghĩa viết trong cuốn “Kỳ Anh Thơ”: Sau Nguyễn Trung Ngạn, đến với chốn bồng lai là Hoàng đế Lê Thánh Tông. Trước cảnh non nước hữu tình, vị vua thi sỹ này ghi lại cảm hứng bằng gần chục bài thơ ngợi ca xứ Hoành Sơn: Núi non trịnh trọng màu xanh biếc/Trước cửa Hà Hoa đưa tiễn ta… Vua Thiệu Trị cũng trút lòng: Nước non cây cỏ xanh rì/Hoành Sơn mây trắng đi về sớm hôm. Kỳ Anh có Đèo Ngang được vua nhà Nguyễn chọn khắc lên 9 đỉnh đồng đặt ở sân Thái Miếu. Vẻ đẹp của non sông xứ sở này cuốn hút bao danh nhân thi sĩ xưa như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng...
Có điều rất ít người biết, đó là cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên thời nhỏ của Bác Hồ) theo cha mẹ vào xứ Huế, qua Đèo Ngang cũng xuất khẩu thành thơ: Núi cõng con đường mòn/Cha thì cõng theo con/Núi nằm ì một chỗ/Cha cúi đi lom khom (Con đường).
Những năm tháng chống Mỹ, Kỳ Anh vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến. Nhiều trọng điểm nơi đây bị máy bay Mỹ đánh phá, hủy diệt. Công việc đảm bảo huyết mạch giao thông chi viện cho tiền tuyến đặt lên vai 15 vạn dân Kỳ Anh. Khẩu hiệu Xe chưa qua nhà không tiếc, xuất hiện đầu tiên ở Kỳ Anh. Có mặt ở Kỳ Anh thời ác liệt ấy là Xuân Diệu, Trinh Đường, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật… đặc biệt các chiến sỹ thi sỹ cách mạng Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Định, đều làm thơ về mảnh đất này.
Làng chài Ba Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, sau lưng là dãy Hoành Sơn - Đèo Ngang. Ảnh: Sỹ Lực
Trở lại cái đêm uống rượu ở Kỳ Anh,tiến sỹ Trần Trọng Minh, người Hà Tĩnh đang công tác ở Australia, người bạn lâu năm của tôi (từng là dân chuyên Văn), chiêm nghiệm rất thú vị về cái nghèo của trai Kỳ Anh nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung: “Một lần về họp lớp tôi nghe bạn tôi đọc câu thơ: Giá đừng Hoành Sơn đừng chân vân hai mái/ Đừng điệu lý nào đưa con tới Đèo Ngang. Sau này có người nói đây là mấy câu trong bài “Sông Ròn hoa trắng” của thầy giáo dạy Văn Trần Nam Phong, hiện là Trưởng ban Tuyên giáo thị xã Kỳ Anh. Thầy Phong nói hộ nỗi lòng vợ - cô gái Quảng Bình bịn rịn, vương vấn Đèo Ngang mà lấy chồng Kỳ Anh nghèo khó?Có cái gì đó giống Xuân Diệu: Cảm ơn mẹ biết yêu người xứ Nghệ/Nên máu con chung hòa cả hai miền…Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/Hai phía Đèo Ngang: một mối tơ hồng (“Cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong”). Chẳng phải chuyện văn chương mà chuyện đời thật, ngẫm thấy đúng lắm, bước qua Đèo Ngang, lấy con trai Nghệ là chấp nhận thiệt thòi, sống chung với nghèo khó, nên Xuân Diệu mới phải “cảm ơn mẹ biết yêu người Xứ Nghệ”.
Không chỉ người xưa mà tôi, khi về quê, đến con đèo này trong thời buổi non sông liền một dải cũng có cảm giác bâng khuâng, khó tả. Có cái gì đó như là sự chịu thương, chịu khó ở eo đất này. Cứ cảm giác mắc nợ quê hương khi đi xa lập nghiệp, lòng lúc nào cũng nặng như câu hát trong bài “Hà Tĩnh mình thương” của An Thuyên: Đi xa càng muốn về/Khổ đau càng muốn về… Người Quảng Bình, người Hà Tĩnh bao đời nay nghèo khó nên đứng ở đỉnh cao nhìn về hai phía thấy “mai về Hà Tĩnh, dạ ái ân Quảng Bình” thật. Tôi yêu thơ, không làm được thơ, nhưng khi lên đây rất đồng cảm với những câu thơ ấy, nó cứ vang lên... Tôi chỉ chưa hiểu một cách thấu đáo là vì sao ta lại chọn một nơi thơ mộng, đặc biệt thế này cho đóng trụ sở của tập đoàn thép”.
Người bạn của tôi đang sợ chất thép át chất thơ vì người Kỳ Anh giờ đây nói về thép nhiều hơn thơ.
Biển vẫn nghèo từ xưa nghèo về
Mười năm trở về trước, Kỳ Anh, dưới chân Đèo Ngang cuộc sống của dân vẫn còn phảng phất cái thời Bà Huyện Thanh Quan: Lom khom dưới núi tiều vài chú/Lác đác bên sông chợ mấy nha. Thời đó, Formosa chưa xuất hiện, Tiền Phong có phóng sự “Hoa héo Đèo Ngang”, nói lên cái cùng cực của “gái bán hoa” quê Quảng Bình, Hà Tĩnh trên đỉnh đèo. Họ mua bán “chuyện đó” bằng bó củi, mớ rau, điếu thuốc. Sau này người dân dùng cụm từ “hoa héo Đèo Ngang” để nói về cái nghèo ngày xưa của Kỳ Anh.
Thời tiết ở đây chẳng có mùa Thu dịu dàng, cũng gần như không có mùa Xuân ấm áp. Thẳng băng hai mùa mưa - nắng rõ rệt, như câu hátquê tôi nắng đỏ đồng/mưa thâm cả bùn non, và cũng như một nét tính cách yêu - ghét rõ ràng của người xứ này. Thời tiết khắc nghiệt, quanh năm mưa chan, nắng cháy, đất đai cằn cỗi khiến người Kỳ Anh thường chọn cách ra đi xa lập nghiệp. Ra đi để thoát nghèo. Hà Nội ngàn năm văn hiến; TPHCM ấm áp, khoáng đạt. Từ hai hướng Nam - Bắc ấy, người Kỳ Anh ra đi theo con đường học hành và làm thuê, kinh doanh. Sau này khi Nhà nước ta có chính sách xuất khẩu lao động, người Kỳ Anh thêm con đường ra đi nữa là xuất ngoại!
Người ở lại thì làm nông và đi biển. Nông thì làm dăm ba sào ruộng, trồng rau màu, tự cung tự cấp là chính. Biển thì thuyền nan, thuyền thúng đánh bắt gần bờ. Thuyền cập bến, phụ nữ gánh cá vừa chạy vừa rao bán cho dân, cho chợ làng, chợ huyện. Sau này cuộc sống hiện đại lên đời sống người dân có khá hơn đôi chút, nhưng vẫn trên nền tảng của cách thức sản xuất cũ ấy.
Nghề biển với người Kỳ Anh là cuộc mưu sinh “hồn treo cột buồm” thực sự. Cách đây mười năm, trai tráng miền biển thường vào Phan Thiết làm thợ lặn. Là làm thuê cho các chủ thuyền lớn, bán sức lao động thuần tuý.Trai biển Kỳ Anh có sức vóc nhưng không có thuyền lớn vươn khơi, đành phải ly hương. Người già ở nhà chèo thuyền nan, thuyền thúng đánh bắt gần bờ chỉ đủ ăn. Cuộc ra đi ấy, nhiều người đánh cược mạng sống của mình. May thì cuộc sống khấm khá, rủi thì bỏ mạng. Sợ nhất là bị nước ép, sống dở, chết dở. Di chứng sức ép của nước biển không khác một cơn tai biến nặng, chỉ giữ lại được cái mạng, chứ tàn phế, thậm chí sống thực vật suốt đời. Họ chấp nhận làm thuê “tiền tươi thóc thật” trên các con thuyền, không bảo hiểm. Rủi ro tự chịu, kể cả cái chết.
Có thời một bộ phận người dân ven biển Kỳ Anh trở nên khá giả vì nghề lặn. Danh từ thợ lặn thời đó là sự khác biệt, nói lên sự giàu có và khốc liệt. Thi thoảng các ngôi làng lại nhận tin dữ từ các chủ thuyền với những cái chết tức tưởi.Nguy hiểm vậy nhưng con trai, cứ lớn lên cứng cáp là đi biển, vào Nam làm nghềlặn. Những năm 90 của thế kỷ trước, không ít ngôi trường đến cấp 2 là không còn học sinh nữa.Lúc đó, con trai đủ biết chữ, đủ sức theo cha đi biển, con gái phụ mẹ bán cá. Bây giờ về một số làng biển vẫn thấy những người đàn ông trung niên “lần giường tập đi” là di chứng của nghề lặn thời trai trẻ.
Mấy năm gần đây nhà nước có chủ trương đầu tư cho ngư dân, bắt đầu có những con thuyền lớn vươn khơi. Người dân chưa kịp hào hứng thì biển gặp sự cố, những con thuyền “hiện đại” ấy đang nằm bờ, nhớ biển.
Đây là lúc chính quyền phải ở bên cạnh người miền biển.
Thảng thốt rồi cũng qua
Nghèo khó, vất vả có lẽ không phải là điều đáng sợ nhất đối với người Kỳ Anh. Nếu có nỗi sợ thì đó là lòng người phân tán.
Khi Tiền Phong đăng bài Võ Kim Cự - không chỉ đi trong bão Formosa,ông Cự (nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) hiện là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, gọi điện thoại cho tôi nói rằng: “Tôi từ trong nghèo khó mà lớn lên, rất hiểu người dân. Đưa Formosa về mong bà con thoát nghèo, ai ngờ. Giờ nói cái gì người ta cũng cho là ngụỵ biện, nhưng thực sự tôi sợ nhất là dân mình mất bình tĩnh, bị lôi kéo”, giọng ông có vẻ xúc động.
Còn ông Nguyễn Văn Bổng (nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh) sau khi đọc bài Chết trong cơn lốc tiền: “Tiền Phong nêu chuyện dân nguyền rủa gia đình tôi làm tôi xót xa quá. Các con, vợ tôi không có tội gì...”, giọng ông chùng hẳn, người đàn ông sắp đối mặt tù đày nói gần như khóc. Trên đời không có bản án nào sợ bằng bị cộng đồng xa lánh, khinh rẻ?
Người dân làng chài Ba Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh. Ảnh: Sỹ Lực
Nói về hai “ông quan” gắn với Formosa bị dân oán trách, tiến sỹ Trần Trọng Minh, nói: “Xét cho đến cùng thì không nên vui mừng khi thấy ai đó gục ngã, càng không nên vỗ tay trước bất kỳ cái chết nào, kể cả đó là con vật. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta, cả người dân và lãnh đạo Hà Tĩnh, có nhìn ra được cái sai, cái cần rút kinh nghiệm từ sự gục ngã hoặc cái chết của ai đó không. Hay chỉ là khi có sự cố xảy ra thì mong người gây ra “chết quách đi cho xong”, rồi thôi. Thấy những chuyện sai từ người trước mà vẫn không muốn hoặc không có cách khắc phục thì đó mới là điều đáng nói, đáng lo nhất. Còn việc ai có công, ai có tội sẽ được xét xử theo một cách rất văn minh. Đó là cách ứng xử trong xã hội văn minh. Chúng ta phải chấp nhận những giới hạn hiểu biết, và bị chi phối bởi góc nhìn, và chỉ nhìn thấy những thứ có ánh sáng rọi vào nên cứ nhằm vào đó để phán xét, kết tội. Phán xét, kết tội là việc của tòa.
Hơn nữa xét ở một góc nhìn khác, khi trong nhà lục đục (kể cả có người sai thực sự đi) thì cách mà chúng ta khoét sâu vào sai lầm của nhau, chỉ trích nhau, chì chiết nhau cho hả giận đôi khi có lợi cho bên ngoài, cho những kẻ vốn ghét ta, có âm mưu hủy hoại gia đình ta. Vấn đề ở đây là người dân mong muốn công lý phải được thực thi một cách nghiêm minh, ai có tội phải được xử lý, làm gương để những chuyện tương tự không xảy ra. Như vậy thì người dân sẽ không phải tự lập những phiên toà phán xét theo kiểu đó làm gì nữa. Cần phải bình tĩnh mà nhìn nhận rằng, trong mong muốn tốt đẹp từ phía dân cũng cần phải nhìn ra những kẻ đột lốt dân, những kẻ té nước theo mưa,thừa nước đục thả câu. Cái này dễ nhận ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta thôi, chứ đâu xa xôi. Ai vì dân vì nước, người ta biết hết. Dân thì luôn công bằng mà”.
Suy cho cùng, bi kịch của hai “ông quan” trong dự án Formosa Võ Kim Cự, Nguyễn Văn Bổng, cũng có thể là bi kịch của người Kỳ Anh (?). Cả dân và quan ai cũng muốn thoát nghèo, nhưng cuộc vượt thoát ấy hơi đường đột (đáng lẽ phải chuẩn bị tốt cả về tâm lý lẫn an sinh cho cả quan và dân trước một siêu dự án như thế này). Cả dân và cán bộ, xét cho cùng, trong cơn bão ấy, chẳng ai ngoài cuộc. Bão tố, thiên nhiên vốn công bằng, sức gió sức tàn phá như nhau, chỉ là cây caođổ mạnh, cỏ cây thì rạp xuống thôi. Cái được là tiền trước mắt, cơ sở vật chất hạ tầng, việc làm. Cái mất là môi trường, thiếu đất canh tác, thiếu nghề nghiệp ổn định. Hơn nữa, trong mỗi ngôi làng, mỗi gia đình còn có những mất mát vô hình là tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình phai nhạt, tổn thương. Dù có giàu lên mà lòng người xao xác, phân tán thì là điều đáng lo nhất.
Người Kỳ Anh, cả dân và lãnh đạo đã đến lúc ra khỏi những thảng thốt, bàng hoàng, vững vàng đón ánh sáng hội nhập để thoát nghèo bền vững. Một người phụ nữ đất Thăng Long đến Đèo Ngang sau Bà Huyện Thanh Quan 2 thế kỷ là bà Nguyễn Thuý An. Bà An đến Đèo Ngang sau ngày đất nước thống nhất đã họa bài “Qua Đèo Ngang”:Đến đỉnh Đèo Ngang bóng chưa tà/Màn sương phủ cỏ, cỏ bên hoa/Nào đâu mấy chú tiều khi trước/Chỉ thấy bên non biển với nhà/ Nhớ nước giữ gìn trong sạch nước/Thương nhà đoàn kết dựng xây nhà/Trời nam một dải dân làm chủ/Thống nhất hai miền Tổ quốc ta. Đèo Ngang đang thay đổi mạnh mẽ, không còn lác đác người và chợ nữa. Người dân và lãnh đạo cũng phải thay đổi cách nghĩ, cách quản lý cho hợp với sự thay đổi ấy.
“Có không ít người từ sự cố này, nhân danh bảo vệ môi trường, và nhân lúc tâm trạng người dân rối bời đã xúi giục tụ tập đông người để đạt mục đích khác của họ. Người dân phải thực sự tỉnh táođể nhận diện bạn và thù trong lúc này”, một cán bộ công an Hà Tĩnh nói. Một thầy giáo dạy gần Formosa cho rằng: “Chúng ta phải làm tốt vấn đề an sinh cho dân thì các thế lực sẽ không còn điểm yếu mà khai thác, lợi dụng. Điều mong muốn nhất là trong lúc này, lãnh đạo huyện, tỉnh và nhân dân phải chung lòng. Nhưng đó là mong muốn, làm thế nào để chung lòng thì lãnh đạo từ thôn cho đến tỉnh cần nghĩ. Càng khó khăn thì mới cần lãnh đạo giỏi. Để kẻ khác lợi dụng được có nghĩa ta vẫn còn kẽ hở, vẫn còn yếu”.
Mảnh đất nghèo nhất nước ấy, bật dậy đón nhận những kỷ lục của thời mở cửa kêu gọi đầu tư, bỗng thấy bàng hoàng, thảng thốt? Qua những cái giật mình, người dân sẽ trở lại vững vàng như đã từng vững vàng trong sự khắc nghiệt mà ông trời luôn thử thách mảnh đất này? Hoa vẫn nở, thơ vẫn vang lên ở Đèo Ngang ngay cả lúc nghèo khó và chiến tranh ác liệt. Formosa mang đến đây không chỉ “bão dư luận”, “bão tiền” mà có cả “bão lòng” và chúng ta phải hóa giải, đặc biệt là hóa giải cơn bão lòng người.
Nguồn mạch văn hóa, lịch sử kiên trung của đất và người xứ Đèo Ngang sẽ khiến thép phải nở hoa?
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn