Tham gia bấm nút hợp long phiến dầm cuối cùng trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, hạng mục dầm đã hoàn thành tạo nên một hệ thống cầu cạn xuyên suốt toàn dự án. Từ đây, dự án chuyển sang giai đoạn mới là thi công ray tàu và chuẩn bị lắp ráp thiết bị nhà ga, đoàn tàu.
Về vốn cho dự án, Thứ trưởng Trường khẳng định đã được chuẩn bị đầy đủ, công việc bây giờ là tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.
Lãnh đạo Bộ Giao thông và Tổng thầu Trung Quốc bấm nút hợp long tuyến đường sắt. Ảnh: Đ.Loan |
Bộ Giao thông đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc xây lắp tất cả khối lượng bê tông, các nhà ga, đường dẫn. Từ 1/1/2017, tổng thầu bắt đầu lắp đặt thiết bị trong 6 tháng và cuối tháng 9/2017 sẽ đưa tuyến đường sắt vào khai thác thương mại.
Toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 806 phiến dầm, bắt đầu được lao lắp vào năm 2014. Có nhiều loại dầm cho từng vị trí cụ thể, trong đó loại dầm nhỏ nhất trọng lượng 136 tấn, dài 18m và loại lớn nhất nặng 236 tấn, dài 32m. Toàn bộ việc thi công dầm được thực hiện vào ban đêm để đảm bảo an toàn giao thông.
Các phiến dầm được nối thông toàn tuyến dài 13km. Ảnh: Đ.Loan |
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.
Dự án bao gồm các hạng mục: xây dựng 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1,435 m, tốc độ tối đa 80 km/h; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn