Công chức tham gia hội thì... “hòa cả làng”!

Thứ sáu - 09/09/2016 06:37

Công chức tham gia hội thì... “hòa cả làng”!

Thảo luận găng xung quanh dự thảo luật về Hội, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại, công chức ở Bộ Y tế tham gia Hiệp hội sữa (chẳng hạn), khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng lo, đang công chức mà vẫn được làm ở hội, chẳng cán bộ nào còn… mặn mà với công việc.

Chiều 8/9, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự án Luật Về hội.

Báo cáo xin ý kiến một số vấn đề lớn của dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo luật được tiếp thu chỉnh lý theo hướng không áp dụng huật này đối với các tổ chức chính trị - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương không tán thành quan điểm để công chức được quyền thoải mái tham gia các hội (ảnh: Quochoi.vn).

Theo giải thích từ ngữ tại điều 2 dự thảo luật thì hội bao gồm hội không đăng ký và hội có đăng ký.

Hội không đăng ký là tổ chức do công dân Việt Nam thỏa thuận thành lập; không đăng ký thành lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không có tư cách pháp nhân. Hội có đăng ký là tổ chức do công dân, pháp nhân Việt Nam thành lập, đăng ký thành lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có tư cách pháp nhân.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhận xét, tuy phạm vi điều chỉnh gồm cả hai loại trên, nhưng quy định xuyên suốt của dự thảo luật điều chỉnh hội có đăng ký. Trong khi hội không đăng ký mới là lớn nếu giải quyết được mới đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

Đại biểu khác cho rằng cần có quy định để quản lý được cả những hội không đăng ký. Vì trên thực tế có những hội không đăng ký nhưng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Đại diện cơ quan soạn thảo giải thích rõ hơn rằng với hội không đăng ký thì hội viên không nhân danh hội để thực hiện giao dịch pháp lý mà chịu trách nhiệm cá nhân.

Làm ở Ngân hàng Nhà nước mà tham gia Hội kinh doanh vàng – “Hoà cả làng”!

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, ban đầu, cơ quan soạn thảo thiết kế nhiều điều luật chặt chẽ hơn về việc công chức được quyền lập, quản lý, điều hành hội.

Theo Điều 7, quy định về các trường hợp hạn chế quyền lập hội trong dự thảo luật thể hiện, đối với hội có đăng ký, cán bộ, công chức không được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công.

Băn khoăn về mức độ hạn chế cơ quan soạn thảo đề xuất, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phân tích, không cho sáng lập nhưng cho tham gia hội thoải mái, ví dụ, công chức làm ở ngân hàng Nhà nước mà tham gia hội kinh doanh vàng, công chức của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mà tham gia Hiệp hội sữa, công chức ở Bộ Công thương mà tham gia Hiệp hội phân bón… thì “hòa cả làng”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn - đại diện ban soạn thảo dự án luật giải thích, cần có giới hạn với quyền của công chức để đảm bảo khách quan trong hoạt động công vụ vì nếu đang công chức mà vẫn được làm ở hội, chẳng cán bộ nào còn… mặn mà với công việc.

Ông Tuấn cho biết, ban đầu, cơ quan soạn thảo còn có ý định thiết kế điều luật buộc một số chức danh, phải sau 5 năm nghỉ hưu mới được sáng lập, điều hành hội. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng cứ sắp nghỉ hưu là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước “vẽ” đề án để thành lập hội, đôi khi chưa chắc đã vì mục đích cao cả mà chỉ mang tính chất cá nhân.

Vấn đề quyền về hội với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, Thường trực UB Pháp luật và Bộ Nội vụ lập luận, lập hội là quyền công dân nhưng đồng thời là quyền con người. Do đó, việc cho phép người nước ngoài cư trú và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp cụ thể là phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với các cam kết quốc tế trong việc thực hiện công ước về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Thực tế cho thấy, một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã được Nhà nước ta cho phép thành lập và hoạt động ở Việt Nam. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập theo pháp luật nước ngoài có hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo, không vì lợi nhuận tại Việt Nam cũng đã được đăng ký và hoạt động ở Việt Nam.

Do đó, dự thảo luật quy định, đối với hội của công dân, pháp nhân Việt Nam thì người nước ngoài cư trú và làm việc hợp pháp tại Việt Nam không được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, nhưng được gia nhập hội, hoạt động hội và ra khỏi hội khi điều lệ của hội đó quy định việc kết nạp người nước ngoài làm hội viên.

Đối với hội của người nước ngoài được thành lập tại Việt Nam, do đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến lĩnh vực đối ngoại và an ninh quốc gia, cần được xử lý linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế, dự thảo luật giao Chính phủ quy định.

Còn các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập theo pháp luật nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và hoạt động của các tổ chức này phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt nam và theo đúng nội dung giấy đăng ký hoạt động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

P.Thảo

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây