Quảng Nam đang có chủ trương di dời nhà máy thép ở Cụm công nghiệp Thương Tín 1 (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) đến thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.
Dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, quy mô 180.000 tấn thép/năm, diện tích khoảng 17 ha. Do vị trí mới là lưu vực sông Vu Gia, dư luận lo ngại dự án sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước sạch cho khoảng 1,7 triệu dân, chủ yếu là cư dân TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, cho rằng việc Quảng Nam di dời nhà máy thép nêu trên là "giải quyết hậu quả của một chuyện đã rồi". Năm 2008, Quảng Nam có chủ trương làm Cụm công nghiệp Thương Tín, trong đó có nhà máy thép Việt Pháp ở sát Hội An, ông Sự là người lên tiếng phản đối với lập trường "không có nhà máy thép thì Quảng Nam không chết".
Năm 2012, nhà máy thép Việt Pháp đi vào hoạt động ở thị xã Điện Bàn lập tức bị người dân địa phương phản đối vì ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi.
Người dân Điện Bàn từng nhiều lần dựng lán tạm trước nhà máy thép Việt Pháp để phản đối vì ô nhiễm. Ảnh: Tiến Hùng. |
Ông Sự cho rằng "di dời là đúng", nhưng đến chỗ nào thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng. "Di dời nhà máy chứ không phải là cho phép một nhà máy mới hoạt động. Nếu cho một nhà máy thép mới, điều đó là không nên và phải phản đối đến cùng", ông Sự nói.
Theo ông, nếu đình chỉ nhà máy thép thì quá tốt, nhưng không thể được vì nhà đầu tư đã bỏ 400 đến 500 tỷ đồng vào đó.
Nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An cho rằng, thay vì trao đổi bằng văn bản về dự án như thời gian qua, Quảng Nam và Đà Nẵng nên tổ chức một cuộc họp, với sự tham gia của lãnh đạo địa phương, các bộ, ngành, nhà khoa học và trao đổi thẳng thắn.
"Không ai chịu ai thì phải có một quan tòa. Mà quan tòa ở đây là khoa học, là các thông số kỹ thuật chứng minh khói, bụi, nước thải của nhà máy thép Việt Pháp có thực sự an toàn cho người dân vùng hạ du hay không. Quảng Nam hay Đà Nẵng đều muốn phát triển kinh tế, nhưng phát triển không thể để ảnh hưởng xấu đến người dân", ông Sự nói.
"Quảng Nam không thể tự quyết"
Trước thông tin dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp không sử dụng công nghệ chế biến quặng ra thép, mà dùng thép phế liệu đun sôi thành phôi và cán thép thành phẩm, ông Nguyễn Điểu (Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Đà Nẵng) cho rằng đã sản xuất thép thì dù từ phế liệu cũng sẽ gây ô nhiễm. Nhất là nhà máy đặt ở thượng nguồn sông, chất độc hại theo nguồn nước chảy về hạ du là khó tránh khỏi.
Sông Vu Gia là nguồn cung cấp nước cho khoảng 1,7 triệu dân vùng hạ du của Quảng Nam và Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Cho rằng Quảng Nam không nên dời nhà máy thép lên hạ lưu sông Vu Gia, ông Điểu hiến kế tỉnh này nên dồn nhà máy vào khu công nghiệp để xử lý dứt điểm ô nhiễm. Bởi nếu đưa lên núi sẽ rất khó kiểm tra, giám sát xả thải. Bên cạnh đó, việc di dời nhà máy lên lưu vực sông ảnh hưởng đến hai địa phương cần phải được nghiên cứu kỹ, Quảng Nam không thể tự quyết được.
Chuyên gia thủy lợi và tài nguyên nước Huỳnh Vạn Thắng bày tỏ lo ngại về nguồn cung cấp phế liệu, khi nhà máy thép Việt Pháp hoạt động với quy mô 180.000 tấn/năm. Theo ông, tỉnh Quảng Nam nên minh bạch kết quả đánh giá tác động môi trường cũng như những tài liệu liên quan đến công nghệ sản xuất của nhà máy, trong trường hợp có sự cố, chính những người đánh giá tác động môi trường phải chịu trách nhiệm.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Đình Quỳnh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP Đà Nẵng, cho biết mới đầu Đà Nẵng không có thông tin về việc di dời nhà máy thép Việt Pháp lên lưu vực sông Vu Gia, mà chỉ biết qua báo chí.
"Sau khi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng gửi văn bản đề nghị phía Quảng Nam chia sẻ thông tin, Quảng Nam đã có văn bản, hiện Chủ tịch TP Đà Nẵng giao cho Sở Tài nguyên và môi trường nghiên cứu, trả lời", ông Quỳnh nói và cho biết địa phương chưa có kế hoạch kiến nghị ra Trung ương.
Nguyễn ĐôngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn