Chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ ai được phép nổ súng và khi nào được nổ súng. |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu chất vấn về việc cơ quan soạn thảo chưa đánh giá rõ việc sử dụng vũ khí thời gian qua như thế nào, nhất là các trường hợp nổ súng có vấn đề gì không? “Chúng tôi theo dõi trên báo chí, người dân phản ánh có cá nhân lạm dụng công cụ gây thương tích, nhưng vắng bóng trong báo cáo”, bà Nga nói.
Trả lời chất vấn của lãnh đạo Ủy ban Tư pháp, Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, rất khó quy định cụ thể trường hợp nổ súng trong Luật.
“Hạn chế thời gian qua là quy định chưa rõ, nên trong nhiều trường hợp anh em thi hành công vụ đáng lẽ cần nổ súng lại không, lúc không cần thì lại nổ súng. Việc này là do nhận thức và diễn biến tình hình tại hiện trường rất mau lẹ”, đại diện Bộ Công an nói.
Bà Nga tiếp tục đặt vấn đề, quy định không rõ như nêu trên dễ dẫn đến rủi ro pháp lý, để xác định thế nào là phòng vệ chính đáng hay không rất mong manh; ngoài ra còn có xu hướng lạm dụng, chưa cần thiết vẫn nổ súng gây thiệt hại. Từ cách tiếp cận này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị trong dự luật quy định rõ: “Ai được nổ súng, khi nào nổ súng và quy trình ra sao?”.
Trang bị vũ khí cho lực lượng điều tra Viện kiểm sát tối cao
Góp ý vào dự luật, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết, trong 5 năm qua bình quân mỗi năm có 141 vụ/300 bị can tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Ông Phong nói, nếu như lực lượng điều tra của Viện kiểm sát không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ thì sẽ nguy hiểm khi làm nhiệm vụ.
Lãnh đạo Viện kiểm sát cho hay: “Có lần tôi đã báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là có tình trạng bắt người bằng dây thừng. Đây là điều rất thật”.
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại phiên làm việc chiều 16/9. |
Theo ông Phong, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát chỉ có 185 người, cũng làm nhiệm vụ như cơ quan điều tra của Bộ công an, Bộ quốc phòng, do vậy cần được trang bị vũ khí. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, đã là cơ quan điều tra thì phải đối diện với lực lượng tội phạm nên việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ là cần thiết.
Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 75 điều sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ 2, khai mạc tháng 10/2016.
Quy định nổ súng (Điều 21, dự thảo Luật): Khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia việc nổ súng thực hiện theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan. Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc sau: Việc nổ súng phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định; Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người già trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra. |
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn