Trước đó, ông Phong nhận được thông báo từ Công an huyện Đạ Huoai với nội dung yêu cầu 8h ngày 14/9 ông có mặt tại trụ sở công an huyện, để làm rõ một số thông tin liên quan đến xe khách mang BKS 53N-2824.
Vì đau chân nên ông Phong ủy quyền cho vợ lên làm việc với Công an huyện Đạ Huoai để làm rõ nguyên nhân tai nạn và nguồn gốc chiếc xe
Bà Nguyễn Thị Phượng (vợ ông Phong) cho biết, do ông Phong vẫn còn bị chấn thương ở chân không thể đi lại được nên đã ủy quyền cho bà lên công an làm việc.
“Gia đình tôi đã bồi thường cho 2 xe bị thiệt hại trong vụ tai nạn, cả 2 chủ xe đã viết giấy bãi nại. Hiện tại việc đền bù, giải quyết hậu quả của vụ tai nạn và thủ tục đã xong nhưng xe vẫn chưa được đưa về. Tôi chỉ mong sao sớm đưa xe về để sửa chữa để tiếp tục kinh doanh”, bà Phượng nói.
Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc xe khách nói trên được sản xuất từ năm 1996, lần kiểm định gần đây nhất là ngày 12/7/2016 và sẽ hết hạn vào 11/10/2016. Xe được cấp phù hiệu với cự ly vận chuyển dưới 300km. Nếu tính lộ trình từ Long An – Nha Trang – Đà Lạt – Long An là hơn 1.000km, vượt hơn 3 lần so với quy định.
Như Dân trí đã thông tin, khoảng 14h30 ngày 6/9, trên đoạn đèo Bảo Lộc (Đạ Huoai, Lâm Đồng), xe khách BS 53N- 2824 chở hơn 30 du khách từ Đà Lạt về TPHCM thì mất thắng, có nguy cơ lao xuống vực thì được tài xế Phan Văn Bắc điều khiển xe tải để xe khách đâm vào đuôi xe của mình và dìu xe này trên đoạn đường 500m cho đến khi cả 2 xe dừng hẳn.
Minh Anh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn