Chồng ca sĩ Thu Minh hứa giải quyết "nợ nần" trong 2 tuần nữa

Thứ tư - 24/08/2016 21:56

Chồng ca sĩ Thu Minh hứa giải quyết "nợ nần" trong 2 tuần nữa

Dù không tham gia đối chất với các doanh nghiệp gỗ có liên quan tại buổi họp báo do Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) tổ chức chiều nay (28/4), song qua làm việc với ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hawa, chồng ca sĩ Thu Minh - ông Otto cam kết, 2 tuần nữa, ông sẽ trình bày cụ thể các trường hợp vướng mắc với doanh nghiệp Việt.

Liên quan đến vụ việc hàng loạt doanh nghiệp gỗ Việt Nam tố Global Home - công ty chồng của ca sĩ Thu Minh "quỵt nợ", chiều nay (24/8) Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) đã tổ chức họp báo để chia sẻ các thông tin sau vụ lùm xùm giữa Công ty của chồng ca sĩ Thu Minh và một số công ty gỗ.

Buổi họp báo thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam, các luật sư và hàng chục phóng viên. Ông Otto - chồng ca sĩ Thu Minh mặc dù xuất hiện nhưng ông Otto đã không tham gia đối chất với các doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi họp báo

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, cuộc họp không nhằm phán quyết ai đúng ai sai mà chỉ nhằm chia sẻ kinh nghiệm sau vụ việc công ty Gia Hân, Việt Mỹ (Đồng Nai), Vinafor (Đà Nẵng)... đang vướng phải với đối tác Global Home.

Một doanh nghiệp đứng lên chất vấn

Ông Lê Xuân Tân, doanh nghiệp gỗ Hạnh Phúc, đơn vị từng làm ăn với Global cho biết, ông rất chia sẻ với "đồng nghiệp" Gia Hân vì những sự cố vừa qua. Công ty Hạnh Phúc từng hợp tác với công ty của ông Otto nhưng đã ngừng làm ăn hơn một năm qua nên may mắn không vướng vào tranh chấp.

"Tỷ lệ người ta cố tình lừa đảo rất thấp. Khi xảy ra tranh chấp thì ai cũng sẽ gặp, nhưng khi gặp những người không đàng hoàng họ sẽ đưa ra những yếu tố bất lợi khiến chúng ta phải giảm giá hoặc đền bù. Gia Hân nên bảo vệ quyền lợi đến cùng. Đó là mồ hôi nước mắt của chúng ta, của công nhân chúng ta", ông Tân nói.

Các doanh nghiệp (DN) thành viên để chia sẻ bài học từ vụ tranh chấp giữa công ty Gia Hân và Global Home. HAWA cho biết, hiện có hơn 20 DN lọt vào “sổ đen” của Global Home. "Sau khi nhượng bộ, đàm phán với Vinafor để giải quyết vấn đề công nợ, Global Home vẫn chưa có những động thái tích cực nào dành cho các đối tác khác. Theo thống kê chưa chính thức, hiện có đến hơn 20 DN gỗ Việt Nam chung số phận với Gia Hân trong làm ăn với Global Home. Liệu, đây có phải là chiêu lừa có tính toán từ trước mà Global Home giăng sẵn cho DN Việt?", một doanh nghiệp đặt nghi vấn.

Các bên tranh luận tại buổi họp

Luật sư Nguyễn Thanh Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh, đại diện cho Gia Hân cho biết: Sau khi tìm hiểu hồ sơ hơp đồng, điều dễ thấy nhất là sự bất lợi của DN khi kí kết hợp đồng với Global Home. Cụ thể, Từ năm 2012, Global Home kí hợp đồng khung FOB. Các bên thỏa thuận, tài phán là trọng tài Hồng Kông, luật Vương Quốc Anh. Với thỏa thuận này thì khi có tranh chấp, thiệt hại lớn thuộc về DN Việt, bởi thời gian, công sức lẫn tiền bạc để thuê luật sư đắt đỏ... Cứ mỗi lần đề nghị thanh toán thì chủ Golbal Home lại thường xuyên vắng mặt.

Luật sư Truyền cũng cho biết, thủ thuật tiếp theo là áp lực thời gian. Cụ thể, vào lúc 5 giờ sáng, ông Otto gửi email đề nghị làm việc, điều chỉnh hợp đồng thì đến 9 giờ sáng đã thông báo hủy buổi làm việc vì không nhận được phản hồi.

“Trong 10 DN thì đã có đến 9 DN Việt vướng mắc điều này. Không có điều khoản nào về mặt giới hạn thời gian. Khi ra tòa án trọng tài quốc tế thì DN Việt sẽ bị đánh giá là thiếu thiện chí”, luật sư Truyền nói.

Luật sư Truyền cho biết thêm: “Hơn 20 DN bị thiệt hại thì trong đó, có 15 DN bị bỏ hàng, Global Home đặt hàng nhưng cuối cùng không lấy. Nguyên nhân chung là hầu như các DN khi nhận được đơn hàng hầu như quên hết mọi việc, họ không quan tâm đến các chi tiết trong hợp đồng”.

Ông Ngọc, chủ công ty Gia Hân buồn bã kể lại: "Làm việc với luật sư thì chúng tôi biết, chúng tôi thua từ khi kí hợp đồng. Gia Hân theo vụ kiện này nhưng coi như đã mất. Chúng tôi vẫn làm để mọi người biết và rút kinh nghiệm từ câu chuyện này".

Tại buổi họp báo, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng khá bức xúc xen lẫn lo lắng khi biết về "lý lịch" không mấy sáng sủa của Golbal Home.

Theo thông tin từ phía Cộng hòa Séc, từ năm 2012 đến năm 2014, tổng số lần Global Home thay đổi vốn, trụ sở, người đại diện lên đến gần 30 lần. Ông Otto từng chuyển toàn bộ cổ phần cho một người bác sĩ. Hiện tại, theo thông tin từ Praha, ông Otto hiện chỉ nắm 1% cổ phần. Những hợp đồng kí với DN Việt đều là hợp đồng tiếng Anh, không kí hợp đồng tiếng Việt, không có con dấu công ty chỉ có con dấu tổng giám đốc là Otto. Như vậy, về giá trị pháp lý của hợp đồng cũng có vấn đề.

Đại diện công ty nội thất Việt Mỹ cho biết, giá trị làm ăn giữa Việt Mỹ và Global Home lên đến 124.900 USD, Global Home chỉ đặt cọc 20.000 USD. Thủ đoạn tương tự Gia Hân. Nay vẫn còn thiếu nợ Việt Mỹ hơn 66.000 USD.

Không chỉ công ty Việt Mỹ, đại diện công ty gỗ Cửu Long cũng "mếu máo" khi nói về tình cảnh dở khóc dở cười của mình với đối tác Global Home. Công ty Cửu Long biết, họ đã từng là nạn nhân của Global Home, đến mức phá sản. Cụ thể, sau khi thăm nhà máy, Cửu Long tiếp nhận ngay đơn hàng từ Global Home. Vì chưa có kinh nghiệm xuất khẩu nên họ vừa làm vừa có hỗ trợ từ Global Home.

“Chúng tôi thu được từ Global Home 60.000 USD nhưng do vấn đề thanh toán từ Global Home quá chậm, Cửu Long không có tiền thanh toán nhân công, công nhân chúng tôi đình công, dẫn đến việc không kịp tiến độ giao hàng. Cửu Long bị Global Home phạt hợp đồng 60.000 USD cho những đơn hàng chậm giao dù đã đồng ý cho giao hàng chậm tiến độ.

Chưa dừng lại ở đó, Global Home còn phạt tiếp những đơn hàng chưa đến ngày giao hàng con số tương đương”. Sau đó, ông Otto chủ động mời đàm phán lại, kí vào biên bản thanh lý hợp đồng công ty này bảo họ sẽ điều chỉnh số tiền phạt về bằng 0. Xem như Cửu Long giao hàng nhưng không nhận được tiền. Thiệt hại cho Cửu Long lên đến 100.000 USD. Cách thức mà ông Otto làm với Gian Hân cùng các công ty khác cũng tương tự như Cửu Long. Sau hợp đồng với Global Home, Cửu Long gần như phá sản.

Ông Xuân Tân cho biết, DN này đã từng làm với Global Home nhưng đã quyết định ngưng hợp tác 1 năm nay. Khi dừng hợp đồng, thiệt hại hàng trong kho chỉ vài nghìn USD nhưng phía Global Home thanh toán các khoản hàng đã giao trước đó rất chậm”. “Chúng tôi cũng đã mắc phải những vướng mắc như Gia Hân. Chúng ta quá nhỏ để đàm phán, cứ phải chấp nhận luật hoặc ra khỏi cuộc chơi”, ông Tân nói.

Đây không phải lần đầu, DN Việt bị vướng vào tình cảnh này, theo ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch Hawa, cách đây vài năm, đã có DN Úc lừa đảo hàng loạt các DN gỗ Việt. Hình thức thì có khác nhưng chung quy cũng là do DN vướng vào làm ăn phụ thuộc nhiều vào đối tác.

Ông Thắng khẳng định: “Đã đến lúc, DN Việt cần có văn hóa chia sẻ thông tin giữa các DN với nhau để có thể kịp thời xử lý. DN nước ngoài đã mất uy tín thì sẽ khó làm ăn trên đất nước này”.

Thời gian tới, Hawa sẽ tiếp tục thu tập thông tin từ phía các thành viên để có thống kê cụ thể về những thiệt hại mà DN Việt đang chịu khi làm ăn với Global Home. Đồng thời đưa ra những khuyến nghị cần thiết.

Trong lúc các DN Việt tố Global Home thì ông Otto đã xuất hiện, làm việc với ông Nguyễn Văn Hạnh, phó chủ tịch Hawa. Theo ông Otto, hành động gây áp lực của Gia Hân là không đúng đắn.

Đưa ra những bằng chứng cho những quyết định của Global Home, ông Otto xác nhận trường hợp Vinafor Đà Nẵng, Global Home đã thanh toán 1 nửa giá trị hợp đồng và sẽ thanh toán toàn bộ hợp đồng trong thời gian tới.

Ông Otto cũng xác nhận trường hợp với Cửu Long và hứa sẽ có giải quyết thỏa đáng cho công ty này. “Theo cam kết, 2 tuần nữa, ông Otto sẽ trình bày cụ thể các trường hợp vướng mắc với DN Việt”, ông Hạnh nói.

Phương Quyên -Công Quang

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây