Sáng 15/8, cho ý kiến dự thảo Luật cảnh vệ, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến quy định sử dụng vũ khí khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng này.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, cho biết pháp luật hiện hành quy định các trường hợp được nổ súng khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ tại văn bản mật ở cấp nghị định, nay đưa vào dự thảo luật (công khai) vì liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. "Theo Hiến pháp 2013, đây là những quyền phải quy định trong luật", Bộ trưởng Công an nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị không nên quy định việc nổ súng riêng cho từng lực lượng, kể cả với cảnh vệ. Tuy nhiên, thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, luật này cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của cảnh vệ để chủ động trong các tình huống, bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng.
Góp ý dự thảo luật, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, luật nên ghi thêm một số trường hợp cảnh vệ được nổ súng khi bất khả kháng. "Như ở Mỹ, mật vụ có quyền riêng, được phép nổ súng khi bảo vệ các đối tượng đặc biệt".
"Nổ súng có mấy mức độ như cảnh cáo, gây thương tích và tiêu diệt…, vì vậy nổ súng trong trường hợp nào phải quy định bằng luật, cụ thể và chi tiết", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ quan điểm.
Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết việc nổ súng trấn áp đe dọa đều được các nước cho phép áp dụng, không riêng với lực lượng cảnh vệ tiếp cận nhân vật quan trọng. "Ở đây nếu quy định khắt khe quá thì lực lượng cảnh vệ luôn lo sợ vi phạm luật pháp, khó khăn trong triển khai. Với anh em cảnh sát hình sự tương tự như vậy", thượng tướng Tô Lâm nói.
Hộ tống các đoàn lãnh đạo cấp cao từ sân bay Nội Bài. |
Dự thảo luật quy định đối tượng cảnh vệ (những người được bảo vệ đặc biệt), gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và những người từng giữ các chức danh này; Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng; Bộ trưởng Ngoại giao; Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC...
So với quy định hiện hành, dự thảo Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Ngoại giao, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Đối tượng được cảnh vệ không nhất thiết mở rộng. Nếu đưa Bộ trưởng Ngoại giao vào thì các bộ khác thế nào. Nhà nước ta là của dân, do dân, vì dân, thực tiễn hoạt động của các lãnh đạo này cho thấy chưa cần thiết phải mở rộng".
Dự thảo Luật bổ sung một số quyền hạn mới cho lực lượng cảnh vệ, như quy định được sử dụng giấy bảo vệ đặc biệt, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tín hiệu của xe ưu tiên để thực hiện công tác cảnh vệ; được mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không, lên tàu bay để thực hiện công tác cảnh vệ.
Dự án Luật cảnh vệ gồm 5 chương với 29 điều sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016).
Cảnh vệ được nổ súng trong trường hợp nào Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thực hiện nhiệm vụ được mang theo và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; được nổ súng trong các trường hợp sau đây: 1. Để ngăn chặn hoặc tiêu diệt đối tượng đang cố ý đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại hoặc nổ súng cảnh báo nhưng không hiệu quả. 2. Để ngăn chặn hoặc tiêu diệt đối tượng sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, chất nổ, chất cháy, các tác nhân sinh hóa khác tấn công đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ. 3. Các trường hợp sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ khác được thực hiện theo quy định của pháp luật.Nguồn: Dự thảo Luật cảnh vệ |
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn