Bộ Giáo dục đang lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi thông tư 30 trước thềm năm học mới. Có 3 thay đổi quan trọng là đánh giá định lượng bằng ba mức A, B, C; bỏ Sổ theo dõi chất lượng giáo dục để giảm tải cho giáo viên và quy định cụ thể việc khen thưởng.
Thời gian đầu thực hiện thông tư 30, nhiều giáo viên thành phố sử dụng dấu in sẵn để thay cho lời nhận xét. Ảnh: Quý Đoàn. |
Hoan nghênh tinh thần lắng nghe của Bộ khi sửa thông tư 30, thầy Hải, giáo viên lớp 4 cho biết, việc đánh giá chất lượng học tập theo 3 mức A, B, C với hướng dẫn ngoài nhận xét của giáo viên còn phụ thuộc điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm đạt 9 trở lên, gây rắc rối. Học sinh và phụ huynh sẽ ngầm hiểu mức A là điểm 9-10, mức B là 7-8 và mức C là dưới 7. Chỉ có 3 mức sẽ vô tình đánh đồng học sinh dưới 7 điểm đều là mức C, dưới và trên trung bình, như vậy không hợp lý.
Dự thảo quy định bỏ Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, nhưng lại thêm Sổ tay ghi chép giáo viên. Hồ sơ học sinh sẽ chỉ còn học bạ, Bảng đánh giá và Sổ ghi chép, tưởng nhẹ hơn mà không nhẹ. Liệu cuốn sổ này có bắt buộc giáo viên phải có hay không? Bộ nói là kiểm tra khi cần thiết nhưng cấp quản lý cơ sở vẫn sẽ kiểm tra thường xuyên. Khi đó, giáo viên lại có thêm áp lực và phải dành thời gian "làm đẹp" sổ để không bị phê bình.
Học bạ trước đây ghi điểm kỳ 1, kỳ 2 và nhận xét chung cả năm. Học bạ mới theo dự thảo thông tư 30 có phần điểm và nhận xét môn các học kỳ 1, 2. Tinh thần của Bộ là muốn học sinh được nhận xét tỉ mỉ hơn. "Nhưng học bạ được nhà trường giữ suốt 5 năm, không được trả về nhà và khi nào học sinh chuyển cấp thì cũng chuyển theo. Thầy cô giáo có nhận xét kỹ, phê hay, phê sát thực tế thì phụ huynh đâu có đọc được, làm sao biết con tiến bộ như thế nào", thầy nói và cho biết, rất nhiều giáo viên mong muốn trong học bạ chỉ cần nhận xét như trước đây.
Thầy Hải phân vân, dự thảo sửa đổi không nói rõ sẽ góp ý trong thời gian bao lâu, nếu quá gấp gáp thì không có hiệu quả rồi lại phải sửa. "Có ý kiến nói rằng giáo viên phản ứng với thông tư 30 vì ngại thay đổi. Nhưng chúng tôi là những người trực tiếp đứng lớp và hiểu rõ những bất cập khi quy định này đi vào thực tế. Nếu quy định tốt, nhân văn và giảm nhẹ áp lực thì tội gì giáo viên không thực hiện?", giáo viên này đặt câu hỏi.
Hoan nghênh việc Bộ Giáo dục tiếp thu góp ý và đưa ra dự thảo sửa đổi, song GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng những điều cơ bản thì chưa sửa được. Thứ nhất, dự thảo sửa đổi vẫn kiên trì quan điểm "không cho điểm, vì sợ gây áp lực đối với học sinh". Trong khi điểm là cách đánh giá định lượng, đảm bảo chính xác, rõ ràng nhất.
Để điểm số không gây áp lực lên trẻ nhỏ, thầy cô có thể áp dụng một số biện pháp như: không cho điểm những bài chưa đạt mà hướng dẫn các em làm lại để đạt yêu cầu và khi đó mới cho điểm; ghi nhận mỗi sự tiến bộ của học sinh bằng điểm cao hơn lần trước để động viên; chỉ công bố trước lớp những điểm khá, giỏi để động viên học sinh khá, giỏi và khuyến khích em khác vươn lên, còn những em chỉ đạt điểm trung bình trở xuống thì giáo viên thông báo riêng với cha mẹ để không tạo sự so sánh, mặc cảm ở các em.
Thứ hai, dự thảo sửa đổi thông tư tuy có bổ sung quy định tổng hợp kết quả đánh giá thường xuyên về học tập bằng ba mức A, B, C, nhưng mỗi học kỳ chỉ có một lần xếp loại thì quá ít. Nhiều bậc cha mẹ "trở tay không kịp" nếu đến tận cuối học kỳ mới biết kết quả học tập của con. Bên cạnh đó, dự thảo cũng không cho biết mối quan hệ giữa xếp loại A, B, C này với kết quả bài kiểm tra được đánh giá theo thang điểm 10 như thế nào?
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. |
Thứ ba, việc đánh giá phẩm chất của học sinh bằng xếp loại A, B, C là phù hợp, nhưng căn cứ rất mơ hồ. Ví dụ, mức A là "nhận thức đầy đủ, làm tốt, hứng thú, tự tin" thì không biết nhận thức đầy đủ là cái gì; làm tốt là làm tốt việc gì; và hứng thú là hứng thú với chuyện gì?
Dự thảo sửa đổi bỏ yêu cầu giáo viên ghi nhận xét hàng ngày vào Sổ theo dõi chất lượng giáo dục là việc nên làm. Nhưng nếu thay nó bằng ghi nhận xét vào sổ tay giáo viên thì cũng nên quy định cụ thể hơn để tránh việc cấp quản lý thường xuyên kiểm tra hoặc lấy việc ghi sổ làm tiêu chí thi đua, gây áp lực "làm đẹp" sổ.
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, đánh giá, trong dự thảo sửa đổi, có 13 điều được chỉnh sửa hoặc bổ sung và bỏ đi 4 điều, liên quan tổng cộng đến 17 điều trong thông tư 30. Việc sửa đổi hướng vào những kiến nghị của giáo viên, như bỏ Sổ theo dõi chất lượng giáo dục; tăng cường đánh giá về điểm số bằng bài kiểm tra ở lớp 4, 5, số môn được đánh giá tăng lên.
Ông cho rằng, sẽ còn nhiều ý kiến song sửa đổi cũng chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Thông tư 30 ra đời với hy vọng giải phóng áp lực học tập cho học sinh, nhưng qua hai năm triển khai cho thấy chưa thực sự hiệu quả. Bởi bản chất tạo ra áp lực là bệnh thành tích ăn sâu vào máu từ nhà trường cho đến cha mẹ và người hứng chịu trực tiếp là con trẻ. Muốn giải phóng áp lực đó thì phải xóa được bệnh thành tích. Người giáo viên tâm huyết phải ý thức sâu sắc việc đánh giá, nhận xét là vì sự tiến bộ của học sinh, để rồi tìm cách qua kiểm tra, đánh giá mà thu được thông tin cần thiết, điều chỉnh việc dạy học.
Phương HòaNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn